Vùng Đông Nam Bộ có thể mở tuyến quốc lộ dài 164 km, kết nối TP HCM - Tây Ninh

Theo Dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến quốc lộ 1K hiện tại qua TP HCM sẽ chuyển thành đường chính đô thị. Cùng với đó, TP HCM sẽ có thêm một tuyến quốc lộ mới kết nối với Tây Ninh.

Quốc lộ 1 qua TP HCM hiện nay. (Ảnh tư liệu: Hải Quân).

Theo Dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được công bố vừa qua, trên địa bàn thành phố sẽ có 6 tuyến quốc lộ đi qua.

Cụ thể, tuyến quốc lộ 1 (QL 1) đoạn qua địa bàn thành phố dài 50,5 km, điểm đầu cầu Đồng Nai, điểm cuối ranh giới tỉnh Long An; mở rộng đạt cấp I với quy mô 8 làn xe, dự kiến đầu tư trước 2030; đoạn từ cầu Đồng Nai đến nút giao trạm 2 thuộc đường Xa lộ Hà Nội mở rộng quy mô 10 làn xe.

Tuyến QL 1K hiện tại sẽ được chuyển thành đường chính đô thị.

QL 13 đoạn qua địa bàn thành phố dài 7,5 km, điểm đầu từ QL 1, TP Thủ Đức đến ranh giới tỉnh Bình Dương; đạt cấp II - III, quy mô 4 - 6 làn xe.

QL 22 đoạn qua thành phố dài hơn 30 km, điểm đầu từ QL 1, quận 12 đến ranh giới tỉnh Tây Ninh; đạt cấp I - II, quy mô 4 - 6 làn xe; bổ sung tuyến tránh dài 19,9 km, từ gần KCN Tân Phú Trung, chạy dọc theo đường kênh qua khu đô thị Tây Bắc, tới ranh giới tỉnh Tây Ninh; đạt cấp I - II, quy mô 6 - 8 làn xe.

QL 50 đoạn qua thành phố dài 13,3 km, có điểm đầu từ huyện Bình Chánh đến ranh giới tỉnh Tiền Giang; đạt cấp III, quy mô 2 - 4 làn xe.

QL 50B có điểm đầu nút giao đường Phạm Hùng - Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TPHCM, đi qua tỉnh Long An và điểm cuối tại ngã ba Trung Lương, tỉnh Tiền Giang. Tuyến dài 55 km, đạt cấp III với quy mô 6 làn xe; dự kiến đầu tư trước 2030.

QL 22C, theo quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, sẽ bổ sung thêm tuyến QL 22C đi qua TP HCM dài 164 km; điểm đầu vành đai 3, Củ Chi, TPHCM, điểm cuối Cửa khẩu Kà Tum, Tây Ninh; đoạn đi qua Thành phố dài khoảng 32 km, đạt cấp III với quy mô 2 - 4 làn xe; dự kiến đầu tư trước 2030.

Bên cạnh đó, dự thảo quy hoạch TP HCM còn quy hoạch thêm tuyến đường bộ ven biển phía Nam kết nối TP HCM với các tỉnh ĐBSCL đi qua các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Đoạn đi qua địa bàn Thành phố dài 8,6 km, điểm đầu cao tốc Bến Lức – Long Thành ở khu vực cầu Hiệp Phước, điểm cuối ranh tỉnh Tiền Giang; dự kiến đầu tư trước 2030 đạt cấp III với quy mô 4 - 6 làn xe.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.