Lượng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã tăng với mức 34%, tương đương 10,9 tỉ USD. Con số này giúp thứ hạng của Việt Nam nhảy từ thứ 12 sang thứ 7 trong danh sách các bạn hàng nhập khẩu của Mỹ, theo dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ.
Chuyển biến này diễn ra trong bối cảnh lượng hàng xuất khẩu sang Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 12,5% trong năm 2019, tính đến tháng 8 vừa rồi. Nhập khẩu từ Trung Quốc cũng giảm 43,25 tỉ USD so với cùng kì năm 2018.
Bù vào khoảng trống đó, Mỹ đã tìm được các bạn hàng thân thiết mới, trong đó có Việt Nam.
Trước đó, Bộ Công Thương từng nhận định: "Yếu tố thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa còn là xuất khẩu sang thị trường Mỹ dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực, khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tìm kiếm hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc, và các cơ sở sản xuất mới sau khi dịch chuyển đầu tư".
Nhưng kẻ được hưởng lợi nhiều nhất khi căng thẳng leo thang là "người hàng xóm" Mexico. Vốn dĩ là nhà cung cấp hàng hóa lớn thứ 2 cho Mỹ, báo cáo gần đây của Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ chỉ ra lượng hàng Mexico xuất sang Mỹ đã tăng ở mức lớn nhất, tức 5,5%, tương đương 12,4 tỉ USD.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn là nguồn nhập khẩu chính của Mỹ. 6 vị trí đứng đầu bảng xếp hạng không thay đổi.
Việt Nam xếp thứ 2 sau Mexico trong nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ. (Đồ họa: Tất Đạt).
Bloomberg đánh giá các con số trên giúp hình dung rõ cuộc chiến thương mại gia tăng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang cung cấp khe hở cho các nước trung lập như thế nào.
Tuy vậy, Báo Hải Quan dẫn lời Bộ Công Thương nhận định xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 có thể tăng từ 7% đến 7,5% so với năm 2018, mức giảm mạnh so với 2 năm trước chủ yếu là do căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, Nhật Bản - Hàn Quốc và tăng trưởng kinh tế chậm lại ở một số quốc gia, sẽ làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm của Việt Nam.
Cảnh báo được đưa ra ngay sau khi doanh số bán hàng ở nước ngoài của Việt Nam tăng 8,2% trong 9 tháng đầu năm 2019 so với một năm trước đó, trong khi nhập khẩu tăng 8,9%.
Trước mùa cao điểm cuối năm, xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, với động lực chính là các nhóm ngành truyền thống như dệt may, giày dép và đồ gỗ... Đây cũng là giai đoạn cao điểm cho các doanh nghiệp tập trung sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử tiêu dùng (điện thoại, tivi,..) khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Cuối năm là cao điểm xuất khẩu điện thoại và các sản phẩm điện tử của Việt Nam. (Ảnh: PLDS).
Trong bối cảnh Mỹ đang tìm bạn hàng mới, Bộ Công Thương đưa ra định hướng: "Nếu doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành hàng như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ, nội thất… nhanh nhạy, chủ động thông tin, tìm ra những lợi thế để khai thác, tranh thủ cơ hội để vươn lên, chiếm lĩnh thị phần, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được tiêu chuẩn, nhu cầu và tăng khả năng xuất khẩu thì sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh kêu gọi giúp các công ty đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để đối phó với những khó khăn và tăng các chuyến hàng vào cuối năm 2019.