Vì sao chỉ có 156 khách sạn trở thành điểm cách li có tính phí?

Một số khách sạn cao cấp cho biết, sở dĩ họ không đăng ký làm điểm cách li có tính phí là do không đáp ứng được lực lượng y - bác sĩ, nhân viên hậu cần, an ninh.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, rất nhiều khách sạn, resort cao cấp trên cả nước rơi vào tình cảnh “ế ẩm”.

Đơn cử, trong 2 tháng đầu năm 2020, nhiều khách sạn tại Hội An và Đà Nẵng, công suất đặt phòng chỉ dưới 10%, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nhỉnh hơn 1 chút, lần lượt là 60% và 48%.

Theo dự báo của giới chuyên gia, trong tháng 3 và tháng 4/2020, lệnh tạm dừng nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế cùng với mối lo ngại lây lan dịch bệnh trong nước sẽ tiếp tục gây ra nhiều khó khăn cho ngành khách sạn.

Vì sao chỉ có 156 khách sạn trở thành điểm cách ly có tính phí? - Ảnh 1.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ, nhiều hàng quán kinh doanh đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. (Ảnh: Toàn Vũ)

Trước tình hình “ế khách” kéo dài, nhiều doanh nghiệp, chủ đầu tư khách sạn đã nghĩ tới phương án đóng cửa tạm thời và chờ đợi dịch bệnh đi qua để hoạt động trở lại. 

Một số khác thì lựa chọn giải pháp tự nguyện đăng ký trở thành điểm cách li có tính phí, mức giá dao động 350.000 - 950.000 đồng/ngày, bao gồm bữa sáng. Các nhu cầu phát sinh khác như ăn trưa, ăn tối, thuốc men thì khách phải chi trả thêm.

Theo các chuyên gia kinh tế, với tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, giải pháp tự nguyện đăng ký làm điểm cách li có thể giúp một số khách sạn duy trì hoạt động trong khoảng thời gian thấp điểm của mùa lưu trú. Đặc biệt, giải pháp này là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa với lời kêu gọi của Chính phủ trong thời gian dịch bệnh có diễn biến phức tạp.

Vì sao chỉ có 156 khách sạn trở thành điểm cách ly có tính phí? - Ảnh 2.

Khách nước ngoài đi dạo bộ ở bờ Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội

Trao đổi với PV Dân trí, một khách sạn tại TP HCM tự nguyện làm điểm cách li có tính phí cho biết, mức giá mà người dân chi trả để cách li là 450.000 - 650.000 đồng/ngày đã rẻ hơn 20% so với ngày bình thường.

“Hưởng ứng lời kêu gọi từ Chính phủ, chúng tôi tự nguyện làm điểm cách li có tính phí với chi phí phù hợp với người dân”, vị này nói.

Theo tiết lộ của khách sạn này, ngoài chi phí đặt phòng, sau 14 ngày cách li, khách hàng phải thanh toán thêm 2,4 triệu đồng để thiêu hủy toàn bộ đồ dùng cá nhân như chăn, ga giường, gối,...  Như vậy, người dân khi lựa chọn giải pháp cách li có tính phí sẽ phải trả khoảng 7,3 triệu - 15 triệu đồng cho 1 đợt cách li.

Vì sao chỉ có 156 khách sạn trở thành điểm cách ly có tính phí? - Ảnh 3.

Hiện tại đã có 156 khách sạn 3 đến 5 sao của 24 tỉnh, thành phố đăng kí làm cơ sở cách li tập trung có trả phí. (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Tính đến ngày 24/3, đã có 156 khách sạn 3 đến 5 sao của 24 tỉnh, thành phố đăng ký làm cơ sở cách li tập trung có trả phí. Trong đó, cung cấp cho thị trường tổng số 14.723 buồng phòng và 18.305 giường.

Tuy nhiên, đây là một con số còn khiêm tốn so với tổng số khách sạn trên cả nước.

Ông Đỗ Trung Tuấn, một chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng, có rất nhiều khách sạn mong muốn đăng ký làm điểm cách li có tính phí. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 

Cụ thể, các khách sạn, khu resort đăng ký làm nơi cách li phải tuân thủ các điều kiện y tế như các phòng, giường phải cách nhau 2m, phòng cách li đảm bảo thông thoáng khí, không sử dụng điều hòa nhiệt độ, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng; có nhà vệ sinh, xà phòng rửa tay, nước sạch; có thùng rác có nắp đậy...

Ngoài ra, nhân viên khách sạn đều được tập huấn kỹ về vệ sinh y tế trước khi tham gia phục vụ. 

"Do phải đảm bảo các điều kiện nghiêm ngặt về cơ sở vật chất và các yếu tố an toàn, phòng chống dịch nên nhiều khách sạn hạng sang, dù muốn cũng không đáp ứng đủ yêu cầu", ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, sau một giai đoạn khủng hoảng toàn cầu, có thể là chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai,... ngành du lịch sẽ phục hồi rất nhanh, khoảng 6 tháng có thể ổn định trở lại. 

Hiện nay, nhiều khách sạn, resort vẫn cố gắng duy trì hoạt động, để cầm cự qua giai đoạn dịch bệnh. Với tiềm lực tài chính vững mạnh, các khách sạn cao cấp có thể trụ được trong vài tháng, thậm chí là cho tới hết năm 2020.

“Đối với khách sạn cao cấp đều yêu cầu khách hàng thanh toán chi phí đặt phòng từ trước, và đây chính là nguồn kinh phí có thể hỗ trợ doanh nghiệp tạm thời duy trì trong thời gian này”, ông Tuấn nói.

Không chỉ riêng Việt Nam, ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch toàn cầu cũng phải đối mặt với khủng hoảng đóng băng kinh khủng nhất trong lịch sử. Ước tính, doanh thu du lịch quốc tế có thể sẽ bị thiệt hại lên tới 80 tỉ USD. Con số này được cho là sẽ còn tiếp tục tăng cao nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài trong thời gian tới.


chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.