Ở lớp mẫu giáo có lắp camera, phụ huynh yên tâm hơn khi gửi con theo học (Ảnh: Youtube) |
Lắp camera theo dõi để ngăn ngừa được việc bạo hành trẻ em
Thời gian gần đây, liên tiếp những vụ trẻ em mầm non bị giáo viên bạo hành được phanh phui nhờ camera (quay trộm và lắp sẵn). Tính thiết thực của việc lắp camera tại các lớp học mẫu giáo là không phải bàn cãi. Nhờ việc theo dõi trực tuyến những diễn biến học tập và nghỉ ngơi của các bé mà phụ huynh phần nào yên tâm hơn trong việc gửi con để đi làm công sở.
Việc lắp camera cũng khiến ý thức của các giáo viên được nâng cao, thay vì quát mắng hay sử dụng các biện pháp nghiệp vụ giáo dục thì giáo viên cũng học được cách kiên nhẫn và chừng mực hơn trong việc dạy dỗ trẻ em, đối tượng không thể phản kháng và không thể bảo vệ bản thân trước những hành động thô bạo của người lớn.
Chia sẻ về chuyện nên hay không lắp camera ở các lớp học, cô Thu Hà – giáo viên trường mầm non tư thục Vân Hà (Hoàng Quốc Việt – Hà Nội) cho biết: "Việc lắp camera là một việc cần làm ở các lớp mầm non. Phụ huynh của các bé khi có nhu cầu cho bé theo học tại trường đều có hỏi các cô xem lớp có gắn camera theo dõi tình hình của các bé không? Điều đó có thể thấy được sự ảnh hưởng từ những vụ bạo hành trẻ em ở lớp mẫu giáo xảy ra thời gian qua đã gây ra sự e ngại của phụ huynh với các cô giáo mầm non. Để giải tỏa tâm lí cho cả hai bên, nhà trường lắp camera như một “nhân chứng” cho việc cô giáo chăm sóc và dạy dỗ các bé ở trường có đảm bảo không? Phụ huynh cũng kiểm soát được tình hình của bé mà các cô giáo cũng không bị mang tiếng”.
Việc phụ huynh thường xuyên theo dõi con qua camera có thể ảnh hưởng đến công việc và gây áp lực không đáng có lên giáo viên phụ trách lớp |
Phụ huynh bị phân tâm bởi camera theo dõi con cái
Lợi ích của việc theo dõi hoạt động của con cái qua camera là không phải bàn cãi, nhưng xung quanh câu chuyện của các bậc phụ huynh hàng ngày hàng giờ theo dõi con và theo dõi cả cô giáo thông qua camera là một vấn đề nên nhìn nhận lại một cách thấu đáo.
Chị Dung ( nhân viên văn phòng – Hà Nội) cho biết chị vừa gửi con ở một trường mầm non tư thục. Bé Sóc mới 18 tháng nên vẫn chưa nói được nhiều, từ nhỏ vẫn được bà và bố mẹ chăm sóc nên ít có cơ hội chơi với các bạn cùng tuổi, vì cần quay trở lại công việc nên chị đành phải gửi con đi lớp. Biết lớp Sóc có gắn camera theo dõi nên ngày đầu tiên con đến lớp, chị vừa làm vừa theo dõi 4 camera ở 4 góc phòng để xem Sóc ăn uống ra sao, các cô chăm sóc thế nào. Vừa thấy con đạp chăn khi ngủ trưa là ngay lập tức chị gọi điện thoại nhắc cô giáo.
Sang đến ngày tiếp theo rồi cả tuần sau đó, việc duy nhất mà chị Dung làm ở văn phòng là bật camera theo dõi hoạt động ăn chơi ngủ nghỉ của con. Công việc ở văn phòng thì không hoàn thành được, bởi cứ vài tiếng là chị lại nhắc nhở các cô đến giờ cho Sóc ăn mà không thấy các cô cho ăn, ăn uống không được ép... đủ các lời căn dặn khiến giáo viên cũng phát bực vì phụ huynh quá sát sao, đôn đốc.
Chia sẻ với đồng nghiệp, chị Dung kể về chuyện mình bị ám ảnh bởi các cô mẫu giáo có “máu nóng” hay đánh đập trẻ con, bản thân chị từng chứng kiến con của một người đồng nghiệp bị cô giáo đánh hằn cả mông nhưng vì bé quá nên không thể mách bố mẹ, đêm nằm ngủ cứ giật mình thon thót, nói đến đi học là sợ. Cậu bé đó cũng chỉ hơn bé Sóc nhà chị vài tháng nên chị không khỏi lo lắng cho con mình. Vì thế mà công việc của chị bị ảnh hưởng khi suốt ngày chăm chăm ngắm con ngủ trên máy tính ở văn phòng.
Nên hỏi han con mỗi khi con tan lớp và dành cho giáo viên sự tin tưởng để họ làm trọn nhiệm vụ của mình (Ảnh: Thanh tra) |
Chuyện kiểm soát qua camera: chỉ là tương đối
Cô Hoàng Tuyên (giáo viên trường mầm non tư thục Sakura – Khu đô thị Ciputra (Hà Nội) chia sẻ: “Việc lắp camera là một biện pháp tích cực nhưng cũng lắm nhiêu khê, phiền phức cho các giáo viên trong việc chăm sóc học sinh, bởi cứ vài phút là phụ huynh lại gọi điện nhắc nhở rất mất thời gian, trong khi những việc như cho bé ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, chơi là hoạt động hàng ngày mà các bé cùng các cô phải thực hiện. Phụ huynh thường xuyên theo dõi camera để ngăn ngừa việc giáo viên bạo hành con mình, nhưng trên thực tế nếu giáo viên thực sự muốn bạo hành thì không phải là không có cách. Có rất nhiều “góc chết” ở camera mà phụ huynh không thể theo dõi được, hoặc có bé nghịch ngợm thái quá, các cô chỉ cần đánh vào lòng bàn tay hoặc bàn chân để dọa thì phụ huynh không thể tìm ra dấu vết.
Điều đó cho thấy, việc theo dõi camera thường xuyên chỉ là phụ huynh bị lãng phí thời gian và gây áp lực không đáng có lên giáo viên. Phụ huynh cũng cần nhìn nhận lại con mình, không phải đứa trẻ nào cũng ngoan ngoãn và biết nghe lời, ở nhà nào có trẻ con, kiểu gì cũng từng tức giận mà tét đít con vài lần cho chừa.
Tất nhiên, việc theo dõi tình hình của con cái là một việc cần thiết, nhưng nên điều độ và nhắc nhở các cô mỗi khi đón bé ở lớp để giáo viên rút kinh nghiệm chứ không nên “truy vấn” liên tục qua điện thoại. Mỗi lớp có vài chục bé, ngày nào cũng nhận vài chục cuộc gọi thì các cô cũng sợ mà bỏ nghề mất!”.
Tóm lại, qua ý kiến của hai bên cũng như sự quan tâm của hầu hết các phụ huynh trong việc theo dõi con cái qua camera khi con đi học thì đều có chung một quan điểm đó là, nên theo dõi nhưng không nên kiểm soát thái quá.
Ngoài việc theo dõi con ở lớp, các bậc phụ huynh nên lưu ý chọn cho con những trường mầm non uy tín, giáo viên có trình độ sư phạm mầm non, chú ý hỏi han và quan sát thái độ của trẻ mỗi khi con đi học về và quan trọng nhất phải hiểu được cá tính của con mình để dẫn đến việc bênh con thái quá, gây áp lực với các giáo viên mầm mon vốn đã chịu nhiều điều tiếng vì một vài “con sâu làm rầu nồi canh” trong thời gian gần đây.