Thứ trưởng Lê Khánh Hải (phải) nhiều khả năng sẽ trở thành tân Chủ tịch VFF khóa VIII. |
Hơn nửa năm qua, nền bóng đá đã sống dưới “cuộc chiến vương quyền” xoay quanh những chiếc ghế lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa VIII nhiệm kỳ 2018 - 2022. Rất nhiều tên tuổi lớn, những ông bầu, những quan chức nhiều quyền lực đã gia nhập cuộc chạy đua này.
Liên đoàn bóng đá Việt Nam có gì đặc biệt? Ghế Chủ tịch VFF quyền lực tới đâu? Tại sao ai cũng lao vào tranh giành nó?
Ghế Chủ tịch VFF quyền lực thế nào?
Ra đời năm 1989, VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp nằm dưới sự quản lý của Tổng cục thể dục thể thao. Liên đoàn tổ chức và quản lý tất cả các hoạt động bóng đá nam, nữ, futsal, bóng chuyền bãi biển, bóng đá phong trào... trên phạm vi cả nước. VFF không chỉ là chuyện về một Liên đoàn đặt trụ sở ở Mỹ Đình, các đội tuyển quốc gia và 14 CLB V.League. Tổ chức này có 66 đơn vị thành viên, quản lý hàng loạt môn thi đấu khác nhau với rất nhiều hạng đấu, cả chuyên nghiệp và phong trào.
Do đặc thù bóng đá Việt Nam, mỗi CLB địa phương lại có những mối quan hệ phức tạp với các Sở Thể dục thể thao, các Trung tâm bóng đá địa phương, chịu tác động từ các Sở, ban, ngành phía trên. Nền bóng đá mỗi tỉnh lại có những đặc trưng vùng, miền và cách vận hành riêng.
Giải thích dài dòng vậy để thấy, VFF thực sự là một cỗ máy bóng đá, với một mạng lưới sâu rộng, trải dài trên khắp cả nước.
Người lãnh đạo Liên đoàn vì thế phải có hiểu biết và quan hệ rộng để bao quát toàn bộ hoạt động. Họ cũng phải có địa vị cao, uy tín cá nhân đủ lớn. Bởi đối tác của Liên đoàn hay chủ sở hữu các CLB đều là những doanh nghiệp cực kỳ máu mặt như Viettel, FLC, Hoàng Anh Gia Lai, Vin Group, ngân hàng SHB...
Người đứng đầu Liên đoàn vì thế vừa có quyền lực nhưng cũng chịu áp lực cực lớn. Cứ nhìn dòng người đổ ra đường tại giải U23 châu Á, ta sẽ hiểu quyền lực mềm của chủ tịch VFF lớn đến thế nào. Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức từng nói đầu tư vào HAGL đã đem tới cho ông những giá trị hình ảnh không thể đong đếm được.
Nhiều người khao khát ngồi vào ghế Chủ tịch VFF không phải vì lương bổng mà nó đem lại. Thứ họ tìm kiếm là ảnh hưởng xã hội, là quyền năng tác động tới cả triệu con người của môn thể thao vua.
6 tháng tranh đoạt vương quyền trước thềm Đại hội VII
Đương nhiên, vị trí càng cao thì cạnh tranh càng khốc liệt. Cuộc chiến tranh giành quyền lực trước thềm Đại hội VIII bắt đầu được hâm nóng sau vòng chung kết U23 châu Á 2018 và kéo dài tới tận hôm nay.
Trong 6 tháng ấy, Đại hội VFF khóa VIII đã liên tục hoãn lại. Từng được dự kiến tổ chức vào tháng 3, Đại hội đã lùi xuống tháng 5, tháng 6 và tiếp tục kéo dài vô thời hạn. Đến hôm nay, VFF cũng chưa thể chốt lại thời gian chính thức diễn ra Đại hội.
Nhiều lãnh đạo VFF khóa VII có thể không tham gia Ban chấp hành khóa VIII. Ảnh: Tùng Lê. |
Trong 6 tháng ấy, hàng loạt kế hoạch lớn của bóng đá Việt Nam đã bị tác động. Cuộc chiến tranh giành quyền lực hiển hiện dưới nhiều hình hài khác nhau, tác động tới những tên tuổi khác nhau. Họ chỉ trích nhau, tố giác lẫn nhau, tranh cãi, dọa dẫm, thậm chí chửi nhau ngay trên bàn họp.
Cuộc chiến ấy đã loại nhiều tên tuổi lớn khỏi vòng chiến. Chủ tịch VPF Trần Anh Tú phải bỏ cuộc, bầu Đức - ông chủ HAGL tự rút lui, cựu Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Xuân Gụ từ chức... Mới đây nhất, Phó Chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn cũng rút khỏi cuộc đua vào ghế Chủ tịch.
6 tháng trời, trong không khí chiến thắng ngập tràn của U23 Việt Nam, những nhà lãnh đạo bóng đá Việt Nam đã đấu đá không ngừng. Họ từ chối ngồi lại với nhau, lên những kế hoạch mới, tận dụng bước đà chiến thắng vừa có. Họ bận tranh đoạt, kèn cựa, mải mê tìm cách đánh bại lẫn nhau.
Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn mới xin rút khỏi vị trí cuộc đua vào ghế chủ tịch khóa VIII. Ảnh: Minh Chiến. |
Bức tranh u ám ấy đã đẩy nhiều người tài ra xa khỏi thượng tầng bóng đá Việt Nam. Chia sẻ với báo giới, những ông bầu tên tuổi như bầu Đức, bầu Hiển, bầu Long (Hòa Phát) đều từ chối tham gia chạy đua vào VFF.
Sau khi Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn rời cuộc đua, giới bóng đá không còn gương mặt đủ tài, đủ tầm làm người dẫn dắt bóng đá Việt Nam.
Cơ quan quản lý buộc phải vào cuộc
Trong tình hình ấy, một lãnh đạo cấp cao của Bộ là Thứ trưởng Lê Khánh Hải đã được chọn ra tranh cử chức Chủ tịch VFF khóa VIII.
Chia sẻ với báo giới mới đây, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thái Bình khẳng định: “Ở cương vị nào, trọng trách nào thì Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện vẫn là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất trước Chính phủ và nhân dân đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch trong đó có bóng đá”.
Hình ảnh bóng đá Việt Nam đã xấu đi vì cuộc chiến thượng tầng VFF. Ảnh: Minh Chiến. |
Khi bóng đá không thể tự tìm ra một thủ lĩnh thích hợp, sự hỗ trợ từ Chính phủ là điều cần thiết. Sự có mặt của ông Lê Khánh Hải sẽ dập tắt các luồng ý kiến chỉ trích, phần nào giải quyết những mâu thuẫn thượng tầng, tạo cơ hội cho Liên đoàn phát triển và làm việc tốt hơn.
Ngay sau khi thông tin Thứ trưởng Lê Khánh Hải ra tranh cử, cả 2 ứng viên Cấn Văn Nghĩa và Nguyễn Công Khế đã rút lui. Nếu vượt qua được cuộc bỏ phiếu tại Đại hội VIII, ông Hải sẽ trở thành nhà lãnh đạo kế tiếp của bóng đá Việt Nam. Với kinh nghiệm lãnh đạo và kiến thức nhiều năm trong lĩnh vực bóng đá, Thứ trưởng Lê Khánh Hải sẽ là sự lựa chọn hợp lý trong tình hình bóng đá Việt Nam hiện nay.
Việc một lãnh đạo Tổng cục hay Bộ được cử sang VFF tranh cử Chủ tịch không phải là điều quá mới. Nhưng VFF sẽ phải đặc biệt khéo léo và tế nhị nếu không muốn vi phạm quy định của FIFA. Đây có thể xem là rào cản cuối cùng cho ông Hải trước khi Đại hội VIII khởi tranh thời gian tới.
Thắng Palestine, U23 Việt Nam được VFF thưởng nóng 400 triệu
Ngay sau trận thắng U23 Palestine ở ngày ra quân giải U23 quốc tế- Cup Vinaphone 2018, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Lê Khánh Hải ... |
Cập nhật lịch thi đấu của tuyển U23 Việt Nam tại giải tứ hùng VFF 2018
Do việc U23 Australia bất ngờ rút lui khỏi giải, lịch thi đấu giải tứ hùng VFF 2018 với sự tham gia của tuyển U23 ... |
Văn hóa từ chức ở VFF
Hôm qua ông Nguyễn Xuân Gụ vừa nộp đơn từ chức phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông- đối ngoại và xin thôi ứng ... |