Bi - hài xung quanh danh hiệu
NSND, NSƯT là những danh hiệu cao quý đối với nghệ sĩ, thế nhưng, trong mỗi mùa xét tặng lại luôn xảy ra ồn ào, tranh cãi. Năm nay, dù mới công bố danh sách đề nghị của Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội được gửi lên hội đồng cấp trên là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chưa phải kết quả cuối cùng nhưng dư luận đã “nóng” lên từng ngày với nhiều bi - hài xung quanh hai từ “danh hiệu”.
NSƯT Trần Hạnh, NSƯT Công Lý có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND năm nay. Ảnh: TL
Đầu tiên, phải kể tới trường hợp của NSƯT Trần Hạnh - gương mặt quen thuộc với khán giả màn ảnh qua các bộ phim Việt Nam vài chục năm qua. Ông là một trong hai nghệ sĩ được đặc cách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND. Những “mùa” phong tặng trước đó, NSƯT Trần Hạnh đã “trượt”.
Trao đổi với chúng tôi về câu chuyện này, NSƯT Trần Hạnh không khỏi bối rối vì “không biết nói gì” khi chưa có kết quả cuối cùng. NSƯT Trần Hạnh cho biết, con dâu ông là người làm hồ sơ xin đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cho bố chồng từ gợi ý, đề xuất của NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, nơi nghệ sĩ Trần Hạnh từng công tác. NSƯT Trần Hạnh trải lòng, trước đó, ông từng được bộ phận hành chính của Nhà hát mời lên khai hồ sơ nhưng đã 29 năm kể từ khi nhận sổ hưu, giờ trí nhớ ông không đảm bảo để làm công việc ấy.
Tuy nhiên, khi chúng tôi nhắc đến từ “đặc cách” thì NSƯT Trần Hạnh có vẻ bùi ngùi. Ông bày tỏ: “Nếu hiểu như nhiều người vẫn quen suy luận, đặc cách là không đủ tiêu chuẩn mà vẫn được xét hay ưu tiên hơn so với những người cùng tiêu chuẩn như mình vì một lý do nào đó. Thế thì quả thật tôi chưa hiểu mình có thuộc một trong hai trường hợp ấy không. Với một người gần như cả đời đi diễn là tôi thì danh hiệu có hay không cũng không quá quan trọng. Hơn nữa, nghệ sĩ đều có tự trọng, chẳng ai năm lần bảy lượt làm hồ sơ hay đi xin danh hiệu đâu”.
Năm 2016, câu chuyện NSƯT Trần Hạnh không có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu NSND khiến nhiều khán giả, đồng nghiệp cảm thấy bất ngờ, tiếc nuối bởi ông có đến 3 lần đoạt Huy chương Vàng cho các vở kịch: “Nguyễn Trãi”, “Tiền tuyến gọi”, “Hamlet” cùng giải Nam diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 11 với phim “Nước mắt đàn bà” và nhiều giải thưởng khác. Ông cũng là thế hệ nghệ sỹ đầu tiên của Việt Nam được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.
Danh hiệu cho nghệ sĩ trẻ gây tranh cãi?
Năm nay, trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có trường hợp của NSƯT Công Lý đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng, đồng nghiệp. NSƯT Công Lý sinh năm 1973, là nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội. Anh được biết đến nhiều nhất với các vai diễn hài, đặc biệt là vai Bắc Đẩu ở “Gặp nhau cuối năm”.
Ngoài ra, NSƯT Công Lý còn đã được biết đến qua các vai diễn trên phim truyền hình, phim truyện nhựa và đoạt nhiều giải thưởng cho sân khấu, điện ảnh. Tuy nhiên, cũng tương tự như thời điểm NSND Tự Long lọt vào danh sách xét tặng danh hiệu NSND, trường hợp của NSƯT lọt vào danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND vẫn gây tranh cãi dư luận.
Bên cạnh những ý kiến cho rằng nghệ sĩ Công Lý xứng đáng thì cũng có những câu hỏi được đặt ra: Có bao nhiêu nghệ sĩ đạt yêu cầu về vai diễn, giải thưởng như Công Lý mà vẫn “trượt”? Trong số đó, có bao nhiêu nghệ sĩ tuổi đã cao hoặc đã qua đời mà chưa được phong tặng?
Cùng thế hệ với NSƯT Công Lý, NSND Tự Long, năm 2016, NSƯT Trung Hiếu đã được phong tặng danh hiệu NSND. Dù vậy, thời điểm ấy danh hiệu NSND mà NSƯT Trung Hiếu nhận được sự đồng tình cao từ phía công chúng và nghệ sĩ.
Dù tuổi đời còn trẻ nhưng nghệ sĩ Trung Hiếu đã có một sự nghiệp sân khấu, điện ảnh ấn tượng. Anh giành nhiều Huy chương Vàng tại các hội diễn chuyên nghiệp, liên hoan phim toàn quốc. Hơn 20 năm trong nghề, không chỉ miệt mài cống hiến cho các vai diễn, nghệ sĩ Trung Hiếu còn đảm đương vai trò đạo diễn, lãnh đạo Nhà hát Kịch Hà Nội và tài hoa ở cả những bộ môn nghệ thuật khác như: Thư pháp, hội họa…
Như thế, về tuổi đời, với cùng danh hiệu là NSND thì Trung Hiếu trẻ hơn các bậc gạo cội trong làng sân khấu, điện ảnh song về tuổi nghề thì anh đã hơn 20 năm công tác liên tục với thành tích, đóng góp đáng kể. Chính yếu tố này trở thành điều kiện tạo nên sự thuyết phục của tên tuổi Trung Hiếu trong lòng khán giả, đồng nghiệp ngay cả khi anh chưa trở thành NSND.
Trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT năm nay, nhạc sĩ Tiến Minh cũng là một gương mặt gây chú ý. Anh sinh năm 1978 và là một trong những nhạc sĩ giữ kỷ lục sáng tác nhạc phim với gia tài tác phẩm đồ sộ, nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Nỗi nhớ vô hình”, “Nơi tình yêu bắt đầu”, “Chỉ còn lại tình yêu”, “Đi qua bóng tối”, “Vệt nắng cuối trời”…
Ngoài ra, nhạc sĩ Tiến Minh còn đóng hàng loạt vai chính diện và phản diện trên sân khấu, truyền hình. Việc nhạc sĩ Tiến Minh có tên trong danh sách xét tặng danh hiệu năm nay là một bất ngờ cũng như niềm vui cho khán giả bởi một nghệ sĩ liên tài, có cống hiến thầm lặng, không màng danh hiệu, giải thưởng đã được đề nghị xét tặng.
Còn nhớ, trong lần gặp gỡ NSƯT Phạm Bằng vào năm 2016, một thời gian ngắn trước khi ông qua đời, ông đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mình được phong danh hiệu NSƯT từ năm 1993 nhưng sau này, cơ quan, đồng nghiệp vận động ông làm hồ sơ xin đề nghị xét tặng danh hiệu NSND thì ông từ chối với lý do: “Thuở mình mới vào nghề đã có những danh hiệu kia đâu, mình vẫn đi diễn vì niềm đam mê trong sáng. Thời chúng tôi, bao người đã gửi cả máu thịt vào vai diễn. Thế là thanh thản rồi”.
Thời điểm ấy, một vài nghệ sĩ thế hệ 7x được phong tặng danh hiệu NSND gây xôn xao dư luận, nghệ sĩ Phạm Bằng bày tỏ rất chân tình: “Làm sao tránh khỏi những băn khoăn nghĩ ngợi, nhưng suy cho cùng, mọi sự so sánh đều khập khiễng và nhìn chung nghệ sĩ thường thương nhau, mừng cho nhau, nhất là mừng cho những người trẻ. Họ coi danh hiệu như sự ghi nhận, khích lệ để làm nghề thì tôi cũng mong họ xứng đáng, trước hết là trong lòng công chúng”.
Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT&DL), nghệ sĩ được xét danh hiệu NSND khi hội đủ bốn yếu tố: Trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước và các quy chế của cơ quan, tổ chức và địa phương; Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tuỵ với nghề, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 20 năm trở lên; Đã được tặng danh hiệu NSƯT và có ít nhất 2 giải vàng quốc gia sau khi được tặng danh hiệu NSƯT.
Nghệ sĩ Trần Hạnh kể ba lần trượt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân
Ba lần bị trượt, nhưng nghệ sĩ Trần Hạnh bảo, ông không bao giờ buồn nhưng cũng không bằng lòng với chuyện đó. |
Xét danh hiệu nghệ sỹ: Có hay không có đặc cách?
Dư luận xôn xao trường hợp nghệ sỹ Xuân Hanh và Trần Hạnh của Hà Nội được đặc cách đề nghị xét tặng danh hiệu ... |
NSƯT Chí Trung không có tên trong danh sách 12 nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND
Ngày 19/01, Sở VH&TT Hà Nội công bố kết quả xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND). Trong đó, NSƯT Công Lý, nghệ ... |
Giải trí 15:10 | 24/07/2018
Giải trí 00:30 | 21/06/2018
Giải trí 05:00 | 10/05/2018
Giải trí 02:26 | 10/05/2018
Giải trí 23:43 | 02/05/2018
Giải trí 06:45 | 02/05/2018
Giải trí 00:15 | 09/04/2018
Giải trí 00:49 | 04/04/2018