Tên lửa Long March 2D (Trường Chinh) mang theo vệ tinh Mặc Tử được phóng đi lúc 1h40 sáng 16/8 từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở sa mạc Gobi , thuộc vùng tự trị Nội Mông. Vệ tinh bắt đầu cuộc hành trình vào không gian với sứ mệnh thiết lập đường dây thông tin không thể thâm nhập giữa Trung Quốc và châu Âu. Đây là kết quả hợp tác 8 năm của nhà vật lý lượng tử Pan Jiawei và kỹ sư không gian Wang Jianyu.
"Pan có những ý tưởng lớn, còn công việc của tôi là hiện thực hóa chúng trong một vệ tinh", giáo sư Wang, trưởng dự án vệ tinh khoa học lượng tử (QSS), nói.
Vệ tinh Mặc Tử được phóng đi hôm 16/8. Ảnh: Xinhua |
Theo SCMP, vệ tinh ban đầu mang tên QUESS (thí nghiệm lượng tử ở quy mô không gian), về sau rút ngắn thành QSS. Phải mất một thời gian dài nhóm nghiên cứu mới tìm được tên gọi thích hợp là Mặc Tử. Không chỉ phù hợp với tính chất tiên phong của thí nghiệm, Mặc Tử còn thể hiện sự tôn vinh lịch sử Trung Quốc. Hơn 2.400 năm trước, nhà triết học Mặc Tử đã cho rằng ánh sáng luôn đi theo một đường thẳng và thế giới vật chất được tạo thành bởi các hạt.
Dự án bắt đầu năm 2008, khi nhóm nghiên cứu QSS hướng tới xây dựng những vệ tinh có trọng lượng nhẹ hơn một chiếc ôtô thông minh và tìm kiếm một vũ trụ khác với lý thuyết của Einstein. Đó là nơi "một con mèo có thể sống và chết cùng một lúc, nơi thông tin có thể được dịch chuyển từ một thiên hà này đến thiên hà khác khác nhanh hơn tốc độ của ánh sáng, nơi Internet không thể bị tấn công, và là nơi một chiếc máy tính có thể chạy nhanh hơn tất cả các siêu máy vi tính của thế giới cộng lại".
Wang cho biết vệ tinh lượng tử có ba nhiệm vụ đầy thách thức, trong đó có thiết lập đường truyền tin lượng tử mà tin tặc không thể tấn công. Thông tin sẽ được mã hóa bằng dãy khóa bảo mật tại Bắc Kinh, Trung Quốc và gửi đến Vienna, Áo thông qua mạng viễn thông. Cùng lúc, dãy khóa bảo mật được truyền lên vệ tinh lượng tử của Bắc Kinh dưới dạng hạt photon, sau đó vệ tinh sẽ chuyển khóa bảo mật cho người nhận tại Vienna để giải mã thông điệp.
Nỗ lực của các nhà khoa học Trung Quốc được nhiều đồng nghiệp và đối thủ cạnh tranh ở châu Âu, Hoa Kỳ, Nga, Canada và Nhật Bản, đánh giá cao. Những nước này từng đề xuất kế hoạch phát triển công nghệ lượng tử nhưng chưa thể thực hiện hoặc trì hoãn vì nhiều lý do.
"Việc phóng thành công vệ tinh lượng tử đầu tiên chứng minh rằng truyền thông lượng tử trên quy mô toàn thế giới là điều khả thi. Đây là một bước tiến quan trọng với internet lượng tử trong tương lai”, Giáo sư Anton Zeilingger, người đứng đầu một dự án vệ tinh lượng tử ở châu Âu, nhận xét.
Trung Quốc thử nghiệm xe buýt bay |