'Bắt trẻ ngồi ngoan trong lớp cả buổi là nuôi gà công nghiệp' | |
'Đầu năm thầy cô đi bản vận động học trò đến lớp vất vả lắm, nơi xa nhất đến 70km' | |
Đảm bảo an toàn cho học sinh vùng lũ đến trường |
Trong một bài chia sẻ về cách nuôi dạy con, nhà báo Thu Hà đã thẳng thắn cho rằng việc bắt trẻ ngồi ngoan nghe cô giáo giảng trong cả buổi dài chỉ là nuôi gà công nghiệp, qua đó ủng hộ việc khuyến khích con cái vận động nhiều khi đến trường. Quan điểm này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội.
Trước nhận định của nhà báo Thu Hà, nhiều giáo viên và bậc phụ huynh cũng đã đưa ra những quan điểm của riêng mình về vấn đề này. Cô Nguyễn Nga Huyền (Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) đã chia sẻ thú vị về việc: Cho trẻ vận động như thế nào thì tốt?
Cô giáo Nguyễn Nga Huyền đã mang đến những quan điểm về cách cho trẻ được vận động và được vận động trong an toàn. |
"Là một người mẹ có hai con nhỏ đang đi học trường mầm non, tôi học hỏi và để ý đến tất cả những gì mà tôi cho là tốt cho con mình, trong đó có việc cho con được vận động khi đến trường. Việc có một cơ thể khoẻ mạnh có tác dụng tốt như thế nào tới sự phát triển của trí não chắc chúng ta không cần nói lại. Điều tôi quan tâm ở đây là nên để trẻ vận động như thế nào thì tốt?
Cần có sự giám sát của người lớn
Dĩ nhiên, tôi phản đối việc bắt trẻ ngồi ngoan cả buổi trong lớp. Lý do vì sao thì nhà báo Thu Hà đã phân tích trong bài viết mới đây của chị. Tôi muốn chúng được vận động, vui đùa, được ra với thiên nhiên thì càng tốt. Nhưng theo tôi, nhất thiết phải có sự giám sát cẩn thận của người lớn khi các con vận động, đặc biệt là với tuổi càng nhỏ, chứ không thể “thả rông”.
Trường các con tôi học tuy sân chơi không rộng nhưng có cây cối, có các trò chơi, đủ để chúng được leo trèo, chạy nhảy, đùa nghịch. Tôi nhớ có lần con gái lớn (4 tuổi rưỡi) trèo lên cầu trượt khá cao, khi ngồi chuẩn bị trượt xuống thì có một bé trai tranh trượt, đẩy con đằng sau, khiến con ngã chúi xuống lệch khỏi đường trượt. Thật may là lúc đó tôi kịp chạy lại để đỡ con. Nhưng đã có bé khác, tôi tận mắt chứng kiến, do trượt không đúng tư thế nên bị ngã ra khỏi cầu trượt khá đau, bố bé không kịp chạy lại đỡ. Một lần khác, tôi lại chứng kiến cảnh nguy hiểm khi các bé trai nghịch ngợm ngồi trên cầu trượt, kéo dây của chiếc xích đu nhựa bên cạnh lên rồi thả xích đu văng xuống khi có rất nhiều bạn đang chơi ở dưới.
Có thể nhiều phụ huynh cho rằng tôi quá lo xa, nhưng chỉ cần một cú va mạnh vào đầu con, dù là con tự ngã hay bởi lý do khách quan, thì không thể nói trước được hậu quả gì sẽ xảy đến. Chính vì thế, theo tôi khi các con chơi những trò chơi mang tính vận động, dù là trong hay ngoài giờ học, đều cần có sự giám sát của người lớn để can thiệp kịp thời khi có nguy hiểm.
Giám sát ở đây không phải là việc chỉ ngồi gần khu vực trẻ chơi và thỉnh thoảng liếc nhìn, mà phải luôn để mắt đến trẻ, vì những nguy cơ khi đã xuất hiện, thì khả năng biến thành tai nạn có thể chỉ mất vài giây. Vì thế, thời gian trẻ chơi đùa ngoài sân không phải là “giờ giải lao” để các cô giáo túm tụm buôn chuyện với nhau, cũng chẳng phải phút thảnh thơi để cha mẹ gục mặt vào điện thoại lướt facebook.
Cảnh báo con về nguy hiểm
Giám sát con là một việc cần làm nhưng việc trang bị cho con ý thức về sự nguy hiểm còn quan trọng hơn. Trước khi con tham gia một hoạt động thể chất nào đó, bố mẹ cần cảnh báo cho con về những nguy hiểm có thể xảy đến. Ví dụ khi con tập đi xe đạp, con có thể bị đâm, trầy xước, hay khi con leo trèo bám không chắc, con có thể bị trượt, ngã… Có thể sau khi nghe cảnh báo, trẻ vẫn sẽ mắc phải, vẫn bị ngã, bị đau, nhưng việc nhắc lại thường xuyên sẽ dần ngấm vào suy nghĩ của trẻ và khiến chúng có ý thức đề phòng nguy hiểm cho những lần sau.
Nếu trẻ bị đau, điều cần thiết là bố mẹ không nhắc nhở ngay về việc trẻ đã không nghe theo cảnh báo của mình, mà cần thể hiện sự quan tâm đến con trước. Bố mẹ có thể hỏi: “Con đau ở đâu?” Con chỉ cho bố/mẹ vết đau xem nào?” “Thương em quá”… Rồi sau đó khi trẻ đã dần nguôi, bố mẹ mới nhắc đến những cảnh báo mà trẻ không nghe theo: “Con có nhớ trước khi con trèo mẹ đã nói gì không nhỉ?”, “Con ơi, con có nhớ là mẹ đã nói rằng nếu trèo cao và không bám chắc thì có thể bị trượt ngã không?”… Việc cảnh báo trẻ nên được thực hiện thường xuyên nhưng không gay gắt, không làm trẻ căng thẳng.
Dạy con về tầm quan trọng của cơ thể khoẻ mạnh
Con cần phải hiểu về cơ thể mình, biết quý trọng cơ thể mình, để có thể vận động đúng cách. Điều này nghe có vẻ to tát so với một đứa trẻ nhưng hoàn toàn có thể làm được. Bố mẹ có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như khi con chơi ra nhiều mồ hôi, bố mẹ vừa lau mồ hôi cho con vừa giải thích về việc tại sao cần lau mồ hôi, để con không bị viêm phổi, không bị ốm. Hoặc khi con chơi tay chân lấm lem đất bẩn, bố mẹ sẽ nói với con về việc tại sao không đưa tay lên giụi mắt, mũi, không cho vào miệng...
Bố mẹ cũng có thể dạy con theo cách vừa học vừa chơi với hình ảnh sinh động, ví dụ dạy trẻ các bộ phận trên cơ thể, thì khi nói đến đâu giải thích đến đó: “Đây là cái đầu này. Đầu của mọi người là bộ phận rất quan trọng vì nó giúp mình suy nghĩ, nó chỉ huy tay chân hoạt động như thế nào, chỉ huy miệng mình nói ra lời gì này… Vì thế không được để cái đầu bị đau, bị thương, nếu không thì có thể sẽ không nói được hoặc cả cơ thể sẽ không hoạt động được”.
Khi trẻ vận động, nhất là khi cùng với trẻ khác, thì việc xảy ra va chạm, bị thương là rất dễ xảy ra, nhiều khi là không thể tránh được. Nhưng nếu trẻ thường xuyên được cảnh báo về nguy cơ và biết được rằng nếu tay con đau, con không vẽ được (khi vẽ là sở thích của bé, hoặc không chơi lego được…) thì ít nhiều con sẽ dần cẩn trọng hơn.
Dĩ nhiên, ở độ tuổi nhỏ, trẻ sẽ khó tập trung để nghe, hiểu, ghi nhớ được những điều này. Nhưng điều quan trọng là bố mẹ vẫn ý thức rằng đây là một việc cần làm để trang bị cho trẻ những kỹ năng quan trọng. Khi bố mẹ ý thức thì sẽ luôn nhớ về việc trao đổi với con thường xuyên. Cá nhân tôi khi áp dụng điều này cho con gái út (2 tuổi) của mình thì chưa thấy có hiệu quả, nhưng với cô chị (4 tuổi rưỡi) thì đã dần dần có tác dụng, dù không phải bé nhớ để thực hiện được 100% (thi thoảng vẫn đưa tay bẩn lên ngoáy mũi).
Tầm quan trọng của việc vận động đối với trẻ là điều, đối với tôi, không phải bàn cãi. Tôi mong có những đứa con khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần. Nhưng tôi cho rằng không thể “thả” cho trẻ vận động một cách tự do mà thiếu đi sự giám sát hoặc không có những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Trẻ càng nhỏ thì sự giám sát cần tăng lên, trẻ lớn hơn thì thiên về trang bị kiến thức, kỹ năng… Tất cả đều hướng đến mục đích cuối cùng: cho con cái chúng ta được vận động, và được vận động trong an toàn"
Cô Nguyễn Nga Huyền đã chia sẻ quan điểm của mình về việc cho con trẻ vận động khi tới trường, đặc biệt là những nhận định về việc cho trẻ vận động như thế nào thì tốt. Câu chuyện xoay quanh vấn đề này vẫn tiếp tục nhận được sự quan tâm và phản hồi của dư luận. Chúng tôi sẽ tiếp tục mang đến những chia sẻ thú vị, những quan điểm đa chiều trong những bài viết tới!