Trung Quốc yêu cầu Mỹ không nên lạm dụng lí do an ninh quốc gia để trừng phạt các doanh nghiệp

Trung Quốc cho rằng Mỹ không nên dùng mãi lí do "an ninh quốc gia" để trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo bà Hoa Xuân Oánh, việc Mỹ liên tục lấy lí do an ninh quốc gia để trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho cả hình ảnh và lợi ích của nước Mỹ.
Trung Quốc yêu cầu Mỹ không lạm dụng lí do an ninh quốc gia - Ảnh 1.

Bà Hoa Xuân Oánh - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

Tại buổi họp báo chiều 4/12 tại Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt phản đối việc Mỹ chèn ép hàng loạt doanh nghiệp Trung Quốc và yêu cầu Mỹ dừng viện dẫn lí do "an ninh quốc gia" trong các hành động cấm vận.

Theo bà Hoa Xuân Oánh, việc Mỹ liên tục lấy lí do an ninh quốc gia để trừng phạt doanh nghiệp Trung Quốc sẽ gây tổn hại cho cả hình ảnh và lợi ích của nước Mỹ, Reuters đưa tin.

Tuyên bố trên được Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau khi chính quyền Tổng thống Trump thêm 4 doanh nghiệp vào danh sách cấm vận là: Tập đoàn Sản xuất Vật liệu Bán dẫn Quốc tế (Semiconductor Manufacturing International Corp - SMIC), Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (China National Offshore Oil Corp - CNOOC), Công ty Công nghệ Xây Dựng Trung Quốc (China Construction Technology Co. Ltd) và Công ty Tư vấn Kĩ thuật Quốc tế Trung Quốc (China International Engineering Consulting Corp).

Mỹ cáo buộc các tập đoàn này có liên quan tới quân đội Trung Quốc và gây tổn hại tới an ninh quốc gia của Mỹ. SMIC là nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, CNOOC là nhà khai thác dầu khí hàng đầu và là chủ sở hữu của dàn khoan Hải Dương 981 từng xuất hiện trên Biển Đông năm 2014.

Theo Reuters, việc ông Trump thêm 4 tập đoàn trên vào danh sách cấm vận sẽ khiến cho quan hệ Mỹ - Trung leo thang căng thẳng và đẩy Tổng thống đắc cử Joe Biden vào thế khó khi ông nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Đến nay Mỹ đã trừng phạt 35 doanh nghiệp với cáo buộc có liên quan tới quân đội Trung Quốc và đe dọa an ninh quốc gia Mỹ.

SMIC ra thông cáo cho biết công ty này kịch liệt phản đối quyết định cấm vận của Mỹ và cho rằng chính quyền Donald Trump đã hiểu lầm về người dùng cuối cùng của các sản phẩm và công nghệ của SMIC. 

Hãng chip này khẳng định việc bị thêm vào danh sách đen của Mỹ không gây ra ảnh hưởng gì lớn. Giá cổ phiếu SMIC kết phiên 4/12 tại Hong Kong giảm 5,4%.

Tháng 11 vừa qua, Nhà Trắng đã ban hành một lệnh hành pháp nhằm cấm nhà đầu tư Mỹ mua và sở hữu chứng khoán của các công ty trong danh sách cấm vận, kể từ tháng 11/2021.

Hai tập đoàn quản lí tài sản lớn nhất của Mỹ là Vanguard Group và BlackRock sở hữu tổng cộng khoảng 2% vốn của công ty con niêm yết của CNOOC và khoảng 4% vốn của SMIC.

Tổng thống Trump và Quốc hội Mỹ đã tìm nhiều biện pháp để hạn chế khả năng của doanh nghiệp Trung Quốc trong việc tiếp cận thị trường vốn Mỹ, cho dù các biện pháp này vấp phải sự phản đối của các tài phiệt Phố Wall.

Hôm 2/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật yêu cầu doanh nghiệp Trung Quốc chấp hành các qui định kế toán, kiểm toán của Mỹ và công khai các sổ sách tài chính. 

Nếu không tuân thủ trong ba năm liên tiếp, các công ty Trung Quốc có thể sẽ bị hủy niêm yết ở Mỹ. Dự luật này đã được Thượng viện phê chuẩn từ tháng 5 và hiện chỉ cần thêm chữ kí của Tổng thống Trump là có hiệu lực chính thức.

Trung Quốc thường lấy lí do bảo vệ bí mật quốc gia để ngăn doanh nghiệp công khai sổ sách tài chính trên thị trường chứng khoán Mỹ. Phía Mỹ cho rằng việc doanh nghiệp Trung Quốc không minh bạch thông tin sẽ gây ra rủi ro cho các nhà đầu tư.

Dự luật hủy niêm yết doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ khiến nhiều ngân hàng Phố Wall lo lắng sẽ mất các khoản phí tư vấn niêm yết khổng lồ. Đầu tháng 10, Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung cho biết có 217 công ty Trung Quốc đang niêm yết tại Mỹ với tổng trị giá vốn hóa 2.200 tỉ USD.

Trong số này có những tên tuổi lớn như Alibaba, Pinduoduo, JD.com, China Mobile, Yum China, Tencent, China Telecom, ...

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.