Tháp lọc không khí hình ống khói đang được thử nghiệm ở Tây An. Ảnh: Futurism. |
Tòa tháp hình ống khói cao 18,2 mét được xây dựng ở thành phố Tây An, sử dụng ánh sáng Mặt Trời để lọc các hạt độc hại và xả ra không khí sạch. Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư 2 triệu USD vào hệ thống lọc thử nghiệm có thể giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm khói mù, Futurism hôm qua đưa tin.
Tháp nằm bên trên một cấu trúc hở lớn. Bức xạ Mặt Trời làm nóng tấm kính ở mái công trình, sưởi ấm không khí và đẩy dòng khí lên cao tới chân tháp. Từ đó, không khí đi qua nhiều màng lọc công nghiệp trước khi giải phóng qua nóc ống khói.
Cao Junji, người chỉ đạo dự án, tiến hành các thử nghiệm đầu tiên với công trình vào tháng 1/2018, khi ô nhiễm đạt đỉnh điểm trong suốt những tháng mùa đông. Nhóm nghiên cứu đặt thiết bị có thể đo lượng vật chất dạng hạt có đường kính dưới 2,5 micromet ở tháp và 10 trạm trong khu vực có diện tích 10 km2.
Kết quả thử nghiệm chưa được công bố và chưa qua đánh giá từ các đồng nghiệp, nhưng những báo cáo sơ bộ cho biết ống khói xả ra 5 - 8 triệu m3 không khí lọc sạch mỗi ngày. Các thiết bị theo dõi ở gần đó ghi nhận lượng vật chất dạng hạt giảm 19% so với những khu vực khác trong thành phố.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ hoài nghi về tính kinh tế của dự án. Theo Cao, cần khoảng 6 tháp để giải quyết khói mù ở trung tâm đô thị. Theo báo cáo từ Nature, Cao ước tính chi phí vận hành chương trình thử nghiệm lên tới 30.000 USD một năm.
Neil Donahue, giáo sư kỹ thuật hóa học, cơ khí và chính sách công ở Đại học Carnegie Mellon University, còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về khả năng lọc tiền chất của vật chất dạng hạt như khí lưu huỳnh dioxide.