VSIP Thái Bình bao giờ xây dựng?

VSIP Thái Bình có tổng mức đầu tư hơn 211 triệu USD, hiện đang trong quá trình thực hiện ĐTM (từ nay đến quý IV/2024). Chủ đầu tư cho biết, ngay sau khi ĐTM được phê duyệt sẽ tiến hành xây dựng dự án.

Ngày 29/8/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp VSIP Thái Bình đối với CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP).

VSIP Thái Bình là một trong 12 dự án VSIP mà hai quốc gia Việt Nam - Singapore đã ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư. Tỉnh Thái Bình cho biết, đây là một trong 6 dự án trọng điểm của địa phương này.

VSIP Thái Bình nhìn trên bản đồ. (Ảnh: Chủ đầu tư).

Trong một báo cáo vừa công bố, chủ đầu tư cho biết, VSIP Thái Bình có diện tích gần 345 ha, nằm tại các xã An Tân và Thuỵ Trường, huyện Thái Thuỵ. Phía bắc dự án giáp sông Thái Bình; phía nam giáp quy hoạch khu đô thị, dịch vụ Tân Trường; phía đông giáp đường bộ ven biển; phía tây nam giáp sông Hóa.

Vị trí này nằm ở trong Khu kinh tế Thái Bình, thuận lợi tiếp cận các cảng biển Cảng Diêm Điềm cách khoảng 10 km và cảng Đình Vũ Hải Phòng cách khoảng 40 km.

Về hiện trạng, chiếm chủ yếu diện tích dự án là đất nông nghiệp (189 ha); đất trồng cây hàng năm (62 ha); sông suối, kênh rạch (28 ha); đất bằng chưa sử dụng (8,3 ha); đất nuôi trồng thuỷ sản (34 ha); đất giao thông (22 ha). 

Trên khu đất dự án có 2,1 ha đất ở của 24 hộ dân cư, tương đương khoảng 96 nhân khẩu, đang sinh sống trong công trình nhà ở cấp 4, cần có giải pháp di dời, tái định cư. Dự kiến vị trí khu vực để tái định cư cho người dân nằm tại phía tây nam dự án (lô đất NO-12) với diện tích 1,02 ha.

Tổng diện tích thu hồi đất để thực hiện dự án là 270,5 ha tại xã An Tân và 74,2 ha tại xã Thuỵ Trường, huyện Thái Thuỵ.

Nhìn chung, phần lớn diện tích đất hiện trạng trong khu vực lập quy hoạch là đồng ruộng, ao, hồ, kênh. Khu đất lập quy hoạch có địa hình tương đối bằng phẳng, diện tích đất đồng ruộng lớn, kênh kênh nội đồng, ao hồ, xen kẽ là đất các công trình kiến trúc, khu dân cư. Khu vực lập quy hoạch có sông Thái Bình nằm ở phía bắc có thể tạo ra cảnh quan thiên nhiên ven sông sinh thái, trong lành.

Về giao thông đối ngoại của dự án, có 2 tuyến Quốc lộ bắt đầu từ cảng Diêm Điền là quốc lộ 37B và quốc lộ 37, ngoài ra còn có tuyến Quốc lộ 39 đi Cảng Diêm Điền.

Mạng lưới giao thông ngoài VSIP Thái Bình được chia thành hai phân khu: phân khu bắc và nam, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường ven biển, ĐT.461 và đường đê cửa sông Hữu Hóa, đê biển 8 theo Quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình.

Về tính chất, VSIP Thái Bình là KCN thu hút ngành nghề sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, các dự án sử dụng tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, không gây ô nhiễm môi trường. 

Về cơ cấu sử dụng đất giai đoạn đầu tư, dự án sẽ bố trí hơn 235 ha xây dựng nhà máy, kho tàng; 3,4 ha đất nhà điều hành và dịch vụ công cộng; 4,4 ha đất hạ tầng kỹ thuật; gần 41 ha đất cây xanh, mặt nước; 53 ha đất giao thông và 8 ha đất đê cửa sông, đê biển.

Tổng mức đầu tư của VSIP Thái Bình là 4.932 tỷ đồng, tương đương 211,9 triệu USD. Về tiến độ, dự kiến từ nay đến quý IV/2024 dự án sẽ hoàn thành thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và thẩm định thiết kết. Ngay sau khi ĐTM được phê duyệt sẽ triển khai xây dựng.

Một số hình ảnh hiện trạng VSIP Thái Bình. (Ảnh: Chủ đầu tư).

Loạt dự án chờ triển khai trong 2024

Theo thống kê của người viết, trong năm 2024, dự kiến VSIP sẽ triển khai xây dựng khoảng 5 dự án công nghiệp, đô thị khác.

Hồi tháng 3/2023, VSIP Nghệ An đã công bố một báo cáo liên quan đến dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Thọ Lộc (giai đoạn 1) tại các xã Diễn Thọ, Diễn Phú và Diễn Lộc, huyện Diễn Châu, Nghệ An.

Dự án này có diện tích 500 ha, tổng mức đầu tư 3.827 tỷ đồng, tương đương khoảng 165 triệu USD. Chủ đầu tư cho biết, giai đoạn từ năm 2024 đến quý cuối năm 2027 sẽ tiến hành xây dựng nhà điều hành, đường giao thông, mạng lưới thoát nước mưa, cấp nước, cấp điện, mạng lưới thông tin liên lạc, thu gom nước thải, cây xanh...

Tại TP Tân Uyên, Bình Dương, VSIP cho biết, dự kiến từ tháng 1/2024 - tháng 12/2029, doanh nghiệp sẽ tiếp tục xây dựng các công trình còn lại thuộc dự án Khu dân cư ấp 4 - Vĩnh Tân, từ tháng 1/2030 sẽ vận hành chính thức toàn dự án.

Khu dân cư ấp 4 - Vĩnh Tân được VSIP đầu tư từ năm 2009, đến nay đã bồi thường giải phóng mặt bằng 98%, đã xây dựng tương đối hoàn chỉnh về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tỷ lệ xây dựng nhà ở của người dân khoảng 56%.

Từ năm 2024, dự án sẽ tiếp tục xây dựng công trình nhà ở trên 27,2 ha, bao gồm 17,6 ha nhà ở tái định cư; 6,3 ha đất ở thương mại và 3,3 ha đất nhà ở xã hội. Cùng với đó, xây dựng công trình thương mại dịch vụ cao tối đa 9 tầng trên khu đất 6,7 ha. Tổng mức đầu tư dự án là gần 319 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là gần 64 tỷ đồng.

Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Bắc Thạch Hà (giai đoạn 1) tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh của VSIP. Dự án này có quy mô hơn 190 ha, tổng mức đầu tư khoảng 65 triệu USD.

Về tiến độ, dự kiến từ quý II/2024 - quý IV/2026 VSIP sẽ triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng nhà điều hành, đường giao thông... Quý II/2025 dự án sẽ bắt đầu vận hành thử nghiệm và từ quý II/2025 - quý IV/2027 sẽ đi vào vận hành chính thức. 

Tại Lạng Sơn, trong năm 2023 VSIP đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN VSIP Lạng Sơn.

VSIP Lạng Sơn có tổng diện tích khoảng 600 ha, nằm trên địa bàn 2 xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng. Tổng mức đầu tư dự án này là hơn 6.361 tỷ đồng, tương đương gần 275 triệu USD, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 954 tỷ đồng, tương đương hơn 41 triệu USD.

Về tiến độ, KCN VSIP Lạng Sơn sẽ được chia thành 2 phân kỳ đầu tư. Trong đó, phân kỳ 1 thực hiện đến năm 2027, sẽ đầu tư phần phía nam dự án trên diện tích khoảng 402 ha. Phân kỳ 2 thực hiện trong giai đoạn 2027 - 2032, đầu tư phần phía bắc dự án trên diện tích khoảng 197,5 ha.

Ảnh: Hoàng Huy.

Tại Quảng Ngãi, vào tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN VSIP II Quảng Ngãi (giai đoạn 1)

Dự án này có tổng diện tích khoảng 498 ha, nằm trong địa giới hành chính của xã Bình Hiệp (209 ha) và xã Bình Thanh (289 ha), huyện Bình Sơn. Tiến độ dự án sẽ được chia thành hai giai đoạn là 1A và 1B.

Đối với giai đoạn 1A, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ thực hiện trong quý IV/2023 - quý III/2024; bồi thường giải phóng mặt bằng trong quý IV/2024 - quý IV/2027; thủ tục xin thuê đất thực hiện trong quý II/2025 - quý IV/2028; thực hiện san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng trong quý III/2025 - quý III/2029; có thể bắt đầu kinh doanh từ quý IV/2025.

Còn với giai đoạn 1, công tác chuẩn bị đầu tư sẽ thực hiện trong quý IV/2023 - quý III/2024; bồi thường giải phóng mặt bằng trong quý I/2027 - quý II/2029; thủ tục xin thuê đất thực hiện trong quý III/2027 - quý I/2030; thực hiện san lấp, xây dựng cơ sở hạ tầng trong quý I/2028 - quý III/2030; có thể bắt đầu kinh doanh từ quý IV/2028. 

Dự kiến khi dự án sẽ bắt đầu đi vào kinh doanh tiếp thị thu hút nhà đầu tư thứ cấp bắt đầu vào quý III/2025, kế hoạch cho thuê từ 25- 50 ha/năm với giá cho thuê dự kiến 65 - 80 USD/m2, tổng doanh thu đến năm 2032 dự kiến là 252,55 triệu USD, tương đương 5.864 tỷ đồng.

VSIP lãi 1.700 tỷ trong 2023

VSIP được thành lập vào năm 1996 với vốn điều lệ 946 tỷ đồng trên cơ sở hợp tác giữa hai Chính phủ là Singapore do SembCorp dẫn đầu và phía Việt Nam là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM).

Tính đến cuối 2023, VSIP có vốn điều lệ 14.357 tỷ đồng. Thông tin từ Becamex, trong năm 2023, VSIP ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 8.056 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.161 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.703 tỷ đồng.

Tại 31/12/2023, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ của VSIP là 1,45 lần, tương ứng tổng dư nợ 20.818 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu chiếm 3.015 tỷ đồng.

chọn