Việt Nam có 55,1 tỉ USD trái phiếu đang lưu hành, trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm

Tính tới cuối tháng 9, Việt Nam có 55,1 tỉ USD trái phiếu đang lưu hành, cao hơn 3,4% so với quý trước và tăng 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái xét theo giá trị đồng nội tệ, trong khi đó thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bắt đầu giảm.
 - Ảnh 1.

Trái phiếu doanh nghiệp sau thời gian tăng nhanh đang có dấu hiệu giảm tốc. (Ảnh: T.L).

Với diễn biến này, thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam tiếp tục gia tăng trong quý III/2019, cho dù thương mại thế giới có nhiều bất ổn dai dẳng và sự suy giảm kinh tế toàn cầu. 

Theo báo cáo Giám sát Trái phiếu châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa được công bố ngày 20/11, sự gia tăng của thị trường trái phiếu Việt Nam chủ yếu là nhờ mức tăng 4% so với quý trước của thị trường trái phiếu chính phủ, đạt tới khoảng 51 tỉ USD, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng phát hành tín phiếu ngân hàng nhà nước.

Tuy vậy, tỉ lệ tăng trưởng chung của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tại Việt Nam bị kiềm chế đôi chút bởi mức sụt giảm 2,8% của thị trường trái phiếu doanh nghiệp so với quý trước, xuống còn 5 tỉ USD.  So với cùng kì năm ngoái, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 4,2%.

Trung Quốc vẫn là thị trường trái phiếu lớn nhất của Đông Á mới nổi với 11,5 nghìn tỉ USD, chiếm 75,4% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành của khu vực này. Indonesia có thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực, được thúc đẩy bằng đợt phát hành lớn trái phiếu và tín phiếu kho bạc.

Còn xét toàn khu vực, tổng giá trị trái phiếu bằng đồng nội tệ đang lưu hành trên thị trường Đông Á mới nổi đạt 15,2 nghìn tỉ USD vào cuối tháng 9, cao hơn 3,1% so với thời điểm cuối tháng 6. 

Tổng số trái phiếu chính phủ bằng đồng nội tệ đang lưu hành trị giá 9,4 nghìn tỉ USD, chiếm 61,8% tổng giá trị trái phiếu đang lưu hành, trong khi tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp là 5,8 nghìn tỉ USD. 

Đã có tổng cộng 1,5 nghìn tỉ USD trái phiếu bằng đồng nội tệ được phát hành trong quý III, tăng 0,9% so với quý trước.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, cho rằng các tranh chấp thương mại đang tiếp diễn giữa Trung Quốc và Mỹ, cùng sự suy giảm kinh tế lớn hơn mức dự báo tại các nền kinh tế phát triển và Trung Quốc, tiếp tục là những nguy cơ tiêu cực lớn nhất đối với sự ổn định tài chính của khu vực. Dù vậy, việc nới lỏng chính sách tiền tệ tại một số nền kinh tế phát triển đang giúp duy trì những điều kiện tài chính ổn định.

Khu vực Đông Á mới nổi bao gồm Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. 

Báo cáo cũng có một chương với chủ đề đặc biệt, xem xét mối quan hệ giữa sự phát triển của thị trường trái phiếu và hành vi chấp nhận rủi ro của các ngân hàng. 

Phân tích này nhận thấy rằng các thị trường trái phiếu phát triển hơn giúp giảm rủi ro chung của các ngân hàng và tăng cường vị thế thanh khoản của chúng. Điều này hàm ý rằng sự phát triển của thị trường trái phiếu có thể đóng góp vào tính hiệu quả của hệ thống ngân hàng.

Một khảo sát tính thanh khoản hằng năm trong báo cáo cho thấy sự gia tăng thanh khoản và khối lượng giao dịch tại hầu hết các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của khu vực trong năm 2019 so với năm 2018. Nó cũng nêu bật nhu cầu phải có một cơ chế phòng ngừa rủi ro hoạt động hiệu quả và mạng lưới nhà đầu tư đa dạng cho cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. 

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.