Ngày 5/4, nhiều chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội không quá đông đúc như những ngày đầu thực hiện cách li xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các mặt hàng rau xanh đa dạng, phong phú, như tại chợ Bạch Đằng, chợ Lương Yên, chợ Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng); chợ Hàm Tử Quan (quận Hoàn Kiếm)… giá rau khá mềm nhưng ít người mua. Su hào 5.000 đồng/củ nhỏ, 8.000 đồng/củ to; rau muống: 5.000 đồng/mớ; súp lơ 8.000 đồng/cái…
Tại chợ Lương Yên, giá thịt lợn giảm tương đối so với 3 ngày trước, ở mức 135.000 đồng/kg đối với các loại thịt ba chỉ, sườn, nạc vai; 115.000 đồng/kg đối với thịt lợn xay…
Chị Đặng Thanh Tâm (khu Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng) cho biết, giá thịt lợn ở chợ hợp lí hơn nhiều so với giá ở các siêu thị.
“Sáng nay, tôi cũng đi siêu thị nhưng chưa dám mua thịt tại đây”, chị Tâm nói. Lí giải về việc giá thịt lợn, bà Hoa (chủ sạp hàng tại chợ Nguyễn Công Trứ) cho biết, giá thịt hiện tại đã giảm 20.000 đồng/kg so với hôm trước. Giá phụ thuộc vào giá mua tại lò mổ, hiện tại khoảng 100.000đồng/kg.
Khảo sát tại các chuỗi siêu thị Vinmart, Hapro… các mặt hàng rau xanh cao hơn khá nhiều so với chợ dân sinh: Rau muống 10.000 đồng/mớ, cải chíp 13.000 đồng/mớ… Thịt lợn giá cao hơn gần gấp đôi ở chợ dân sinh: Sườn non giá 220.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 210.000 đồng/kg, nạc vai 200.000 đồng/kg…
Như vậy, giá thịt trên thị trường từ chợ đến siêu thị hoàn toàn chưa có dấu hiệu giảm giá như cam kết của các doanh nghiệp. Trước đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn có cam kết với Chính phủ đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg kể từ 1/4.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, Sở đã có văn bản hỏa tốc đề nghị lực lượng quản lí thị trường phối hợp tăng cường kiểm tra, đảm bảo việc bán đúng giá ở các chợ truyền thống, tránh lợi dụng dịch bệnh để tăng giá. Trong đó, lực lượng quản lí thị trường tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng đúng giá tại chợ.
Ngoài ra, đối với một số thực phẩm của bà con nông dân miền Tây hiện đang gặp khó khăn trong tiêu thụ, bà Lan cho biết, đang yêu cầu các siêu thị kết nối, lập các điểm bán hàng để hỗ trợ bà con nông dân miền Tây.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, việc giá thịt lợn không giảm theo cam kết của các doanh nghiệp từ ngày 1/4 là do trên thực tế, thị trường luôn có độ trễ giảm giá thịt lợn thành phẩm so với giá lợn hơi. Bên cạnh đó, do thực trạng chăn nuôi của Việt Nam còn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi, lò giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác.
15 doanh nghiệp chăn nuôi cam kết giảm giá thịt lợn chỉ chiếm không quá 35% thị phần chăn nuôi trong nước, trên 65% thị phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp không cam kết giảm giá, trong đó có nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác khắp cả nước.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng nhiều năm nay, câu chuyện giá ở một số siêu thị phổ biến cao hơn ở các chợ dân sinh là một thực tế tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân khiến giá hàng hóa ở siêu thị cao hơn ở giá chợ, khách quan thì chi phí bảo quản của hệ thống siêu thị cao hơn ở chợ, cộng thêm thuế VAT khi bán ra.
Ngoài ra, hàng nông sản gửi vào siêu thị đều phải chịu mức chiết khấu cao từ 20 đến 30%. Ngoài ra, hàng hóa còn phải cõng những chi phí khác, các nguyên nhân đó chắc chắn đẩy giá bán hàng nông sản và rau quả ở một số siêu thị lên cao so với ở chợ.
“Thực tế này ngược lại so với ở các nước đang phát triển, ở đó giá hàng hóa trong siêu thị đa phần thấp hơn ở các chợ dân sinh”, ông Vũ Vinh Phú nhận định.
Ông Phú lấy ví dụ về mặt hàng rau sạch: Khoảng 10 mớ rau sạch thì mới có một mớ vào được siêu thị, còn lại buộc bán trôi nổi ở thị trường tự do và người trồng rau sạch không thu được lợi nhuận tương xứng với những gì mà mình đã bỏ ra. Chính vì vậy mà nông sản sạch chưa được phát triển một cách bền vững và hiệu quả.
Nguyên nhân rau sạch khó vào siêu thị, còn vì chuỗi cung ứng sản xuất phân phối mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa được tổ chức chặt chẽ, qua nhiều trung gian, bị ép giá, ép cấp, ép chiết khấu, giao dịch mua bán hàng hóa chưa được công khai minh bạch, thiếu thông tin về giá cả và thị trường.
“Đó là một khuyết tật cần phải khắc phục sớm để sản xuất sạch ở VN và hệ thống phân phối những sản phẩm đó phát triển một cách lành mạnh”, ông Phú khẳng định.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG, cho biết hệ thống BRG Mart đã đàm phán với các nhà cung cấp để giảm giá thịt lợn và nhận được sự hợp tác của các nhà cung cấp cùng giảm giá từ ngày 31/3.
Cụ thể, thịt lợn nóng đã giảm 8 – 10% (đối với nhà cung cấp CP), thịt lợn mát nhập khẩu đã được điều chỉnh giảm 15 – 25%.Chuỗi siêu thị vẫn tiếp tục đàm phán với các nhà cung cấp để giảm thêm giá thị lợn.