Nguyên Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình (Ảnh: Ngọc Hoa) |
Chiều 27/6, phiên tòa xét xử ông Đặng Thanh Bình (nguyên Phó thống đốc NHNN) cùng 4 đồng phạm về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” tiếp tục với phần tranh luận.
Tham gia bào chữa cho ông Đặng Thanh Bình, luật sư Nguyễn Xuân Bính đưa ra một số văn bản là cơ sở cho đánh giá như QĐ 1239 – nội dung phân công lãnh đạo NHNN, QĐ số 78 – nội dung quy định thành lập ban chỉ đạo, và QĐ số 31/2018 của Thống đốc NHNN. Luật sư cho rằng đây là cơ sở để xem xét ông Bình có làm tròn trách nhiệm của mình hay không?
Trong phần buộc tội, VKS cho rằng ông Bình là người cho ông Danh tham gia tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Tuy nhiên, theo luật sư, NHNN đã trực tiếp lựa chọn nhóm Nhà đầu tư mới, đồng thời lãi suất 2012 của NH Đại Tín không có gì thay đổi, do đó không có cơ sở để đánh giá sai phạm của NH Đại Tín.
Vì vậy, luật sư Bính cho rằng, việc VKS nhận định ông Bình thiếu trách nhiệm là chưa có căn cứ.
Mặt khác, ngày 3/7/2012, cơ quan giám sát đã trình tờ trình 1024 tại cuộc họp của ban lãnh đạo NHNN, cho thấy ông Bình không đủ thẩm quyền cho phép ông Danh tham gia tái cơ cấu. Điều này thể hiện trong kết luận cuộc họp. Từ đó cho thấy, ông Bình đã thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ của mình, quyết định này là của tập thể NHNN chứ không riêng ông Bình.
Sau khi đưa ra các quan điểm của mình, luật sư Bính khẳng định ông Bình đã có trách nhiệm với nhiệm vụ của mình, những bút phê đều được cân nhắc ký, và những tình hình đều được ông Bình kịp thời báo cáo cấp trên một cách đầy đủ.
Liên quan đến việc tái cơ cấu Nh Đại Tín, luật sư Bính cho biết, cơ quan thanh tra giám sát là cơ quan trực tiếp, thẩm định hồ sơ trình lãnh đạo NHNN xem xét. Trong thời gian này cơ quan giám sát có rất nhiều tờ trình đề xuất công tác tái cơ cấu.
Tổ giám sát cũng ra rất nhiều chỉ đạo liên quan đến công tác quan trọng này, và ông Bình là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện. Ngoài ra, ông Bình không hề bỏ sót một tờ trình nào mà luôn xem xét kỹ lưỡng.
Bên cạnh đó, luật sư còn cho rằng, do hành vi vi phạm của ông Phạm Công Danh cực kỳ tinh vi dẫn đến Tổ giám sát khó lòng kiểm soát hoàn toàn và có thể giám sát một cách toàn diện.
Luật sư Bính đề nghị đại diện VKS xem xét lại lời buộc tội của mình, cũng như HĐXX cân nhắc lại toàn bộ để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho ông Đặng Thanh Bình.
Đồng quan điểm với luật sư Bính, luật sư Nguyễn Hồng Bách tiếp tục đưa ra các luận cứ cho thấy ông Bình đã làm tròn trách nhiệm mình.
Theo luật sư, quyết định đưa ông Danh vào đề án tái cơ cấu là thuộc tập thể NHNN thuộc trách nhiệm của tập thể NHNN chứ không phải riêng ông Bình. Vì đây là vấn đề quan trong, nên phải có thứ tự quyết định theo từng cấp. Ông Bình đã thực hiện các công việc chuẩn mực, đúng đắn trong quyền hạn của mình.
Đối với mức án từ 4-5 năm tù mà VKS đã đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Bình, luật sư cho rằng, đây là mức án áp lực đối với ông Bình. Theo đó, luật sư đề xuất HĐXX xem xét vụ án tổng thể để đưa ra kết luận ông Bình không sai phạm hình sự.
Được tự bào chữa trước tòa, ông Đặng Thanh Bình cho biết thời điểm 2010 - 2012 rất khó khăn về kinh tế, nguy cơ đổ vỡ ngân hàng thường trực. Hệ thống NHNN chứng kiến mức lãi suất ngân hàng cao kỷ lục. Do đó chỉ cần một động thái nhỏ cũng đe dọa đến hệ thống ngân hàng và gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Ông Bình trình bày thêm, khi thực hiện đề án tái cơ cấu trong hoàn cảnh không có quy định cụ thể, không có sự chuẩn bị, không có kinh nghiệm nhưng tái cơ cấu là điều kiện bắt buộc phải làm. Dù rất khó khăn, nhưng những người tham gia đề án tái cơ cấu đều có một động cơ hết sức trong sáng và là điều vinh dự.
"Chúng tôi tự thấy, khi tham gia thực hiện đề án tái cơ cấu, chúng tôi có một động cơ hết sức trong sáng. Giai đoạn 2012, đồng chí lãnh đạo giao tôi nhiệm vụ và điều động vào TP HCM trông coi một vụ việc rất quan trọng. Riêng tôi nghĩ rằng chấp nhận khó khăn nhưng khi tham gia đề án án tái cơ cấu này tôi rất vinh dự và tự hào”, ông Bình nghẹn ngào trình bày.
Nguyên thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình bị đề nghị 4- 5 năm tù
Sáng 27/6, TAND TP HCM tiếp tục đưa vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng ... |