Tuyệt chiêu xử lý thông minh với trẻ nghịch ngợm, quậy phá

"Vỏ quýt dày có móng tay nhọn", trẻ nghịch ngợm, quậy phá thì đã có những tuyệt chiêu xử lý vô cùng thông minh sau.

Làm cha mẹ, chăm sóc con đã là chuyện khó, dạy bảo con còn khó hơn gấp ngàn lần. Những bậc phụ huynh có con nhỏ chắc hẳn cũng không ít lần cảm thấy bất lực khi các bé không chịu nghe lời bố mẹ. Dù là khuyên nhủ hay nặng lời thì đâu vẫn vào đấy. "Ý tình" của bố mẹ thì nhiều mà các con nào đâu có chịu "thấu". Đừng vội bỏ cuộc, những bí kíp được rút ra từ những tình huống sau sẽ giúp bạn giải quyết rắc rối này.

tuyet chieu xu ly thong minh voi tre nghich ngom quay pha

1. Không nói nhiều, chỉ một từ là đủ

Tình huống: Mẹ muốn con có thói quen tự mang đĩa, bát ăn của mình ra bồn rửa sau mỗi bữa ăn. Tuy nhiên dù mẹ đã nhắc nhở nhiều lần, có hôm còn nhắc đến 3-4 lần nhưng con vẫn quên, thậm chí còn có vẻ phớt lờ.

Cách xử trí sai: Phàn nàn nhiều và mắng con vì hành động này.

Cách xử trí đúng: Trên thực tế, trẻ nhỏ thường biết mình phải làm gì khi người lớn yêu cầu hoặc nhắc nhở, trẻ chỉ cần một gợi ý đơn giản là sẽ nhớ ra việc cần làm. Thay vì nói nhiều với con, bố mẹ có thể rút gọn xuống một số "từ khóa" đơn giản. Ví dụ như muốn con cất bát, bố mẹ có thể nói: "Bát kìa con”. Không chỉ với việc cất bát đĩa như trên, bố mẹ có thể áp dụng nguyên tắc nói ngắn gọn cho nhiều thói quen khác. Nếu muốn con nhớ đánh răng trước khi đi ngủ, hãy thử hỏi khéo: "Đánh răng chưa con?”. Hãy dùng cách nói ngắn gọn, quyền uy nhưng vẫn phát huy hiệu quả này với trẻ.

2. Cung cấp thông tin cho con

Tình huống: Trẻ nghịch ngợm, chưa biết phân biệt đúng sai nên có thể có những hành động quậy phá như ăn cơm không ngồi yên một chỗ, vừa ăn vừa chạy nhảy xung quanh, làm phiền mọi người.

Cách xử trí sai: Bố hoặc mẹ nhắc con ngồi yên, không nhắc được thì lớn tiếng.

Cách xử trí đúng: Trẻ nhỏ không phải những cỗ máy robot chỉ biết làm theo mệnh lệnh. Trẻ cũng muốn được hành động tự do. Nhiều trẻ có tính cách mạnh mẽ còn thích làm ngược với lời của người lớn, như thể muốn thách thức người lớn. Với những tình huống này, thay vì sai bảo và ra lệnh, bố mẹ hãy cung cấp thông tin, giải thích, giúp trẻ hiểu về cái sai hoặc tác hại trong hành động của mình. Nếu trẻ không chịu ngồi yên khi ăn, hãy thử nói: "Không ngồi một chỗ khi ăn là đau bụng đấy con”.

tuyet chieu xu ly thong minh voi tre nghich ngom quay pha

3. Cho trẻ quyền lựa chọn

Tình huống: Bố mẹ muốn con đội mũ cho khỏi nắng nhưng con nhất quyết không chịu.

Cách xử trí sai: Ép buộc con đội cho bằng được, nếu không thì phạt.

Cách xử trí đúng: Hãy cho trẻ sự lựa chọn thay vì ép buộc. Trong trường hợp này, bố mẹ càng đưa ra hình phạt với trẻ, thì càng không phát huy tác dụng, có khi còn làm trẻ trở nên bướng bỉnh hơn. Nếu bố mẹ cho trẻ quyền lựa chọn, trẻ có thể dễ chấp nhận yêu cầu của bố mẹ hơn. Với tình huống trên, thay vì ép buộc và quát mắng, bố mẹ có thể đưa ra gợi ý như: "Con muốn đội mũ bây giờ hay khi tham gia trò chơi kia?", hoặc “con muốn đội chiếc mũ nào trong hai chiếc mũ này?”.

4. Nói rõ về mong muốn của mình

Tình huống: Hai con đang xem ti vi trước khi đi học vào buổi sáng thì bố mẹ gọi ra để chuẩn bị đồ đến trường. Một bé từ chối và nhất quyết đòi xem ti vi tiếp.

Cách xử trí sai: Bố mẹ quát mắng bé, ép bé cho bằng được, để mặc bé nhõng nhẽo và ấm ức.

Cách xử trí đúng: Hãy cho con biết trước về kế hoạch hay hành động của bạn. Bố mẹ có thể giải thích rằng con sẽ được xem ti vi thêm một lúc khi đến lượt anh/chị/em con thay đồ, chuẩn bị đồ để đến trường. Bé sẽ hiểu đây là kế hoạch cần làm, không thể tránh khỏi.

tuyet chieu xu ly thong minh voi tre nghich ngom quay pha

5. Gọi tên cảm xúc của con

Tình huống: Con đang chơi với bạn thì chạy vào nhà mách bố mẹ, khóc lóc vì bạn không cho chơi cùng.

Cách xử trí sai: Nói với con rằng đừng khóc, việc như thế thì không đáng khóc.

Cách xử trí đúng: Bảo con không được khóc nữa sẽ khiến con càng thêm ấm ức khi cảm xúc của mình không được coi trọng. Trẻ con thường khóc hay la hét khi không thể truyền đạt vì sao mình buồn, cảm thấy khó chịu cũng như không biết cách giải quyết những cảm xúc tiêu cực ấy. Vì vậy, bố mẹ nên dừng lại ít phút để xác định cảm xúc của con, giúp con gọi tên những cảm xúc đó, chia sẻ cùng con để con cảm thấy được đồng cảm.

Trang Lưu

(Tổng hợp dịch từ Theasianparent, BabyCentre, PBS)

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.