Sau 1 ngày hoạt động, Tổng đài 111 và đường dây nóng của Bộ LĐ-TB&XH tiếp nhận phản hồi về thực hiện chi hỗ trợ từ gói an sinh 62.000 tỉ đồng đã nhận được hàng trăm ý kiến của bạn đọc góp ý về công tác triển khai ở cấp cơ sở trong toàn quốc.
Nhiều ý kiến đánh giá cao sự vào cuộc nhanh và quyết liệt của Chính phủ, ngành LĐ-TB&XH trong việc triển khai gói hỗ trợ trong 1 thời gian ngắn. Từ khi ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP tới khi có hướng dẫn cụ thể tại Quyết định 15/QĐ-TTg chỉ trong 2 tuần.
Để tăng cường hiệu quả của việc chi trả, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các tổ chức đoàn thể tại địa phương, như: Mặt trận Tổ quốc VN, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh...
Đặc biệt, nhiều người dân đánh giá cao ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, tinh thần làm việc nhiệt tình không kể ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 của các cán bộ UBND cấp xã, phường, cán bộ tổ dân phố, thôn bản trong việc chi trả tới các nhóm người dân nhận hỗ trợ.
Tuy nhiên, đường dây nóng cũng tiếp nhận không ít các ý kiến phản hồi cách làm việc chưa đúng ở nhiều cơ sở trong việc rà soát nhóm người nhận hỗ trợ, nhất là lao động tự do.
“Một trong những bức xúc của người dân phản ánh là xuất hiện tâm lí xin cho, ban ơn của một số cán bộ tổ dân phố, thôn bản khi rà soát và thống kê đối tượng lao động tự do, đôi chỗ còn có dấu hiệu của sự cửa quyền trong thực hiện” - một thành viên theo dõi đường dây nóng cho biết.
Nhiều ý kiến người dân kiến nghị Mặt trận Tổ quốc các cấp cần thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và giám sát việc triển khai gói 62.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, đường dây nóng còn ghi nhận việc phản ánh về sự lúng túng trong giải thích, thiếu nhất quán trong thực hiện rà soát, phân loại đối tượng lao động tự do của không ít cán bộ thực hiện.
Điều này dẫn đến sự bức xúc của nhiều người dân không được nằm trong diện nhận hỗ trợ.
Đồng thời, nhiều cán bộ của tổ dân phố còn chưa thông thuộc trong việc rà soát. Việc công khai danh sách để người dân trên địa bàn nắm được và góp ý còn chưa được chú trọng. Thậm chí nhiều nơi, người dân còn chưa nắm được thông tin ở địa phương về việc hỗ trợ này.
Những phản ánh của người dân là cơ sở đề các cấp chính quyền cần rà soát, chấn chỉnh lại hoạt động nhằm đảm bảo hơn nữa sự hài lòng của người dân cũng như tránh việc bỏ sót đối tượng nhận hỗ trợ.
Bên cạnh đó, việc tập huấn kĩ năng cho cán bộ tổ dân phố, thông bản cần được chính quyền địa phương nghiên cứu, triển khai gấp, nhằm giúp các cán bộ cơ sở nắm rõ tiêu chí cũng như cách thức, cũng như có thái độ làm việc hợp lí với người dân.
Theo đánh giá của người dân tới đường dây nóng, các nhóm người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo đều đã có danh sách theo dõi và chi trả trợ cấp từ trước. Do đó công tác rà soát, thống kê phục vụ việc chi hỗ trợ tiền từ gói 62.000 tỉ đồng về nhóm người dân trên cũng không mất nhiều thời gian như nhóm lao động tự do, lao động dừng thực hiện HĐLĐ trong những ngày tới đây.