Báo cáo tài chính quý I của nhiều ngân hàng đang cho thấy xu hướng cắt giảm mạnh các khoản tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tiền, vàng gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) khác trong hệ thống.
Đặc biệt, xu hướng này diễn ra với quy mô rộng tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả các khoản vay và cho vay các TCTD khác.
Lí giải nguyên nhân này, một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng (đề nghị giấu tên) cho biết bản chất các khoản tiền gửi tại NHNN và các TCTD nói trên là vùng đệm cho thanh khoản của ngân hàng.
Thông thường, các nhà băng sẽ duy trì những khoản tiền gửi này và chấp nhận không có mức lãi suất cao (thậm chí bằng 0%) để đảm bảo an toàn thanh khoản.
“Với những số liệu trên báo cáo tài chính hiện tại chưa thể kết luận gì nhiều về xu hướng. Tuy nhiên, có thể các nhà băng chưa cần đến huy động vốn nên tạm dùng vùng đệm này để chi trả chi phí hoạt động kinh doanh”, vị này nói.
Hiện nay, do chưa thể giải ngân cho vay vì cầu tín dụng thấp, hầu hết ngân hàng đều chưa đẩy mạnh việc huy động, để tránh việc tăng chi phí vốn. Tuy nhiên, các nhà băng vẫn cần tiền mặt để trang trải các chi phí vận hành gồm trả lương nhân viên, cắt giảm lãi vay cho doanh nghiệp... Do đó, nguồn tiền gửi dự trữ thanh khoản đã được sử dụng.
Theo các chuyên gia, xu hướng này thường xảy ra khi ngân hàng có nhu cầu về tiền mặt nhưng thanh khoản trên thị trường không quá nguy hiểm.
“Hiện tại, thanh khoản các ngân hàng vẫn ở mức tốt. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn đây là lúc các nhà băng phải chuẩn bị vốn để kinh doanh lại”, một vị chuyên gia khác nhấn mạnh.
Vị này cũng cho rằng, rất khó để nói về xu hướng tăng trưởng của các ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà băng có thể bật lại tốt sẽ là nhóm có dự trữ vốn tốt, bao gồm Vietcombank, MBBank và VIB… Tuy nhiên, việc bật lại tốt như thế nào cũng chưa thể khẳng định.
“Các ngân hàng đang trong một cuộc chơi chưa từng xảy ra trước đó”, ông nhấn mạnh.
Hạn mức tín dụng NHNN cấp cho các ngân hàng:
Tên NH | Hạn mức 2020 | Thực hiện 2019 | Thay đổi |
---|---|---|---|
VCB | 10% | 15,9 | -5,9% |
BID | 9% | 12,6 | -3,6% |
CTG | 8,5% | 7,3 | 1,2% |
TCB | 13% | 17% | -4%% |
ACB | 11,75% | 17% | -5,3% |
EIB | 9% | 8,8% | 0,2% |
VPB | 13% | 17,9% | -4,9% |
LPB | 10,5% | 17,6% | -7,1% |
MBB | 11,75 | 15,8 | -4,1 |
VIB | 10,5% | 31,1% | -20.6% |
TPB | 11,5% | 17% | -5,5% |
HDB | 11% | 19,6% | -8,6% |
Tổng cộng | 10,1% | 13,7% | -3,6% |
Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, với tình hình dịch bệnh hiện nay, các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra hồi đầu năm khó có thể đạt được và các ngân hàng chỉ có thể cầm cự chờ phát triển lại.
“Thời điểm bật lại chính là khi doanh nghiệp hoạt động lại và dám vay vốn ngân hàng”, ông nói.
Báo cáo chiến lược quý II của Chứng khoán BIDV (BSC) cũng cho rằng trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ngân hàng đang phải tung ra nhiều gói tín dụng quy mô lớn với lãi suất ưu đãi. Để đáp ứng nguồn vốn hàng trăm nghìn tỉ này, các nhà băng phải tự cân đối thanh khoản và nguồn tiền để sẵn sàng bơm ra thị trường.
Cụ thể, BSC cho biết tín dụng trong những tháng đầu năm đã giảm mạnh so với cùng kì do các doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh vì dịch Covid-19. Tín dụng 2 tháng đầu năm chỉ tăng gần 5.000 tỉ đồng.
Công ty này cũng cho rằng cầu tín dụng năm nay sẽ giảm xuống mức 10,5% (giảm 2% so với dự báo trước). Trong đó, việc điều chỉnh đến từ giảm nhu cầu tín dụng từ ngành thương mại, sản xuất, du lịch và dịch vụ (hiện chiếm tỷ trọng lớn cơ cấu cho vay); giảm nhu cầu vay vốn từ các doanh nghiệp FDI do giảm xuất nhập khẩu; và dịch bệnh có khả năng sẽ kéo dài thêm 3-6 tháng trước khi được kiểm soát.
Ngoài ra, mức cấp tín dụng thấp từ NHNN được đưa ra trong bối cảnh cầu tín dụng suy giảm cũng là một tác động khiến ngân hàng chưa tăng huy động vốn, thay vào đó dùng tới vùng đệm thanh khoản nói ở trên.
Ước tính, NHNN đưa ra mức cấp tín dụng cho các ngân hàng và TCTD ở 10,1% (thấp hơn nhiều so với mức 13% đặt ra hồi đầu năm).