Từ vụ thiếu úy tạt axit vợ sắp cưới: Chuyên gia phân tích quá trình ăn mòn đốt cháy da thịt của axit

Axit có thể gây tổn thương trên da, đốt cháy mô rất nhanh chỉ trong vòng 5 giây, bị bỏng axit thì chắc chắn sẽ để lại sẹo dù chỉ diễn ra trong tích tắc.

Sự việc thiếu úy tạt axit vợ sắp cưới gây xôn xao dư luận những ngày nay. Sau hành vi mất kiểm soát của chồng sắp cưới, tạt axit vào mặt người yêu, từ một cô gái trẻ trung, xinh đẹp, gương mặt của Lê Thị Lan Vy, 24 tuổi ở Đà Nẵng đã bị huỷ hoại hoàn toàn.

Bị tạt chai axit 750ml lên người, Lan Vy quằn quại đau đớn. Những người xung quanh cũng hoảng loạn không biết cách sơ cứu nên chỉ dội nước cho Vy qua loa rồi đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Khi đến bệnh viện, một nửa mặt trái của Vy đen xì, cháy xém, mắt trái không thể mở, chân tay cũng loang lổ vết bỏng axit.

Từ đây, cô gái trẻ trải qua những tháng ngày đau đớn nhất cuộc đời khi axit ngấm sâu vào cơ thể, đến đâu thối thịt đến đó.

Axit là gì?

Axit là các hợp chất hóa học có thể hòa tan trong nước và có vị chua.

Theo thông tin PGS.TS Nguyễn Văn Huệ - nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia, trả lời trên VTC News, axit là chất oxy hóa cực kì nguy hiểm. Khi cơ thể người bị tiếp xúc với axit, chất hóa học này lập tức tác động lên cơ thể và gây ra những biến chứng lâu dài cả về thể xác và tinh thần.

Từ vụ thiếu úy tạt axit vợ sắp cưới: Chuyên gia phân tích quá trình ăn mòn đốt cháy da thịt của axit - Ảnh 1.

Bàn tay bị bỏng do axit. (Ảnh: Howling Pixel)

Bản chất của việc bỏng do axit gây ra là hiện tượng phản ứng giữa axit hoạt động hóa mạnh với các chất hữu cơ trên cơ thể người. Thông thường, có 3 loại axit vô cơ mạnh thường gây bỏng đó là axit sunfuric (H2SO4), axit nitric (HNO3) và axit clohidric (HCl).

Đây đều là các axit có tính oxy hóa mạnh, nhất là ở nồng độ đậm đặc, nó sẽ gây bỏng và tổn thương nhanh chóng nếu tiếp xúc trực tiếp với chúng qua da.

Các chuyên gia có thể phân biệt được một số vết bỏng do các loại axit khác nhau gây nên dựa vào hình dạng vết thương.

Axit sunfuric làm da bị xám màu rồi chuyển sang màu nâu, vẩy kết khô chắc, lõm so với da lành.

Axit nitric gây ra vết thương màu vàng rồi chuyển dần thành màu sẫm.

Axit clohidric tạo những vết thương có màu vàng nâu. Nhưng có một điểm chung đó là các vết bỏng sau khi lành lại sẽ gây ra di chứng sẹo lồi, sẹo co kéo, đặc biệt ở trẻ em

Axit nguy hiểm thế nào?

Báo Công lí đăng tải, các nhà khoa học cho biết, axit có thể gây tổn thương trên da chỉ trong vòng 5 giây. Axit đốt cháy mô rất nhanh, nếu đốt qua lớp màng đáy (lớp sản sinh ra phần da che phủ bề mặt) thì chắc chắn sẽ để lại sẹo dù chỉ diễn ra trong tích tắc.

Nếu chậm trễ hơn axit sẽ vượt qua màng đáy, ăn vào phần cơ và gân gây ra tình trạng bỏng nặng co rút, nếu sâu hơn sẽ hủy hoại cả xương, khớp dẫn đến tàn phế suốt đời.

Từ vụ thiếu úy tạt axit vợ sắp cưới: Chuyên gia phân tích quá trình ăn mòn đốt cháy da thịt của axit - Ảnh 2.

Người bị tạt axit có thể bị biến dạng khuôn mặt, hỏng mắt, mũi, tai, da bỏng nặng... (Ảnh: VTC News).

Các nhà nghiên cứu lý giải: Sở dĩ axit có khả năng gây bỏng cơ thể con người bởi nó phản ứng với các protein có trong tóc, móng chân, móng tay, da… Khi tiếp xúc với da, axit làm ngưng kết các protein của mô và hút nước của tế bào. Chúng cũng hóa hợp với protein tạo thành protein axit, các protein này vẫn mang tính axit và tiếp tục gây phỏng sâu.

Nếu nồng độ axit càng đặc, thời gian tiếp xúc càng dài thì bỏng và hoại tử càng nặng và sâu, khả năng hồi phục gần như bằng không.

PGS.TS Nguyễn Văn Huệ thông tin, do axit có thể phản ứng với các protein trên cơ thể bao gồm: Da, móng tay, chân, tóc… nên khi tiếp xúc, axit nhanh chóng làm vón đông các protein trên da và hút nước của tế bào, gây ra những tổn thương nặng nề.

Bên cạnh đó, do đặc tính hút nước cực mạnh, nên không chỉ bề mặt da, mà ngay cả những bộ phận chứa sụn như tai, mũi khi tiếp xúc với axit cũng sẽ bị axit hút cạn kiệt nước, phá hủy sụn từ ngoài vào trong.

Đây chính là nguyên nhân khiến khuôn mặt của nhiều nạn nhân bị tạt axit bị biến dạng nghiêm trọng, thậm chí bị điếc, mù, mất hẳn tai, mũi, mắt, môi…

Xem thêm: Bác sĩ kể lại hành trình hồi sinh gương mặt xinh đẹp cho cô gái bị thiếu úy tạt axit

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huệ, những tổn thương do axit gây ra phụ thuộc vào thời gian và loại axit tiếp xúc lên bề mặt da. Vết bỏng càng sâu, càng để lâu sẽ càng dễ bị hoại tử, biến chứng gây ra càng lớn và khả năng phục hồi được như ban đầu gần như không thể.

Những vết thương có thể kể đến như bỏng rát toàn bộ vùng da bị tổn thương, thậm chí nếu bị axit đậm đặc tạt lên người, đầu, axit hoàn toàn có khả năng phá hủy, ăn mòn tóc, da đầu và cả hộp sọ. Da vùng bị tổn thương lúc này cũng khó có thể tái tạo lại được.

Cũng theo ông Huệ, nạn nhân dù không tiếp xúc trực tiếp với axit mà chỉ cần ngửi phải những loại axit đậm đặc cũng sẽ có nguy cơ bị phù nề, khó thở, thậm chí lâu dài tính mạng cũng bị đe dọa. Bởi vậy, cần tránh xa loại hóa chất nguy hiểm này.

Làm gì khi bị dính axit hoặc bị tạt axit

Theo TS.BS Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, để hạn chế tối đa những tổn thương do axit gây ra, người dân cần sơ cứu đúng cách, nhanh chóng cho nạn nhân bị tạt axit hoặc bị axit đổ vào người.

Từ vụ thiếu úy tạt axit vợ sắp cưới: Chuyên gia phân tích quá trình ăn mòn đốt cháy da thịt của axit - Ảnh 3.

Chẳng may bị dính axit cần lập tức rửa vùng da bị tổn thương dưới vòi nước sạch trong khoảng 30 phút. (Ảnh: Giadinhmoi).

Nếu chẳng may bị bỏng axit cần lập tức rửa vùng da bị tổn thương dưới vòi nước sạch khoảng 30 phút. Cần lưu ý không để nước rửa chảy lan sang các vùng khác trên da. Cách rửa dưới vòi nước chảy giúp hòa loãng axit, nhưng nếu để nước chảy lan sang các vùng da khác và sẽ làm bỏng diện rộng. Nguy hiểm hơn nếu chảy vào mắt, tai, mũi, miệng… sẽ gây hỏng các giác quan.

Không nên nhúng vùng tổn thương do axit vào chậu nước vì cách làm này sẽ làm tổn thương lan rộng hơn do lượng nước nhỏ trong chậu khi nhúng vùng tổn thương vào đã trở thành một chậu dung dịch axit loãng, sẽ gây bỏng toàn bộ vùng da được nhúng vào chậu nước.

Nhưng với axit dạng bột lại không được rửa bằng nước sạch ngay, mà cần làm sạch bằng cách phủi, lau khô, sau đó mới rửa dưới vòi nước sạch. Vì nếu rửa ngay axit bột bằng nước sẽ làm tạo thành hỗn hợp axit gây bỏng diện rộng.

Tuyệt đối không được chà sát mạnh, kì cọ trên da bị dính axit.

Nếu bị axit bắn vào mắt, cần trấn tĩnh người bị nạn, tránh để họ dụi mắt và dùng nước sạch rửa sạch mắt khỏi bị tổn thương bởi axit rồi nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện.

Ngoài ra, khi bị bỏng axit, để tránh những biến chứng nguy hiểm, cần tuyệt đối không được chữa bằng mẹo, cũng không nên bôi mỡ, kem đánh răng, đắp lá cây, thuốc nam hay các dung dịch khác lên da. Vì làm như vậy sẽ làm vết thương thêm nặng và dễ xảy ra biến chứng, nhiễm trùng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.