Từ ngày 1/7, Tân Hoàng Minh dừng kinh doanh tại các chi nhánh

Theo lãnh đạo Tập đoàn Tân Hoàng Minh, từ ngày 1/7, trừ trụ sở tại Hà Nội, tất cả các chi nhánh khác của tập đoàn này sẽ dừng hoạt động để hạn chế thấp nhất các chi phí, tổn thất về tài chính.

Trụ sở Tân Hoàng Minh tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tập đoàn Tân Hoàng Minh) vừa ký thông báo về việc tạm dừng kinh doanh tại các chi nhánh.

Ông Minh là người được ủy quyền điều hành Tân Hoàng Minh thay cha là ông Đỗ Anh Dũng.

Từ ngày 1/7, tất cả các chi nhánh của Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ dừng hoạt động, trừ trụ sở tại Hà Nội có địa chỉ 24 phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm. Trong các cơ sở bị dừng hoạt động của Tập đoàn Tân Hoàng Minh có cả chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Lý do được Tân Hoàng Minh đưa ra là tập đoàn buộc phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh nhằm hạn chế thấp nhất các chi phí, tổn thất về tài chính, đồng thời ưu tiên tối đa cho việc thu xếp tài chính nhằm sớm hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trái phiếu.

Từ tháng 4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo hủy 9 lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh với tổng quy mô phát hành hơn 10.000 tỷ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc phát hành trái phiếu, đồng thời bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng và 6 người khác của tập đoàn này.

Tập đoàn Tân Hoàng Minh khẳng định sự việc đáng tiếc xảy ra là một rủi ro lớn ngoài dự kiến và đã tác động tiêu cực đến mọi mặt hoạt động kinh doanh của tập đoàn, cũng như của khách hàng.

Doanh nghiệp cho biết vẫn đang tiếp tục thực hiện mục tiêu trong tháng 7/2022 thu xếp được khoảng từ 50-60% số tiền bán trái phiếu đã huy động từ các nhà đầu tư. Hiện Tân Hoàng Minh thông báo đã nộp tổng cộng 2.100 tỷ đồng vào Kho bạc Nhà nước.

Khó khăn nhất với Tân Hoàng Minh lúc này là không có sự hiện diện của các lãnh đạo cấp cao của tập đoàn để cùng giải quyết công việc hiện tại. Hiện, tập đoàn có 5 dự án đủ điều kiện chuyển nhượng về pháp lý gồm: 2 dự án ở Phú Quốc, dự án Nguyễn Thị Minh Khai, dự án Việt Tiến, dự án Ngọc Hồi.

Sau nhiều buổi làm việc với khách hàng nhưng đến nay, đã hơn 2 tháng kể từ ngày hủy 9 lô trái phiếu, các nhà đầu tư phản ánh, hằng tuần họ vẫn lên trụ sở Tân Hoàng Minh (Hà Nội) để đòi tiền nhưng vẫn chưa có tiến độ thanh toán cụ thể.

Nhiều nhà đầu tư còn lên Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để yêu cầu có biện pháp hỗ trợ, văn bản hướng dẫn giải quyết.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.