Theo VnEconomy, năm 2020, bất động sản Bình Dương trở thành hiện tượng của cả Việt Nam với nguồn cung dẫn đầu cả nước. Giới chuyên gia địa ốc đánh giá thị trường đã bước vào giai đoạn chín muồi khi hội tụ đủ 5 yếu tố để phát triển vững chắc.
Theo đó, đầu tiên là sự thành lập "thành phố Thủ Đức" trên cơ sở sáp nhập ba quận, gồm Thủ Đức, Quận 2, Quận 9. Sự hình thành "Thành phố Thủ Đức" giúp Thuận An và Dĩ An của Bình Dương trở thành những thành phố vệ tinh, tạo thành một đòn bẩy khổng lồ thu hút nguồn vốn đổ vào hạ tầng đầu tư, tạo nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản.
Tiếp đến là trong năm 2020, Bình Dương trở thành điểm đến số một về thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Bình Dương, chủ yếu là Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc. Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong 8 tháng đầu năm, Bình Dương đã thu hút được 1,38 tỉ USD (đạt 81,3% kế hoạch năm 2020). Đáng chú ý, các dự án chủ yếu chọn Thuận An và Dĩ An làm điểm đến, qua đó làm tiền đề giúp thị trường bất động sản tại 2 khu vực này nóng chưa từng có.
Thêm vào đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút dòng vốn FDI, Bình Dương dự định sẽ chi gần 10.000 tỉ đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng trong năm 2020 - 2021. Trong đó, thành phố Thuận An là địa bàn đầu tư trọng điểm với nguồn vốn 6.000 tỉ.
Cụ thể, đầu năm 2021, tỉnh Bình Dương sẽ cải tạo và mở rộng QL13, đoạn qua Thuận An. Công trình kéo dài từ cổng chào Vĩnh Phú đến điểm giao đường Lê Hồng Phong, có qui mô 8 làn xe, lộ giới 64m; dự kiến hoàn thành trước năm 2023.
Ngoài QL13, hơn 4.000 tỉ đồng sẽ dành để mở rộng, xây dựng đường ĐT 743A, ĐT 743B với lộ giới 54m. Đường ĐT 743C và ĐT 746 sẽ được tăng lộ giới lên 42m. Đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Vành đai 3 mở rộng lộ giới 50 - 70m.
Trước năm 2025, 45km đường sắt, 11km Metro chạy qua Thuận An với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng dự kiến cũng sẽ được hoàn thành.
Ngoài ra, trong năm 2020, thị trường bất động sản TP HCM khan hiếm nguồn cung mới do ách tắc về pháp lí. Mặt khác, mặt bằng giá bất động sản tại TP HCM đang bị đẩy lên quá cao tới 200 - 300 triệu đồng/m2 cho các căn hộ tại Quận 1, Quận 2; 40 - 45 triệu đồng/m2 tại quận Nhà Bè, Bình Chánh, Quận 12.
Trước tình trạng đó, các nhà đầu tư đã đổ dồn về Bình Dương, mà đặc biệt là Thuận An, Dĩ An, nơi giáp TP HCM mà giá nhà đất còn rất rẻ, tiềm năng đầu tư còn lớn.
Được mệnh danh là "thủ phủ công nghiệp" của Việt Nam, Bình Dương hiện có hơn 50.000 chuyên gia sinh sống và làm việc tại 48 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích lên đến hơn 10.000 ha. Để mở rộng qui mô, Bình Dương cũng đang qui hoạch phát triển thêm 34 KCN với tổng diện tích 14.790 ha. Dự tính khi hoàn thành, lượng chuyên gia làm việc tại Bình Dương có thể tăng lên 100.000 người.
Để đáp ứng được yêu cầu về nhà ở của 100.000 chuyên gia, Bình Dương (trong đó trọng tâm là Thuận An, Dĩ An) cần phải phát triển được trên dưới 60.000 căn hộ cao cấp với tiện ích đồng bộ. Hiện tại, nguồn cung căn hộ cao cấp cho các chuyên gia tại Bình Dương đang thiếu trầm trọng, chỉ đáp ứng được khoảng 6% nhu cầu của các chuyên gia.
Báo cáo thị trường bất động sản (BĐS) quí III của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn BĐS CBRE cho thấy, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường căn hộ chào bán tại Bình Dương đã gần bằng số lượng tại TP HCM với 8.289 căn từ 8 dự án.
Cũng theo báo cáo, TP HCM đang trong tình trạng khan hiếm nguồn cung. Trong quí III, lượng căn hộ chào bán mới được cải thiện so với quí trước, nhưng nhìn chung tổng lượng căn chào bán trong 9 tháng vẫn thấp hơn 57% so với cùng kì năm trước.
Tính chung trong quí III chỉ có 4 dự án được chào bán một phần với 3.964 căn (tăng 141% so với quí trước và giảm 70% so với cùng kì năm trước). Trong đó, có 3.552 căn hộ được tiêu thụ (tăng 125% so với quí trước và giảm 73% so với cùng kì năm trước).
Gần 90% nguồn cung chào bán đến từ giai đoạn tiếp theo của dự án Vinhomes Grand Park có tên là The Origami. Tổng cộng 9 tháng đầu năm có 9.214 căn hộ được chào bán từ 17 dự án.
Với lợi thế là "sân sau" của TP HCM cùng vị trí thuận lợi, đồng thời là một trong các tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế liên tục ở mức cao, tốc độ đô thị hóa nhanh, là trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Dương đang trở thành điểm nóng đầu tư trên thị trường.
Theo Doanh nhân Sài Gòn, Bình Dương gần đây chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ với sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp lớn như Becamex, Vingroup, Tokyu (Nhật Bản), Sembcorp (Singapore), SP Setia (Malaysia).
Có thể kể tới Đất Vàng Group với khu đô thị Thăng Long 2. Dự án có qui mô 18,15 ha, cung ứng cho thị trường hơn 1.000 sản phẩm gồm shophouse xây sẵn và đất nền xây nhà phố, biệt thự.
Tập đoàn Đất Xanh cùng chủ đầu tư Hà An cho ra mắt dự án căn hộ Opal Skyline tại trung tâm thành phố Thuận An. Có tổng diện tích hơn 10.000m², dự án căn hộ Opal Skyline gồm hai khối tháp cao 36 tầng vươn cao vững chãi, hơn 1.500 căn hộ được thiết kế thông minh nhằm tối ưu hóa diện tích và công năng sử dụng.
Vạn Xuân Group sắp tới sẽ giới thiệu dự án mới ngay trung tâm TP Thủ Dầu Một với tên gọi HAPPY ONE - Central. Tọa lạc ở vị trí đắc địa, trong vòng bán kính 5 km, cư dân ở đây có thể dễ dàng di chuyển đến bệnh viện, sân vận động Gò Đậu, siêu thị Co.op Mart/BigC, bến xe, trường ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Mở, trung tâm thương mại Aeon Mall.
Đa số sản phẩm tập trung ở phân khúc căn hộ và đất nền. Đáng chú ý, sản phẩm căn hộ liên tục được phát triển rầm rộ và ghi nhận tỉ lệ hấp thụ tốt, chứng tỏ nhu cầu ở là thực và vô cùng cấp thiết.
Báo Doanh nhân Sài Gòn dẫn lời ông Nguyễn Quốc Anh, P. TGĐ Batdongsan.com.vn cho biết, làn sóng đầu tư BĐS công nghiệp đã tác động lớn đến nhu cầu tìm mua nhà ở và đầu tư. Số liệu báo cáo trong quí II chỉ ra, lượng tìm kiếm BĐS công nghiệp trên cả nước tăng gần 32% so với 3 tháng đầu năm, KCN là Nam Tân Uyên có lượng tìm kiếm tăng ấn tượng lên đến 132%. Nhờ làn sóng KCN mà lượng quan tâm thị trường nhà ở tại địa bàn trên cũng tăng thêm 88%.