Báo cáo của Cushman & Wakefield đánh giá các địa điểm phù hợp nhất để sản xuất trong số 45 quốc gia ở Châu Âu và Trung Đông, châu Mỹ và châu Á Thái Bình Dương dựa trên các biến số chi phí, rủi ro và điều kiện kinh doanh chung. Ba biến số này sẽ kết hợp theo ba công thức để xếp hạng 45 nước thành ba nhóm hấp dẫn nhất về: Cơ bản, Chi phí và Rủi ro.
Trong nhóm các nước Cơ bản (công thức tính: 40% điều kiện kinh doanh và 40% chi phí, và 20% cho rủi ro), thị trường châu Á chiếm 6 trong số 12 vị trí hàng đầu.
Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đều được hưởng lợi từ sự sẵn có của lao động chi phí tương đối thấp, kết hợp với việc các chính phủ tích cực thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước vào sản xuất và chế tạo. Những thị trường này cũng được hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc +1 của các tập đoàn lớn, trong đó các công ty đang tìm cách cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng bằng cách đa dạng hóa cơ sở sản xuất của họ bên ngoài Trung Quốc.
Xu hướng tương tự cũng đang mang lại lợi ích cho Việt Nam. Đây là yếu tố góp phần thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của ngành công nghiệp trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, nước ta cũng được hưởng lợi từ kết nối địa lý và nhu cầu ngày càng tăng đối với việc đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam của các tập đoàn lớn. Các hãng tàu lớn như MSC, Maersk và CMA CGM đang đầu tư vào công suất mới tại Việt Nam để mở rộng hoạt động.
Ở nhóm Chi phí (60% chi phí và 20% cho điều kiện kinh doanh và 20% rủi ro), sự thống trị của châu Á ngày càng tăng, với các nước Đông Nam Á gồm Thái Lan, Philippines và Việt Nam thuộc top đầu.
Trên toàn cầu, rủi ro gia tăng đã khiến một số thị trường có truyền thống ổn định ở châu Âu tụt hạng. Một số yếu tố đáng chú ý nhất là hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine và tác động của nó đối với rủi ro kinh tế và chi phí năng lượng.
Hoa Kỳ và Canada đều có chi phí tương đối ổn định, mặc dù phải đối mặt với thiên tai và những thách thức đối với điều kiện kinh doanh - đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp giảm, khó tiếp cận lao động hơn.
Tiến sĩ Dominic Brown, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Cushman & Wakefield cho biết, mặc dù châu Á - Thái Bình Dương theo truyền thống luôn dẫn đầu về mặt chi phí, nhưng năm nay khu vực còn có sự cải thiện về rủi ro kinh doanh.
“Các thị trường phát triển hơn thường có xu hướng chiếm ưu thế về mặt rủi ro do sự trưởng thành và ổn định của chúng. Nhưng khi nhiều yếu tố bất ổn trên toàn cầu tiếp tục diễn ra, chênh lệch rủi ro giữa các thị trường đã thu hẹp lại. Rủi ro ở châu Âu đã tăng lên đáng kể so với một năm trước, điều này đã tác động làm cho châu Á - Thái Bình Dương thăng hạng với tư cách là một điểm đến sản xuất hấp dẫn.”
Ông Dennis Yeo, Giám đốc Đầu tư và Hậu cần, Công nghiệp Cushman & Wakefield châu Á Thái Bình Dương nhận định: “Trung Quốc giữ vị trí hàng đầu trong tất cả các nhóm, minh chứng cho sức mạnh của nước này trong lĩnh vực sản xuất. Mặc dù vẫn tồn tại những trở ngại cục bộ, nhưng độ căng thẳng trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc đã giảm xuống tiệm cận mức trước đại dịch. Ấn Độ tiếp tục vượt trội với tư cách là điểm đến sản xuất hàng đầu ở Nam Á và chúng tôi hy vọng các thị trường Đông Nam Á bao gồm Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ các công ty theo đuổi chiến lược Trung Quốc +1.”