Tại tòa phiên xét xử vụ án chạy thận 9 người tử vong ở Hòa Bình sáng nay, 18/1, đại diện VKS đã hỏi ông Hoàng Công Tình (bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực, BVĐK tỉnh Hòa Bình) về nhiệm vụ của bị cáo Hoàng Công Lương tại Đơn nguyên lọc máu.
Theo đó, ông Tình cho biết bị cáo Hoàng Công Lương và các bác sĩ khác là bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên.
Ông Hoàng Công Tình. (Ảnh: Phi Hùng). |
“Bác sĩ Huyền và bác sĩ Lương đều có quyền ra y lệnh lọc máu, điều kiện là bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề, các bác sĩ học hệ nội nói chung vì đại học không đào tạo chuyên khoa nào mà đào tạo chuyên khoa nội”, ông Hoàng Công Tình trả lời trước tòa.
Ngoài ra, ông Tình cho biết bác sĩ Huyền không nhất thiết phải có chữ kí của Hoàng Công Lương, việc kí chỉ để chia sẻ vì Lương có chuyên môn cao hơn. Các bác sĩ đã thống nhất thống nhất y lệnh nên 2 người có nghĩa vụ ngang nhau.
Ông Hoàng Công Tình cho biết: “Sau sự cố 1 tháng, tôi nhận được bản quyết định của ông Khiếu giao cho quản lý máy móc. Toàn bộ những lần bảo dưỡng sửa chữa RO không có một ngày nào phải dừng chạy thận để chờ kết quả xét nghiệm.
Bác sĩ Huyền và bác sĩ Linh chưa được cấp chứng chỉ về Thận nhân tạo, chỉ có chứng chỉ hành nghề hồi sức cấp cứu và nội khoa”.
Bị cáo Hoàng Công Lương. (Ảnh: Phi Hùng). |
Khi VKS hỏi về quy định của Bộ y tế về điều kiện để bác sĩ được ra y lệnh lọc máu, ông Tình khẳng định, có quy định bác sĩ có thời gian làm việc 200 giờ cùng người có chuyên môn thì sẽ được ra y lệnh lọc máu.
Nếu làm việc 8 tiếng một ngày thì chỉ khoảng 2 tháng là đủ thời gian và điều kiện ra y lệnh để chạy thận nhân tạo.
Về việc phân công nhiệm vụ, ông Tình cho biết từ khi thành lập Đơn nguyên thận chỉ có một quyết định phân công cho bác sĩ Tiến phụ trách (đã chuyển công tác từ trước sự cố), bản thân ông Tình chỉ là bác sĩ điều trị tại Đơn nguyên hồi sức tích cực.
Về đề án 1816 chuyển giao kỹ thuật Thận nhân tạo giữa Bệnh viện Bạch Mai cho BVĐK tỉnh Hòa Bình, ông Hoàng Công Tình cũng khẳng định bản thân và bị cáo Hoàng Đình Khiếu (Cựu Phó giám đốc bệnh viện) không được đào tạo chạy thận.
Cũng trong buổi sáng nay, đại diện VKS hỏi công ty Thiên Sơn về việc bị cáo Bùi Mạnh Quốc khai bắt buộc phải có xét nghiệm AAIM và ISO mới được chạy thận.
Tuy nhiên, đại diện của Công ty Thiên Sơn là Luật sư Đinh Hương cho biết đây là ý kiến của cá nhân của bị cáo Quốc, công ty chỉ làm theo hợp đồng.
Đại diện Thiên Sơn cho biết, từ trước năm 2014, BVĐK tình Hòa Bình tự đi làm xét nghiệm nước, xét nghiệm AAMI, từ năm 2014 trở lại đây thì đưa vào hợp đồng. Về hệ thống RO là đảm bảo cơ sở vật chất để chạy thận, đó là trách nhiệm của bệnh viện.
Luật sư Đinh Hương bên thân chủ của mình. (Ảnh: Phi Hùng). |
Tại tòa, đại diện công ty Thiên Sơn cũng khẳng định chỉ gửi một báo giá còn Trâm Anh gửi Thiên Sơn nhiều báo giá.
Liên quan đến việc hỗ trợ nạn nhân trong sự cố, trả lời câu hỏi của HĐXX, đại diện Thiên Sơn cho biết xuất phát từ tấm lòng nên hỗ trợ các nạn nhân. Ngoài ra đại diện công ty Thiên Sơn đề nghị HĐXX không dùng từ liên danh liên kết để nói về quan hệ giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và công ty Thiên Sơn.