Vicasa đặt kế hoạch kinh doanh đi lùi trong năm nay, việc di dời công ty tiếp tục gặp khó

Vicasa cho rằng, trong năm nay công ty vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do đó, các chỉ tiêu kinh doanh đều giảm so với năm 2022 như sản lượng phôi thép (sản suất), thép cán (sản xuất và tiêu thụ) giảm lần lượt 10% và 52%.

Kế hoạch kinh doanh tiếp tục đi lùi so với năm 2022

Theo báo cáo thường niên năm 2022 CTCP Thép Vicasa – VNSteel (mã chứng khoán: VCA) vừa công bố, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với sản lượng phôi thép sản xuất đạt 130.000 tấn, lượng sản xuất và tiêu thụ thép cán đạt 125.000 tấn, lần lượt giảm 9,7% và 52% so với kết quả đạt được năm 2022.

Mục tiêu doanh thu là 1.783 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 12 tỷ đồng. 

Vicasa cho rằng năm 2023, công ty vẫn chịu ảnh hưởng từ những rủi ro trên do xung đột giữa Nga – Ukraina chưa kết thúc, thị trường xuất khẩu không thuận lợi, lãi suất vay vẫn ở mức cao, nhu cầu đối với mặt hàng thép trên thế giới suy yếu… 

Trước đó, trong năm 2022, doanh thu thuần của công ty hơn 2.335 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021, lỗ sau thuế 5,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 36,3 tỷ đồng.

Đánh giá từ Hội đồng quản trị của Vicasa, năm 2022, ngành thép đối mặt với nhiều khó khăn từ cả thị trường thế giới và thị trường trong nước, chính yếu là nhu cầu giảm xuống thấp, giá thành giảm sâu, lãi suất tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản cũng gần như đóng băng, các công ty ngành thép không tiêu thụ được, hàng tồn kho với giá nguyên liệu rất cao đã mua trước đó.

Kết quả kinh doanh năm 2022. Nguồn: Vicasa.

Tính đến cuối năm 2022, tỷ trọng tài sản dài hạn trên tổng tài sản tăng so với đầu kỳ, chủ yếu do giá trị hàng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm. 

Mặt khác, khả năng thanh toán nhanh, khả năng thanh toán hiện hành tăng chủ yếu do khoản nợ ngắn hạn phải thanh toán giảm. Tỷ trọng nợ phải trả trên tổng nguồn vốn theo đó cũng giảm so với đầu kỳ.

Công ty cũng khẳng định, nguồn vay vốn lưu động được kiểm soát chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, đáp ứng đầu đủ nhu cầu về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời đảm bảo cho việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả của doanh nghiệp. 

Về tình hình thực hiện các dự án, tại cuối năm 2022, Vicasa cho biết hầu hết các dự án đều đã hoàn tất nghiệm thu và đưa và sử dụng.

Đơn cử như hệ thống điều khiển điện cực lò luyện thép (chuyển tiếp từ năm 2019) đã hoàn tất nghiệm thu và đưa vào sử dụng, phân bổ dài hạn từ tháng 11/2022; thay động cơ DC 350KW, hộp giảm tốc - truyền lực và hệ thống điều khiển đi kèm cho máy cán K16-K17; động cơ 500KW-DC (Dự phòng K1-K8/9); máy biến áp, máy lạnh tủ đứng, máy bơm nước cũng đã được nghiệm thu và tăng tài sản cố định.

Riêng hệ thống quan trắc khí thải tự động, công ty không thực hiện và tiếp tục gia hạn với Sở tài nguyên Môi trường.

Di dời công ty còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc kinh doanh

Trong kế hoạch sắp tới, đối với việc di dời công ty, Vicasa cho biết sẽ tiếp tục cập nhật thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, Ban quản lý khu công nghiệp (KCN) và xin ý kiến chỉ đạo của Tổng công ty thép Việt Nam.

Cụ thể, trụ sở chính và nhà máy của công ty đều nằm tại KCN Biên Hòa 1, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Năm 2009, Chính phủ có văn bản đồng ý về chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại dịch vụ.

Tuy nhiên, do vướng về các chính sách, thiếu kinh phí để thực hiện nên dự án kéo dài nhiều năm. Do đó, đến thời điểm hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về địa điểm di dời mới.

Theo doanh nghiệp, việc di dời nhà máy ảnh hưởng rất lớn đến tình hình hoạt động sản xuất của công ty như trong ngắn hạn không đầu tư quá lớn và đồng bộ được. Về dài hạn, khi thực hiện di dời, hoạt động sản xuất - kinh doanh của công ty cũng bị ảnh hưởng đáng kể và cần nhu cầu vốn đầu tư lớn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.