Viettel nắm giữ tối thiểu 50% vốn ở doanh nghiệp thu phí tự động

Để đảm bảo hiệu quả dự án thu phí tự động (giai đoạn 2), Chính phủ thống nhất quan điểm để Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội nắm giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ trong doanh nghiệp dự án, theo văn bản số 8/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ.
Viettel nắm giữ tối thiểu 50% vốn ở doanh nghiệp thu phí tự động - Ảnh 1.

Việc thu phí tự động sẽ giúp giảm ùn tắc ở các trạm thu phí. Trong ảnh là trạm thu phí đường cao tốc TP HCM - Trung Lương. (Ảnh: Lê Anh).

Theo tiến độ cập nhật từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT được chia làm 2 giai đoạn (2 dự án).

Trong đó, dự án giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; dự án giai đoạn 2 áp dụng cho các trạm còn lại trên toàn quốc.

Dự án giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm đến nay đã lắp đặt thiết bị tại 38/44 trạm và vận hành được 25/26 trạm trên Quốc lộ 1 đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác. Những trạm còn lại của giai đoạn 1, đang gặp vướng mắc về tỷ lệ phần trăm trích lại cho đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động.

Đối với, dự án thu phí tự động giai đoạn 2 gồm 33 trạm, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế và đã lựa chọn Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số doanh nghiệp về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện dự án. 

Hiện nay, Liên danh nhà đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục xin phép Thủ tướng Chính phủ thành lập doanh nghiệp dự án để triển khai các bước tiếp theo tuân thủ quy định.

Hôm 9/1, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 8/TB-VPCP, kết luận của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện dự án thu phí tự động. Trong đó, đối với dự án giai đoạn 2, Thường trực Chính phủ thống nhất quan điểm để đảm bảo hiệu quả dự án, Viettel cần thiết nắm giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ trong doanh nghiệp dự án.

Về tỉ lệ nắm giữ, Bộ Quốc phòng chỉ đạo Viettel và quyết định theo thẩm quyền việc đàm phán tỉ lệ nắm giữ với các đối tác, bảo đảm khả thi hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Liên quan tiến độ dự án thu phí không dừng giai đoạn 1, hồi tháng 11/2019, Công ty VETC (chủ đầu tư dự án giai đoạn 1), đã gửi văn bản đến Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xin dừng hợp đồng. Vì doanh nghiệp này đã chi 300 tỉ đồng để lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên, do tỉ lệ thu phí tự động không dừng thấp, chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch.

Vì thế, VETC đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục thực hiện. Trường hợp nếu bắt buộc tiếp tục dự án, VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án. 

Tuy nhiên, Bộ GTVT không đồng ý với đề xuất này, và yêu cầu VETC tiếp tục thực hiện dự án theo hợp đồng đã kí.

Hôm 9/1, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT báo cáo những khó khăn vướng mắc, đề xuất rõ lộ trình giải pháp cụ thể để vận hành hệ thống thu phí tự động với mục tiêu hoàn thành trong năm 2020.

Dự án thu phí tự động không dừng được thực hiện từ năm 2014, sau nhiều lần chậm trễ và gia hạn tiến độ đến nay dự án vẫn chưa thực hiện xong.



chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.