Canxi milk - nên hay không nên bổ sung cho con? |
Rất nhiều bố mẹ ngày nay mắc chứng “ám ảnh canxi”. “Chứng bệnh” này khiến bố mẹ lầm tưởng con chậm mọc răng, chậm biết đi là do thiếu canxi. Lầm tưởng này dẫn đến việc bố mẹ sai lầm khi bổ sung canxi cho con mà không xác định chắc chắn rằng con có thiếu canxi hay không.
Sự thật là trẻ biết đi là do cách chăm sóc đúng, chứ không phải do uống canxi. (Ảnh: Sonialimphotography) |
Khi chăm sóc bé, bố mẹ cho bé cơ hội nằm sấp, vận động từ sơ sinh, hỗ trợ vận động tối đa, thì các cột mốc vận động sẽ nhanh hơn (so với bản thân em bé đó nếu không đc chăm sóc phù hợp - chứ không phải so sánh với đứa trẻ khác.) Việc vận động cơ là ở "trí nhớ của cơ" và điều khiển thần kinh, chứ không phải là ăn gì.
Cho bé nằm sấp, vận động từ sơ sinh thì các cột mốc vận động của bé sẽ nhanh hơn. (Ảnh: Sonialimphotography) |
Nhiều bố mẹ còn có lầm tưởng rằng bé đã vịn đi rất tốt nhưng không muốn buông tay để tự đi, là do thiếu canxi. Đây là lầm tưởng vô lý. Bởi để kết luận một em bé thiếu canxi hay không, cần phải tiến hành các xét nghiệm cụ thể. Trang Parenting lý giải một số nguyên nhân tại sao bé chưa buông tay đi như bé vẫn còn tâm lý sợ ngã, sợ mất thăng bằng; bé chưa quen với việc nhấc chân lên, đặt chân xuống; cơ bắp của bé chưa chắc khỏe, bé cần được tập vịn nhiều hơn để tự tin đi một mình hoặc thần kinh thăng bằng của bé chưa vững.
Có một số bé đã bỏ tay được, đã bước được nhưng vẫn chỉ thích vịn vào tường hoặc được dắt đi chứ không muốn buông tay, đó là tâm lý. Có thể bé chưa tự tin, có thể bé đã ngã đau nên rút kinh nghiệm, có thể cá tính bé cẩn trọng... đó là tâm lý.
Bé sẽ đạt được hết các phương diện này để đi độc lập trong thời gian của cột mốc tự đi thuộc biểu đồ phát triển vận động của WHO.
Vì vậy chẳng có mối liên quan giữa uống canxi và mau biết đi. Xin bố mẹ đừng so sánh con phải nhanh biết đi như con nhà hàng xóm.
Tắm nắng để chống còi xương, chậm vận động Trao đổi trên VnExpress, Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm truyền thông giáo dục dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia (Hà Nội) nói: "Không phải cứ uống canxi, đưa canxi vào cơ thể thật nhiều là tốt. Cái gì cũng vậy, thừa quá cũng không tốt. Cơ thể không hấp thu được”. Theo tiến sĩ, muốn phòng còi xương, hấp thu được canxi thì phải đủ vitamin D. Có 3 nguồn cung cấp vitamin này gồm: thức ăn hằng ngày, ánh nắng mặt trời và uống. Trong đó, nguồn chính tạo D là ánh nắng mặt trời, nó có tác dụng chuyển hoá vitamin D ở dạng chưa hoạt động dưới da thành dạng hoạt động. Vì thế, để chống còi xương, việc cho trẻ ra ngoài nắng rất quan trọng - tiếp xúc với ánh nắng sớm 15-30 phút mỗi ngày. Theo thạc sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến việc uống canxi mà quên mất, nguồn bổ sung quan trọng, trẻ dễ hấp thu là từ sữa, thực phẩm… Trong đó phải kể đến hải sản, ngoài giàu vitamin, đạm, nó cũng rất giàu khoáng chất và canxi. |