Bên trong một vùng phong tỏa không bóng người tại tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Mirror |
Theo Mirror, kể từ khi trận động đất và sóng thần gây sự cố rò rỉ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima gần 5 năm trước, chính phủ Nhật Bản đã cho thiết lập các hàng rào phong tỏa quanh khu bị nhiễm xạ. Tuy nhiên, nhiều công ty du lịch lại nhìn thấy lợi nhuận tiềm năng từ việc mở tour du lịch đến vùng đất không bóng người này.
Hiroshi Miura, giám đốc của tổ chức phi lợi nhuận NPO Nomado, đã mở các tour du lịch đến vùng Minamisoma, cách nhà máy điện hạt nhân Fukushima khoảng 16km.
"Năm 2012, tôi thành lập tổ chức phi lợi nhuận Nomada và tổ chức các tour du lịch lấy tên "20 km từ Fukushima-1". Đến năm 2014, tôi đã phục vụ hơn 5.000 lượt khách. Một năm sau đó, Nomada có thêm nhiều hướng dẫn viên du lịch và chúng tôi đã đón hơn 10.000 khách du lịch", Hiroshi trả lời Sputnik.
Ý tưởng biến khu vực cách ly tại Fukushima thành một điểm du lịch lần đầu tiên được đề xuất với chính phủ Nhật Bản năm 2012, chỉ một năm sau khi thảm họa hạt nhân xảy ra. Nhà triết học Hiroki Azuma, tác giả cuốn sách hướng dẫn du lịch đến Chernobyl, một vùng bị nhiễm phóng xạ khác ở Nga, cho rằng cần để khách du lịch chứng kiến tận mắt quá trình khử phóng xạ tại nhà máy. Ông cũng đề nghị đến năm 2036, khách tham quan có thể đến thăm nơi này mà không cần quần áo bảo hộ.
Ý tưởng nhanh chóng bị chính quyền Nhật Bản bác bỏ, bởi từ "du lịch" không nên dùng cho các vùng từng xảy ra thảm họa hạt nhân. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản các công ty du lịch mở tour đến "vùng cấm".
Thảm họa kép năm 2011 gây thảm họa hạt nhân tại Fukushima. Ảnh: Mirror |
Năm 2011, trận động đất Tōhoku mạnh 9 độ Richter cùng sóng thần xảy ra ngoài khơi biển Nhật Bản đã kéo theo thảm họa rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Vùng cấm có bán kính 20 km được thiết lập quanh thành phố, hàng trăm nghìn người phải sơ tán.
Dù chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào tử vong liên quan đến bức xạ của nhà máy Fukushima, giới chức Nhật Bản cho biết khoảng 130-640 người có khả năng chết vì ung thư.
Trước đó, vùng nhiễm xạ Chernobyl của Nga cũng trở thành một địa điểm du lịch sau hơn 30 năm xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân.