Khi sương sớm đang còn trên tán lá, anh Hành đã vào rừng tìm đót. Ảnh: Trang Anh |
Vào một chiều cuối đông, từ TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) chúng tôi chạy dọc theo tuyến quốc lộ 24 đến trung tâm huyện Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum). Tại đây, không khó để chúng tôi bắt gặp những bó đót được người dân phơi đầy đường. Hình ảnh những người lớn, trẻ nhỏ tíu tít trò chuyện cùng nhau với những bó đót được vác trên vai, ôm trên tay đung đưa trong gió như đón chào mùa xuân về.
Theo người dân nơi đây cho hay, cây đót được xem là “lộc rừng” ban cho bà con. Đây cùng được xem là nguồn thu nhập chính giúp người dân lo cho cuộc sống hàng ngày và nuôi con cái ăn học.
Những em nhỏ ngoài giờ học phụ giúp bố mẹ đi hái đót. Ảnh: Trang Anh |
Anh Đinh Văn Hành (42 tuổi, thôn 4, thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cho hay, cây đót chỉ mọc từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm nên trong dịp này hầu như ngày nào gia đình anh cũng dậy từ sáng sớm để đi hái đót. Mỗi ngày với con dao rựa trên tay, anh đi men những sườn núi, quả đồi để tìm kiếm cây “lộc rừng”.
Theo anh Hành, nếu đi đúng vào khu vực nhiều đót mà chưa ai phát hiện thì có thể hái được khoảng hơn 20kg đót tươi. Với giá đót dao động từ 5.000 – 7.000 đồng thì mỗi ngày anh cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Nhưng cũng có những hôm anh rong ruổi đi tìm kiếm cả ngày cũng chỉ hái vỏn vẹn được vài ba kí đót, không đủ công sức bỏ ra.
“Nghề này cũng cực nhọc và nguy hiểm lắm. Có những hôm tôi đi sâu vào trong rừng bị rắn rết cắn phải nhai lá cây rừng để đắp vào vết thương, may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng.
Không những thế, khi trời nắng, đất khô mọi người mới dám đi hái đót chứ mưa thì đành phải ở nhà, bởi lên rừng dễ trơn trượt té mất mạng như chơi”, anh Hành nói.
Mặc dù chỉ mới 12 tuổi nhưng em Thuận đã thuần thục hái đót. Ảnh: Trang Anh |
Chỉ mới 12 tuổi, nhưng em Đinh Thị Thuận (xã Đăk Rve, huyện Kon Rẫy) đã được 1 năm “tuổi nghề” hái đót.
Em Thuận cho hay, vào những ngày nghỉ học trên trường em thường theo chân bố mẹ, anh chị đi vào rừng hái đót. Những ngày đầu mới đi do không quen nên em thường xuyên bị trượt chân té ngã, may mắn chỉ bị trầy xước ngoài da. Nhưng sau nhiều tháng ngày “trong nghề”, giờ đây mỗi ngày em có thể hái được khoảng hơn 10kg đót mang về.
“Em đi hái đót về rồi đưa cho bố mẹ bán lấy tiền để mua sách vở, đồ dùng học tập. Gần đến Tết Nguyên đán rồi nên em cố gắng hái thật nhiều đót để bố mẹ bán được nhiều tiền, như vậy chúng em sẽ có quần áo mới để đón Tết”, em Thuận với gương mặt non nớt đưa ánh mắt về phía xa nói.
Chiến lợi phẩm mang về sau một buổi hái đót. Ảnh: Trang Anh |
Bà Cao Thị Hồng (SN 1965, thôn 3, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cho hay, gia đình bà làm đã thu mua đót đã được nhiều năm nay. Sau khi mua đót tươi về, nhà bà phơi khô sau đó sẽ tự gia công làm thành chổi để bán lại cho người dân. Mỗi một kilogam đót tươi gia đình bà thu mua với giá khoảng 6.000 đồng. Sau khi phơi khô thì 1kg đót tươi còn lại khoảng 0,3 - 0,4 kg đót khô và được bán với giá từ 18.000 – 21.000 đồng.
“Mấy năm trước đót nhiều thì mỗi ngày gia đình tôi mua được khoảng 1 tấn. Nhưng năm nay thời tiết lạnh bất thường, bên cạnh đó đót cũng bị khan hiếm dần nên mỗi ngày chỉ mua được khoảng vài tạ, có ngày chỉ có khoảng 70-80kg. Do có ít nên nhà tôi tự gia công thanh chổi rồi bán lại cho người dân sinh sống gần đây”, bà Hồng cho hay.
Đót sau khi thu mua về được phơi khô để làm chổi. Ảnh: Trang Anh |
Những mảnh đời bất hạnh tại Trung tâm bảo trợ tỉnh Đắk Lắk
Trung tâm bảo trợ tỉnh Đắk Lắk từ lâu đã trở thành ngôi nhà chung của những người già neo đơn, trẻ em khuyết tật… ... |
Đô thị 09:22 | 06/10/2019
Du lịch 06:28 | 05/10/2019
Du lịch 19:10 | 25/09/2019
Kinh doanh 09:23 | 23/09/2019
Đô thị 14:14 | 08/08/2019
Du lịch 07:18 | 27/06/2019
Tiêu dùng 16:26 | 31/05/2019
Giáo dục 10:35 | 21/05/2019