Trong hướng dẫn được cập nhật và công bố vào thứ Hai (6/4), Tổ chức WHO đã khuyến nghị việc duy trì sử dụng khẩu trang để có thể giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, nhưng tổ chức này cho hay chỉ sử dụng khẩu trang là chưa đủ.
Không có bằng chứng cho thấy việc đeo khẩu trang trong cộng đồng đã bảo vệ những người khỏe mạnh khỏi những bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp bao gồm Covid-19.
WHO cho hay trừ khi mọi người làm việc trong môi trường chăm sóc sức khỏe (bệnh viện, nơi có mầm bệnh...), khẩu trang chỉ là để bảo vệ người khác, không phải để bảo vệ chính mình.
WHO công nhận virus có thể được truyền đi bởi những người không có triệu chứng, nhưng cho biết virus vẫn phải lây lan qua các giọt bắn hô hấp hoặc bề mặt bị nhiễm khuẩn, vì vậy cách li xã hội và rửa tay là những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Theo lời khuyên của WHO mới đây, những người có triệu chứng bị nhiễm Sars-CoV-2 nên đeo khẩu trang, tự cách li và tìm kiếm sự hỗ trợ y tế ngay khi cảm thấy không khỏe, trong khi những người chăm sóc họ cũng nên đeo khẩu trang khi ở cùng phòng.
Hướng dẫn của WHO về việc sử dụng khẩu trang này dường như mâu thuẫn với lời khuyên gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, thúc giục công chúng Mỹ đeo khẩu trang vải khi đến các hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa và những nơi công cộng khác, nơi khó có thể duy trì sự giãn cách.
Giáo sư David Heymann, người phụ trách nhóm tư vấn khoa học và kĩ thuật của WHO về các mối nguy truyền nhiễm nói rằng khẩu trang có thể tạo ra một cảm giác an toàn sai lầm, khiến mọi người chủ quan, và cuối cùng có thể khiến mọi người có nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn. Ngay cả khi miệng và mũi được che kín hoàn toàn, virus vẫn có thể xâm nhập qua mắt.
"Người dân cho rằng họ được bảo vệ trong khi không phải như vậy", ông nói. "Các nhân viên y tế, ngoài khẩu trang, họ cũng đeo kính để bảo vệ mắt".
Một vấn đề khác khi sử dụng khẩu trang cần được quan tâm là mọi người có thể tự làm nhiễm bẩn trong quá trình điều chỉnh, tháo và loại bỏ khẩu trang của họ.
WHO cho biết những người chọn đeo khẩu trang ở nơi công cộng nên làm theo lời khuyên của tổ chức để đảm bảo họ sử dụng chúng một cách đúng và hiệu quả. Các quốc gia khuyễn nghị sử dụng khẩu trang cho người dân nên thiết lập các nghiên cứu để theo dõi hiệu quả của việc này.
William Keevil, giáo sư chăm sóc sức khỏe môi trường tại Đại học Southampton, cho biết chính phủ nhiều nước cảm thấy bị áp lực khi phải đưa ra các giải pháp, ngay cả khi đó là một sự lãng phí thời gian và tài nguyên quí giá.
"Khẩu trang vải và khẩu trang y tế chất lượng kém sẽ không lọc tốt được các giọt bắn hô hấp, và chắc chắn là không lọc được aerosol, một trong những nguy cơ gây lây nhiễm", ông nói.
"Câu hỏi chính cần được giải quyết là việc bảo vệ mắt như thế nào?"
Tiến sĩ Elaine Shuo Feng, một nhà dịch tễ học tại Đại học Oxford, ủng hộ lập trường của Mỹ về khẩu trang và nói rằng sẽ là điều hợp lí cho những người có thể đã tiếp xúc với nguồn lây bệnh khi đeo khẩu trang nơi công cộng vì nguy cơ lây virus.
"Sẽ rất hữu ích nếu những người yếu thế (người già, người mắc bệnh mãn tính) đeo khẩu trang nếu họ không thể tránh những khu vực đông người", tiến sĩ Elaine Shuo Feng cho hay.