Xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm: Nghiêm khắc và nhân văn

Nếu ai lợi dụng chức quyền để đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật thì trước sau cũng phải chịu sự phán xét nghiêm khắc của pháp luật.
xet xu ong dinh la thang va dong pham nghiem khac va nhan van
Nếu ai lợi dụng chức quyền để đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật thì trước sau cũng phải chịu sự phát xét nghiêm khắc của pháp luật. Ảnh: TTXVN.

Đã có những giọt nước mắt rơi xuống má, đã có những lời nói nghẹn ngào của bị cáo trước khi tòa đưa ra lời tuyên án trong vụ xét xử Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm. Thật ra trong tâm lý và nỗi lòng sâu xa của con người, trước khi bị tước mất quyền tự do của một công dân, hầu như ai cũng cảm thấy xót xa, ân hận cho những hành vi tội lỗi trong quá khứ của mình.

Đối với những người từng được ăn học đàng hoàng, tử tế, từng có những năm tháng đứng trên đỉnh cao quyền lực, được kẻ đón người đưa, “nói có người nghe, đe có kẻ sợ”, thậm chí đi một bước cũng có người “tiền hô hậu ủng”, thì đối với họ, bị tước mất quyền tự do của công dân không chỉ là nỗi đau tột cùng, mà còn là điều day dứt, ám ảnh khôn nguôi suốt những năm tháng còn lại của họ.

“Bị cáo mong làm sao chấp hành án, trước khi chết được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù” được thốt ra từ bị cáo Đinh La Thăng, nghe sao mà ai oán, cảm thương thay!

Khi nghe những lời nói ấy, chắc hẳn những người ruột thịt, bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp một thời của bị cáo đâu khỏi nỗi niềm trắc ẩn trước sự sa cơ của một chính khách từng nổi đình nổi đám trước công luận.

Giọt nước mắt nào suy cho cùng cũng đáng thương. Nhưng luật pháp bất vị thân. Ánh sáng công đường không có chỗ “trú chân” cho những hành vi mờ ám, khuất tất. Cán cân công lý không được phép một chút “chênh chao” trước nỗi ân hận muộn màng của người phạm tội. Sự nghiêm khắc, anh minh, sáng suốt của pháp luật là đòi hỏi tất yếu để giữ nghiêm kỷ cương phép nước và trật tự xã hội.

Một nền pháp lý công bằng trước hết là một nền pháp lý bình đẳng, bất cứ công dân nào vi phạm pháp luật đều được đưa ra xét xử công khai và bị xử lý bằng những hình thức tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi tội phạm mà người phạm tội gây ra. Luật pháp không có vùng cấm, đã là công dân sống trong một xã hội pháp quyền đều phải thượng tôn pháp luật, chịu sự điều chỉnh của pháp luật và chấp nhận hình phạt của pháp luật khi phạm tội. Nếu ai lợi dụng chức quyền để đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật thì trước sau cũng phải chịu sự phán xét nghiêm khắc của pháp luật.

Bài học không ở đâu xa. Việc cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye mới hôm nào còn ung dung với tư thế của người “thống soái quyền lực” một cường quốc ở châu Á, nhưng nền pháp lý công minh của quốc gia này đã đưa người đàn bà đang là chủ nhân của phủ tổng thống đầy uy nghi, sang trọng, phải sang “ở trọ” trong phòng giam chật hẹp chỉ vì bà đã không giữ gìn được sự liêm khiết, chính danh của một nguyên thủ quốc gia!

Hay nữ chính khách trẻ trung, xinh đẹp Yingluck Shinawatra từng nắm giữ quyền lực cao nhất của chính phủ Thái Lan, nay cũng phải bỏ trốn và sống lưu vong nơi đất khách quê người vì thời gian đương chức bà đã không làm tròn trách nhiệm, bổn phận đối với quốc gia!

Và nước láng giềng ngay bên cạnh, hai chính khách Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai một thời có thể làm “khuynh đảo” quyền lực trên chính trường Trung Quốc, nhưng cũng đã vướng vào lao lý và phải ôm hận suốt đời bởi sống không đúng tư thế của “người quân tử”!

Nói thế để thấy, đã là người “ăn cơm nhà nước, ở nhà công” mà không những không hết mình phụng sự, cống hiến cho quốc gia dân tộc, mà lại còn có những việc làm gây tổn hại cho nước cho dân, thì đương nhiên họ phải bị nghiêm trị bởi luật pháp. Đó cũng là lẽ công bằng ở đời. Lời bộc bạch của người đứng đầu Đảng ta “Kỷ luật một người để cứu muôn người” có cơ sở vì lẽ ấy.

Tuy vậy, với người Việt Nam ta, từ trong bản chất truyền thống vẫn ít nhiều mang tâm lý “đằng sau cái lý còn tí cái tình”. Lối ứng xử trọng tình nghĩa của người Việt xuất phát từ nền văn hóa trồng lúa nước và truyền thống làng xã luôn đòi hỏi có tính cố kết cộng đồng cao. Thế nên, khi nhìn nhận, xem xét, đánh giá sai lầm của một con người, bao giờ ông cha ta cũng tạo cho họ một cơ hội sửa chữa lỗi lầm, nhất là những người biết ăn năn, hối cải thật sự. Đối với những người phạm tội từng có một thời đóng góp, cống hiến nhất định, luật pháp bao giờ cũng có tình tiết giảm nhẹ.

Cho dù cán cân công lý không thể và không được phép mất thăng bằng, nhưng chính sách khoan hồng của thể chế pháp lý “do con người, vì con người” sẽ góp phần làm cho nền pháp lý tiến bộ hơn, nhân văn hơn. Ngoài những giọt nước mắt ân hận tại tòa, khi các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng… nếu tiếp tục khai báo thành khẩn, trung thực và chủ động khắc phục hậu quả do những sai phạm trong quá khứ, chắc chắn sẽ nhận được sự khoan dung, rộng lượng của pháp luật. Nền công lý Việt vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn là ở chỗ đó. Tinh thần đổi mới tư pháp cũng là ở chỗ đó. Truyền thống bao dung “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại” của cha ông ta tiếp tục được kế thừa và phát huy, cũng là ở chỗ đó!

Một vụ án được xét xử công tâm, tuyên án đúng người, đúng tội và đủ sức cảnh tỉnh, răn đe trong công tác phòng ngừa tội phạm, mà vẫn tạo cơ hội cho người phạm tội được cải tà quy chính, sớm phục thiện và được quyền làm người tự do chân chính, đấy là một bản án phản ánh và thể hiện đúng tinh thần nhân đạo của một nền công lý tiến bộ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.