Việt Nam đặt tham vọng có 10 'kì lân công nghệ' đạt giá trị 1 tỉ USD đến năm 2030

Mục tiêu được đặt ra trong Dự thảo chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, dự kiến đến năm 2025, Việt Nam sẽ có 5 kì lân công nghệ đạt giá trị 1 tỉ USD và tăng lên 10 công ty vào năm 2030.

Việt Nam tham vọng có 10 "kì lân công nghệ" vào năm 2030

ky-lan-cong-nghe-som-xuat-hien-tai-viet-nam1560699685

Việt Nam tham vọng có 10 "kì lân công nghệ" vào năm 2030. (Ảnhminh họa: Báo Đầu tư).

Bộ Kế hoạch và đầu tư đã công bố Dự thảo chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo dự thảo, Việt Nam sẽ có ít nhất 5 "kì lân công nghệ" đạt giá trị trên 1 tỉ USD vào năm 2025, và tăng lên 10 công ty vào năm 2030. Những kì lân này sẽ tập trung vào công nghệ 4.0 như: 5G, Internet vạn vật, Trí tuệ nhân tạo, Chuỗi khối hay Phân tích dữ liệu.

Thuật ngữ "kì lân" công nghệ được dùng để chỉ những công ty khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ có tốc độ tăng trưởng cao trong khoảng thời gian ngắn, và đạt giá trị trên 1 tỉ USD.

Dự kiến, các công ty công nghệ này sẽ có thể xuất khẩu các dịch vụ công nghệ của mình sang các nước trong khối G7 vào năm 2025, qua đó đưa Việt Nam vào top 40 chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Ngoài ra, dự thảo cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các đơn vị hành chính sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để làm việc với người dân thông qua các thiết bị di động.

Phấn đấu đến năm 2025, hạ tầng Internet cáp quang và Internet băng thông rộng tốc độ cao (4G và 5G) sẽ phủ sóng 100% lãnh thổ, đưa tỉ lệ người dân sử dụng Internet lên 100% vào năm 2030.

Đến 2030, Việt Nam hi vọng GDP có thể tăng thêm từ 28,5 đến 62,1 tỉ USD, tương đương với mức tăng 16% GDP.

Không những thế, cách mạng công nghiệp 4.0 còn có thể sẽ làm tăng từ 1,3-3,1 triệu việc làm cho xã hội, năng suất lao động tính bằng GDP cũng sẽ tăng từ 315-640 USD trên mỗi lao động.

4 rào cản cần khắc phục 

VIET-NAM-SE-CO-10-CONG-TY-CONG-NGHE-TY-USD

Tham vọng về khoa học, công nghệ cũng đang vấp phải những rào cản nhất định. (Ảnh: VNF).

Tuy nhiên, tham vọng trên đang vấp phải những rào cản nhất định.

Thứ nhất, về tổng thể, theo báo cáo của WEF, Việt Nam có chỉ số sẵn sàng tham gia cách mạng công nghệ 4.0 còn khá thấp, kinh tế tri thức chưa đủ để đáp ứng.

Thứ hai, thể chế, pháp luật hiện hành không phù hợp với nhu cầu đổi mới, sáng tạo, khiến doanh nghiệp còn gặp phải nhiều rào cản khi áp dụng khoa học công nghệ vào kinh doanh, sản xuất.

Thứ ba, tuy hạ tầng công nghệ, nền tảng 4G phát triển khá tốt nhưng Việt Nam được cho là một điểm đen về an ninh mạng. Muốn dựa vào công nghệ để phát triển đi lên, cần khắc phục điểm yếu này.

Ngoài ra, việc xây dựng dữ liệu quốc gia cần thiết như cơ sở dữ liệu dân cư vẫn còn chậm, khiến công tác ứng dụng công nghệ thông tin vào thủ tục hành chính còn hạn chế.

Thứ tư, tuy nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin khá nhiều, nhưng cả nước lại thiếu hụt lực lượng kĩ sư có trình độ cao và năng lực quản lí.

Trong khi đó, các cơ sở đào tạo lại chậm đổi mới, không đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng lẫn số lượng, dẫn tới tình trạng 70% kĩ sư công nghệ thông tin ra trường phải đào tạo lại.

Dựa trên những thách thức trên, dự thảo đã đề xuất hai phương án để khắc phục.

Thứ nhất là kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Thứ hai, là lập Ủy ban quốc gia chuyên trách về cách mạng công nghiệp 4.0.

"Kì lân công nghệ Việt Nam" hiếm có, khó tìm

vngdanguutienvaosanxuatphancungthayvibanle_14925399

Tính đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có một "kì lân công nghệ" là VNG. (Ảnh: Nhịp cầu đầu tư).

Tính đến thời điểm này, Việt Nam mới chỉ có một "kì lân công nghệ" là VNG, với giá trị 1 tỉ USD, do World Startup Report định giá cách đây 5 năm. VNG bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2004, điều đó có nghĩa là sau cả một thập kỉ, chúng ta mới chỉ có một doanh nghiệp "kì lân" trong lĩnh vực công nghệ.

Hiện tại chưa xuất hiện thêm bất kì một công ty công nghệ nào đủ sức cho thấy tiềm năng sẽ trở thành "kì lân"  trong tương lai.

Theo thống kê, Việt Nam đang có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, nhưng đều ở quy mô nhỏ, thị trường hẹp, khó tiếp cận được với những quỹ đầu tư mạo hiểm và khó để duy trì dài hạn, đủ sức lớn mạnh thành "kì lân công nghệ".

Trong khi đó, từ năm 2010 trở lại đây, chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia và thậm chí cả Philippines đã có những "kì lân" công nghệ ngang tầm thế giới.

Cụ thể như Grab của Malaysia, Go-Jek của Indonesia, SEA của Singapore hay Revolution Precrafted của Philippines...

 Mỹ hiện đang là quốc gia sở hữu nhiều "kì lân công nghệ" nhất thế giới, như Facebook, Uber, Instagram, Twitter, WhatsApp, Booking.com… Xếp thứ hai là Trung Quốc với đại diện là TikTok, Wechat, Baidu.

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.