Trường hợp nào được chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT?

Theo Điểm a, Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT, việc quyết định người bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên khi: Bệnh được chẩn đoán ngoài danh mục kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt.

Hỏi đáp pháp luật: Tôi chơi thể thao bị đứt dây chằng trước gối phải và có đăng ký BHYT tại bệnh viện đa khoa huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An. Nay tôi có nhu cầu muốn xin giấy chuyển viện qua bệnh viện Quân y 175 TP HCM . Vậy tôi có xin chuyển tuyến và hưởng BHYT được không?

cuu thai

Trường hợp nào được chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Được chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT khi nào?

Đối với việc chuyển tuyến, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản quy định cụ thể như: Quy chế bệnh viện ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/QĐ-BYT ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Thông tư số 14/2014/TT-BYT ngày 14/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc chuyển tuyến giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Thông tư 40/2015/TT-BYT Quy định đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh BHYT và một số văn bản liên quan khác.

Tại Điều 5, Thông tư số 14/2014/TT-BYT quy định, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) chuyển người bệnh từ tuyến dưới lên tuyến trên khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

Bệnh không phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt hoặc bệnh phù hợp với năng lực chẩn đoán và điều trị, danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt nhưng do điều kiện khách quan, cơ sở KCB đó không đủ điều kiện để chẩn đoán và điều trị.

Căn cứ vào danh mục kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt, nếu cơ sở KCB tuyến trên liền kề không có dịch vụ kỹ thuật phù hợp thì cơ sở KCB tuyến dưới được chuyển lên tuyến cao hơn.

Trước khi chuyển tuyến, người bệnh phải được hội chẩn và có chỉ định chuyển tuyến (trừ phòng khám và cơ sở KCB tuyến 4).

Như vậy, theo Điểm a, Điều 5 Thông tư số 14/2014/TT-BYT, việc quyết định người bệnh được chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên khi: Bệnh được chẩn đoán ngoài danh mục kỹ thuật của cơ sở KCB đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về y tế phê duyệt; Bệnh được bác sỹ trực tiếp điều trị nhận định vượt khả năng chuyên môn của cơ sở y tế.

Tuy nhiên, việc nhận định diễn biến của bệnh có đủ điều kiện để chuyển tuyến hay không có lại phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, trình độ chuyên môn, khả năng tiên lượng bệnh của từng bác sỹ đối với tình trạng bệnh cụ thể mỗi người bệnh.

Thực tế có trường hợp do không tiên lượng được mức độ của bệnh, cơ sở KCB tuyến dưới cho rằng cần phải theo dõi tiến triển của bệnh xem có vượt quá khả năng điều trị của mình hay không, dẫn tới việc giữ người bệnh tại tuyến dưới quá lâu, chậm chuyển lên tuyến trên.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 40/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định việc đăng ký KCB BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế có 6 trường hợp được chuyển tuyến KCB BHYT:

- Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền KCB BHYT tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh.

- Người có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở KCB tuyến xã chuyển tuyến đến bệnh viện huyện, bao gồm cả các bệnh viện huyện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện y học cổ truyền tỉnh (trong trường hợp bệnh viện huyện không có khoa y học cổ truyền).

- Người có thẻ bảo hiểm y tế được bệnh viện tuyến huyện, bao gồm cả bệnh viện đã được xếp hạng I, hạng II và bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh chuyển tuyến đến trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa, viện chuyên khoa tuyến tỉnh cùng hạng hoặc hạng thấp hơn.

- Đối với trường hợp cấp cứu: Người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở KCB nào. Bác sĩ hoặc y sĩ tiếp nhận người bệnh đánh giá, xác định tình trạng cấp cứu và ghi vào hồ sơ, bệnh án.

Sau giai đoạn điều trị cấp cứu, người bệnh được chuyển vào điều trị nội trú tại cơ sở KCB nơi đã tiếp nhận cấp cứu người bệnh hoặc được chuyển đến cơ sở KCB khác để tiếp tục điều trị theo yêu cầu chuyên môn hoặc được chuyển về nơi đăng ký KCB ban đầu sau khi đã điều trị ổn định.

- Trường hợp người bệnh được chuyển tuyến KCB có bệnh khác kèm theo, bệnh được phát hiện hoặc phát sinh ngoài bệnh đã ghi trên giấy chuyển tuyến, cơ sở KCB nơi tiếp nhận người bệnh thực hiện việc KCB đối với các bệnh đó trong phạm vi chuyên môn.

- Trường hợp người tham gia bảo hiểm y tế đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KCB tại cơ sở KCB trên địa phương đó tương đương với tuyến của cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ bảo hiểm y tế.

Trường hợp địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia bảo hiểm y tế được lựa chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác có tổ chức KCB bảo hiểm y tế ban đầu.

Mức hưởng BHYT

Căn cứ theo Điều 22 Luật BHYT năm 2014 sửa đổi ban hành ngày 13/06/2014 và Nghị định 105/NĐ-CP/2014 ngày 15/11/2014 quy định mức hưởng thẻ BHYT như sau:

Khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến

Quyền lợi hưởng

Đối tượng hưởng

100% Chi phí khám chữa bệnh

- Trẻ em dưới 6 tuổi

- Đối với người có công với cách mạng

- Đối tượng đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân

- Đối tượng khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã

- Trong trường hợp tổng chi phí 1 lần khám chữa bệnh thấp hơn 15%mức lương cơ sở

- Đối tượng tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên tính từ thời điểm đi KCB đúng tuyến và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB BHYT lũy kế  trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Người bệnh có trách nhiệm lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan BXHH cấp "Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm"

95% Chi phí khám chữa bênh

- Đối với người đang hưởng lương hưu, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.

- Người thuộc hộ gia đình nghèo

- Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn

- Thân nhân của liệt sỹ (bố, mẹ, vợ, con đẻ)

80% Chi phí khám chữa bệnh

- Đối với các đối tượng tham gia BHYT khác không thuộc đối tượng hưởng trên (bao gồm cả NLĐ tham gia BHYT bắt buộc và tự nguyện).

Khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến

+ KCB tại bệnh viện tuyến huyện: 100% chi phí khám, chữa bệnh theo phạm vi và mức hưởng quy định

+ KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh: Mức hưởng bằng 60% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi và mức hưởng quy định

+ KCB tại bệnh viện tuyến trung ương: Mức hưởng bằng 40% chi phí điều trị nội trú theo phạm vi và mức hưởng quy định

Lưu ý:

- Đối với các trường hợp trong tình trạng cấp cứu được hưởng 100% chi phí điều trị nội trú.

- Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

- Thông tuyến KCB xã, huyện trong cùng địa bàn tỉnh: người tham gia BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh có được chi trả theo mức hưởng đúng tuyến.

- Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tạ xã đảo, huyện đảo khi tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với bênh viện tuyến huyện, điều trị nội trú với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương và có mức hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh.

- Đối với các trường hợp đi KCB chưa có thẻ BHYT cấp lại do mất, hỏng,…thì đối tượng tham gia BHYT thực hiện thanh toán như trường hợp thông thường qua giấy hẹn của cơ quan BHXH cung cấp, hồ sơ theo hướng dẫn.

Khám bệnh, chữa bệnh tại nơi không ký hợp đồng KCB BHYT

Loại hình khám, chữa bệnh

Tuyến chuyên môn kỹ thuật

Mức thanh toán tối đa cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh (đồng)

Ngoại trú

Cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương

60.000

Nội trú

Cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương

500.000

Cơ sở y tế tuyến tỉnh và tương đương

1.200.000

Cở sở y tế tuyến trung ương và tương đương

3.600.000

Trên đây là ý kiến tư vấn về câu hỏi đặt ra từ một tình huống. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin được cung cấp.

Những tư vấn chỉ có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến độc giả chưa hiểu hết vấn đề hoặc/và có sự vướng mắc, thắc mắc, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của độc giả gửi tới: hoidapphapluatvnm@gmail.com.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.