Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong chuyến thăm chính thức tới Nhật Bản hôm 3/2 (Ảnh: EPA) |
“Chúng tôi kêu gọi Mỹ duy trì thái độ có trách nhiệm, ngừng đưa ra những tuyên bố sai lệch trong các vấn đề liên quan đến chủ quyền tại quần đảo Điếu Ngư, đồng thời tránh làm cho vấn đề này thêm phức tạp cũng như đem lại sự bất ổn cho tình hình khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói hôm 4/2, đề cập tới quần đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh gọi quần đảo này là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku.
Cũng theo ông Lục, hiệp ước Mỹ - Nhật ký năm 1960 là “một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh” và không nên được đưa ra để “làm tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền hợp pháp” của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.
Trước đó, trong chuyến công du tới Nhật Bản hôm 3/2, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn giữ nguyên cam kết bảo vệ Nhật Bản với tư cách là một đối tác theo hiệp ước song phương và khẳng định cam kết phòng vệ chung này cũng được mở rộng đối với quần đảo tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh.
Ngoài vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, Trung Quốc cũng bày tỏ sự bất bình của nước này đối với phát biểu của Bộ trưởng Mattis rằng Tổng thống Trump sẽ tiếp tục duy trì cam kết của chính quyền tiền nhiệm trong việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Mục tiêu của THAAD là nhằm tăng cường khả năng ứng phó của Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như bảo vệ lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại 2 quốc gia này, trước sức mạnh tên lửa của Triều Tiên.
Theo phát ngôn viên Lục Khảng, “Trung Quốc kiên định lập trường phản đối việc triển khai THAAD” vì cho rằng sự hiện diện của hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ “làm tổn hại đến an ninh và lợi ích chiến lược của các nước trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, đồng thời làm suy yếu sự cân bằng chiến lược trong khu vực”.
Theo AP, Bắc Kinh kiên quyết phản đối việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc vì lo ngại rằng sóng radar cực mạnh của hệ thống này sẽ đi sâu vào lãnh thổ phía đông bắc của Trung Quốc, từ đó có thể cho phép Washington theo dõi mọi hoạt động quân sự của Bắc Kinh.
Giới chức và học giả Trung Quốc dự đoán quan hệ Trung - Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ tiếp tục trải qua nhiều sóng gió do quan điểm bất đồng giữa hai nước trong nhiều vấn đề. Nhà lãnh đạo Mỹ từng chỉ trích việc Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự tại Biển Đông, “tố” Trung Quốc thao túng thị trường tiền tệ và duy trì các chính sách thương mại thiếu công bằng, đồng thời phê phán Bắc Kinh hành động hời hợt trong việc gây áp lực cho quốc gia láng giềng Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của nước này.