Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai họp báo về chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. (Ảnh: Đông Vũ)
Ngày 7/5, bác sĩ Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn tâm thần hay gặp nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Theo sổ tay thống kê các rối loạn tâm thần, tỉ lệ trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý chiếm từ 3 - 7%.
Tại Mỹ, ước tính từ 5 - 9% trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 12 tuổi mắc ADHD, tỉ lệ này tương tự với tỉ lệ trẻ mắc ADHD ở nhiều nước thế giới. Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ có vấn đề về chú ý khoảng 4% trên 1.320 trẻ được nghiên cứu.
Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân và cơ chế gây nên ADHD như: Di truyền, biến đổi chất dẫn truyền thần kinh, thay đổi cấu trúc của não, yếu tố tổn thương não, thai sản, vai trò của môi trường…
Bác sĩ Thiện cho biết, trẻ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý có một số biểu hiện chính như: Vận động nhiều, luôn nhấp nhỏm, chạy nhảy, leo trèo; khó khăn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc; thường xuyên đánh mất các vật dụng cần thiết cho công việc, học tập; thường xuyên quên trong hoạt động, sinh hoạt hằng ngày; khó khăn trong việc tuân thủ yêu cầu từ người khác; gặp khó khăn mỗi khi phải chờ đợi đến lượt; bật ra những câu trả lời khi chưa nghe hết câu hỏi, nói quá nhiều; trẻ hay bị kích thích bởi các yếu tố tác động bên ngoài, có khuynh hướng chuyển từ hoạt động này sinh hoạt động khác nhưng không hoàn thành việc nào.
Bác sĩ Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: Đông Vũ)
"Trẻ em có chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đối diện với nhiều vấn đề trong quá trình phát triển tâm sinh lý, học tập, giao tiếp, phát triển cảm xúc cũng như các kỹ năng xã hội." bác sĩ Thiện cho hay.
Thông tin thêm về hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, bác sĩ Thiện nói , hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán mắc rối loạn tăng động tiếp túc có những biểu hiện, triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành.
Trẻ em mắc rối loạn tăng động có nguy cơ cao hơn mắc kết hợp các rối loạn tâm thần khác, tăng nguy cơ sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội cũng như tai nạn so với trẻ em bình thường.
Bên cạnh đó, một vài nghiên cứu, đánh giá cho thấy nam giới mắc tăng động giảm chú ý nhiều hơn so với nữ giới.
Bác sĩ Lê Công Thiện cho biết thêm, việc điều trị ADHD có nhiều lựa chọn như: Giáo dục, trị liệu tâm lý, thuốc, kết hợp các phương pháp...
Ngoài ra, để tăng hiệu quả điều trị cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn, gia đình và nhà trường cũng như sự quan tâm của cả cộng đồng. Tùy thuộc vào độ tuổi, mức độ nặng của rối loạn, thể lâm sàng, điều trị trước đó mà có chỉ định điều trị, can thiệp phù hợp.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện của ADHD, cha mẹ và nhà trường nên đưa trẻ đến các cơ sở khám chuyên khoa Tâm thần Nhi để được khám, đánh giá chính xác, toàn diện và được tư vấn, can thiệp điều trị phù hợp, hiệu quả.
Xem thêm: Trẻ nghiện điện thoại dễ mắc tăng động