Tranh cãi việc nhiệt điện than xả bụi mịn xa hàng chục km

Giới khoa học cáo buộc nhiệt điện than gây ra ô nhiễm bụi mịn tại Hà Nội. Các nhà máy nhiệt điện tuyên bố điều ngược lại.
Tranh cãi việc nhiệt điện than xả bụi mịn xa hàng chục km - Ảnh 1.

Nhà máy nhiệt điện than Thái Bình. (Ảnh: Gia Chính).

"Ước tính khoảng 20% lượng PM2.5 trong không khí Hà Nội là từ các nhà máy nhiệt điện lớn và các khu công nghiệp quanh Hà Nội", Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế kết luận trong Dự báo chất lượng không khí ở Hà Nội và khu vực phía Bắc, tháng 10/2018.

Khu vực phía Bắc có 20 nhà máy nhiệt điện, trong đó nhà máy nhiệt điện Na Dương (Lạng Sơn) có công suất nhỏ nhất 110 MW, nhà máy lớn nhất là 2280 MW ở Mông Dương (Quảng Ninh). Các nhà máy nhiệt điện có công suất lớn tập trung chủ yếu ở phía đông (Hải Phòng và Quảng Ninh).

Ông Trần Đình Sính, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) ước tính một nhà máy với hai tổ máy 1200 MW sử dụng sau hệ thống lọc bụi tĩnh điện hiện đại nhất với hiệu suất 99,75% thì 0,25% còn lại vẫn tương đương với 8 tấn bụi thải ra môi trường, trong đó lượng bụi PM 2.5 khoảng hơn 2,3 tấn.

"Giả sử không khí hoàn toàn trong sạch, không có hạt bụi nào, thì lượng bụi 2,3 tấn sẽ làm ô nhiễm trong bán kính khoảng 65 km, chiều cao khoảng 200 m. Như vậy tưởng rằng lọc 99,75% bụi là đã hết, thực tế vẫn có một lượng lớn bụi PM 2.5 bay ra ngoài", ông Sính phân tích. Ông cho rằng các nhà máy nhiệt điện than hoạt động dù đảm bảo quy chuẩn Việt Nam vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí. "Trong một vùng, ngoài nhiệt điện than còn các nhà máy xi măng, hóa dầu khác cũng xả khí thải. Một nhà máy xả thải theo đúng quy chuẩn có thể đảm bảo nhưng nhiều nhà máy thì sẽ vượt quá khả năng chịu đựng môi trường".

Theo ông Sính, ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những ngày nghiêm trọng nhất có đóng góp của các khu công nghiệp phía đông (Hải Phòng, Quảng Ninh) trong đó chủ yếu là các nhà máy điện chạy than. Vị chuyên gia cũng nhận định, ô nhiễm bụi mịn là vấn đề không biên giới, bởi khả năng lan truyền xa của nó.

Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện than lại có bằng chứng để chứng minh điều ngược lại. "Sau khi qua ống khói cao 215 m ra ngoài, hệ thống quan trắc không khí luôn cho thấy, khí thải của nhà máy không gây ảnh hưởng ngoài bán kính 10 km tính từ chân ống khói", ông Tô Văn Tiệp, phó phòng kỹ thuật công ty nhiệt điện Thái Bình nói về ảnh hưởng của khói nhiệt điện than tới không khí Hà Nội.

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình với hai tổ máy công suất 300 MW dành khoảng 70 triệu USD cho hệ thống xử khí thải. Hệ thống gồm bộ lọc bụi tĩnh điện ESP, có hiệu suất lọc bỏ bụi than 99,98% và bộ FGD, đạt hiệu suất khử 98,9% khí lưu huỳnh. Nồng độ bụi sau xử chỉ khoảng 20 mg/Nm3, bằng 1/10 giới hạn cho phép của QCVN. Tương tự nồng độ SOx khi ra ngoài là 170 mg/Nm3, bằng 1/3 mức cho phép.

Các chỉ số quan trắc không khí của nhà máy nhiệt điện Thái Bình được tự động gửi về sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình và hiển thị trên màn hình điện tử trước cổng nhà máy để công khai với cư dân địa phương.

Tranh cãi việc nhiệt điện than xả bụi mịn xa hàng chục km - Ảnh 2.

Lượng nhiệt điện than sản xuất theo từng giai đoạn. Đồ hoạ: Tiến Thành.

Cách đó hơn 200 km về hướng nam, nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn sở hữu những công nghệ xử khí thải tương tự, với mức đầu tư khoảng hơn 1,2 tỉ USD. Hình ảnh những xe tải chở tro xỉ bụi bay mù mịt ra đổ tại các bãi tập kết không tồn tại. Toàn bộ tro xỉ được trộn với nước, theo hệ thống bơm áp lực và đường ống khép kín xuống thẳng bãi tập kết. Tro xỉ được duy trì luôn nằm dưới mặt nước trong thời gian đợi đơn vị thu mua về làm gạch không nung.

Ông Lê Ngọc Minh, trưởng phòng An toàn môi trường khẳng định, "với hệ thống xử khí thải của nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, bán kính ảnh hưởng tới môi trường là không quá 5 km".

Trong khi các nhà hoạt động môi trường và các nhà kinh tế vẫn chưa tìm được tiếng nói đồng thuận về phát triển nhiệt điện than, cuộc khủng hoảng năng lượng ở Việt Nam đang ngày càng trở nên rõ rệt.

"Năm 2023, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 12 tỉ Kwh điện", báo cáo của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn ngày 6/11, nêu. Trong bối cảnh khai thác thủy điện khó khăn, ngành điện Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà máy nhiệt điện than. Cơ cấu hệ thống điện quốc gia cho thấy, tỉ trọng của nhiệt điện than đã tăng từ 17% năm 2012 lên 35% năm 2015. Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Chính phủ đến năm 2030 xác định hơn 50% điện tiêu thụ của Việt Nam sẽ đến từ nhiệt điện than.

Nhiệt điện than vẫn là nguồn cung cấp điện quan trọng khắp thế giới. Trung Quốc, nước có mức phát thải CO2 cao nhất thế giới, gần đây được nhắc đến với nỗ lực đóng cửa nhiều nhà máy nhiệt điện than. năm 2017 nhiệt điện than vẫn chiếm 67% tổng sản lượng điện Trung Quốc. Con số này ở Australia, Đức và Mỹ lần lượt là 61%, 37% và 30%.

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, Trần Đình Thiên phân tích tại diễn đàn "Năng lượng hiện tại và tương lai", tháng 5/2017, dư luận đang lo ngại về nhiệt điện than nhưng với bối cảnh nền kinh tế hiện nay, phát triển nhiệt điện than là bắt buộc. "Ở đây không phải điện than có làm hay không mà là công nghệ nào cần ứng dụng?".

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Hoàng Dương Tùng cho rằng, "Phát triển kinh tế trước, cải thiện môi trường sau là tư duy lạc hậu. Ngày nay, có rất nhiều công nghệ hiện đại, cho phép chúng ta song song thực hiện cả hai mục tiêu trên".

Chiều 19/12, trong cuộc họp bàn thảo các biện pháp cấp bách cải thiện chất lượng không khí, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhận định về các nhà máy nhiệt điện than: "Tôi chưa nhận định ô nhiễm ở Hà Nội có liên quan đến nguồn này, còn việc nhận định ô nhiễm ở Hà Nội là từ Quảng Ninh chưa có cơ sở. Nếu nói về không khí chung cả nước thì đương nhiên nguồn sử dụng nguyên liệu hóa thạch là phát thải ra khí nhà kính và bụi mịn". Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay tất cả điện than đều có yêu cầu xử đạt quy chuẩn khí thải, "điều này hoàn toàn nằm trong khả năng của công nghệ".

Kết quả quan trắc không khí đạt quy chuẩn của các nhà máy nhiệt điện than, tuy vậy, chưa xoa dịu được bất an của các nhà hoạt động môi trường. "Để cứu bầu không khí thủ đô, một trong những việc cần làm đầu tiên là giảm thiểu tiến tới đóng cửa các nhà máy nhiệt điện", ông Trần Đình Sính khuyến cáo. Ông mong thời gian tới, nhà nước có thể đứng ra tổ chức một hội nghị chính thức để các nhà hoạt động môi trường, các chuyên gia năng lượng và kinh tế thẳng thắn giải quyết những bất đồng quan điểm xung quanh khí thải của nhiệt điện than.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.