Việt Nam lấp đầy khoảng trống Trung Quốc

Khó khăn chính là cơ hội để Việt Nam mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Việt Nam lấp đầy khoảng trống Trung Quốc - Ảnh 1.

Khó khăn chính là cơ hội để Việt Nam mở rộng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu? (Ảnh: Quý Hòa).

Hàng loạt các tập đoàn công nghệ đang xem Việt Nam là một trong những thị trường thay thế cho thị trường Trung Quốc đang bị tàn phá bởi dịch COVID-19. Trong đó, Samsung cho biết các nhà máy tại Thái Nguyên và Bắc Ninh đang phải chạy hết công suất, để kịp các đơn hàng cho dòng smartphone Galaxy S20 mới vào tháng 3 năm nay.

Cơ hội xoay chuyển

Với kết quả vận hành tại các nhà máy Việt Nam đầu năm nay, Samsung càng có lí do triển khai chiến lược “hướng Nam” mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. 

Tính toán của Samsung cũng là động lực của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.  Đối tác gia công hàng đầu cho Apple là Foxconn cho biết các nhà máy ở Việt Nam, Ấn Độ và Mexico đang phải hoạt động hết công suất đi cùng các kế hoạch mở rộng đang tiến hành để giảm tối đa sự phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc trong các năm tới.

Việt Nam lấp đầy khoảng trống Trung Quốc - Ảnh 2.


Lãnh đạo Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cho biết: “Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi khi tiếp nhận thêm các đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang. Đây là một cơ hội cho Việt Nam, nhưng chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp tự sản xuất được nguyên liệu, đặc biệt là vải”.
Với sự hiện diện của nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới, Việt Nam đang có cơ hội tiến thêm một bước trên bản đồ công nghệ thế giới. Đặc biệt khi danh hiệu “công xưởng mới” của Việt Nam đang được khẳng định chắc chắn hơn trong nhiều lĩnh vực sản xuất. 

Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thị phần may mặc Việt Nam tại Mỹ đã tăng lên 14,26% vào năm ngoái, gần gấp đôi so với năm 2010. 

“Việt Nam đang trở thành một cường quốc sản xuất toàn cầu và rõ ràng đã gặt hái được lợi ích nhờ lực lượng lao động trẻ và lương thấp hơn, các chính sách thương mại ưu đãi và  chất lượng hậu cần - quốc gia hiện có tới 14 cảng lớn”, Michelle Russell, nhà phân tích tại Global Data, nhận định.

Về phần mình, đại dịch Covid-19 cũng giúp các doanh nghiệp Việt đánh giá lại triển vọng đa dạng hóa thị trường, hơn là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường 1,4 tỉ dân Trung Quốc. Cơ hội lớn tới khi Việt Nam đã kịp kí kết chính thức hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu (EVFTA), mở thêm cơ hội cho nhiều hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam tiến vào thị trường khó tính, nhưng có chất lượng cao như châu Âu.

Rào cản thượng nguồn

Nhưng cơ hội vươn tầm lên chuỗi giá trị toàn cầu của các doanh nghiệp Việt đang đối mặt với một thách thức lớn: thiếu nguyên liệu đầu vào. 

Chẳng hạn, Trung Quốc đang nắm “yết hầu” ngành dệt may Việt Nam khi là thị trường cung cấp vải nguyên liệu lớn nhất cho Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2019, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng dệt may sang Trung Quốc 1,59 tỉ USD và nhập khẩu đến 11,52 tỉ USD nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày các loại.

Việt Nam lấp đầy khoảng trống Trung Quốc - Ảnh 3.

Khá nhiều các lĩnh vực hàng đầu khác cũng nhạy cảm với nguy cơ kể trên. “Các ngành điện tử, ôtô, máy móc cũng chịu tác động tiêu cực nhất, gây tổn hại trực tiếp đến các doanh nghiệp Bắc Á và nền kinh tế Đông Nam Á phụ thuộc cao như Việt Nam. Việt Nam sẽ cần phải giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng đó là chuyện không dễ”, bà Alicia Garcia Herrero, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty Tư vấn Natixis, chia sẻ với NCĐT. 

Thống kê của  Natixis cho thấy Trung Quốc vẫn nắm giữ đến 18% thị phần xuất khẩu các lĩnh vực sản xuất toàn cầu vào năm 2018. Tuy con số này đã giảm so với mức đỉnh 20% của năm 2015, nhưng các quốc gia như Việt Nam sẽ phải mất thêm khá nhiều thời gian để lấp đầy khoảng trống mà Trung Quốc để lại.

Nếu Trung Quốc tiếp tục kiểm soát thượng nguồn thì việc các nhà máy dịch chuyển sang Việt Nam cũng chưa chắc mang lại giá trị đáng kể. 

Theo chuyên gia về thị trường và marketing Daniel Smith của Công ty Amber Road (Mỹ), nếu một số thành phần nhất định của sản phẩm hoàn chỉnh hoặc một lượng nguyên liệu thô có nguồn gốc từ các cơ sở của Trung Quốc, các công ty vẫn có thể phải chịu toàn bộ thuế quan chi phí di dời và thiết lập hoạt động tại một địa điểm mới.

Ngoài ra, có thể sẽ khó tìm được đối tác ở các quốc gia khác có thể sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng như các đối tác Trung Quốc. Vì vậy, một số công ty có thể thấy chi phí cơ hội của việc rời khỏi Trung Quốc là quá cao. 

Một thách thức khác là việc trong ngắn hạn, có quá nhiều dòng vốn đầu tư chuyển dịch sang Việt Nam, có thể gây sức ép lên nguồn cung ứng lao động và chi phí nhân công có thể gia tăng hơn dự đoán - điều có thể khiến các công ty ngại ngần rời xa Trung Quốc. Một báo cáo 2018 của World Bank cho biết, nếu đánh giá đầy đủ, tiền công và tiền lương của doanh nghiệp Việt Nam trung bình ở mức khoảng 2.739 USD/lao động, cao gấp đôi so với Lào, Myanmar, Malaysia, cao hơn khoảng 30-35% so với Campuchia, Thái Lan và Philippines.

Việt Nam lấp đầy khoảng trống Trung Quốc - Ảnh 4.

Dù vậy, năng suất lao động Việt Nam khá cao, khảo sát của World Bank cho thấy các doanh nghiệp trung bình tạo ra khoảng 10.500USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Mức này tương đương với các nước khác trong khu vực Đông Á, cao hơn Ấn Độ (khoảng 7.000USD).

Mặc dù khó xảy ra làn sóng công ty di cư ra khỏi Trung Quốc, các công ty đa quốc gia sẽ tiếp tục đa dạng hóa hoạt động sang các khu vực khác ở châu Á. 

Nhìn chung, mô hình chuỗi cung ứng toàn cầu với Trung Quốc là trung tâm đã bắt đầu thay đổi cách đây vài năm. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung  và giờ đây đại dịch COVID-19 càng khiến các tập đoàn đa quốc gia củng cố quyết tâm rời khỏi công xưởng Trung Quốc. Cơ hội để Việt Nam cải thiện vị trí hiện tại đang rộng mở hơn bao giờ hết, mặc dù đó là chuyện không dễ.


chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.