Cô Nguyễn Minh Ngọc trong buổi lễ chia tay học trò
M.N |
Những ngày này, học sinh lớp 12 đang trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc. Vừa phải đối mặt với áp lực của kỳ thi đang đến gần nhưng lại tràn ngập những lưu luyến và yêu thương khi sắp phải chia tay tuổi học trò.
Với cô Nguyễn Minh Ngọc, Tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT Đ.T.L (Q.7, TP.HCM), hiểu và yêu thương học trò vẫn chưa đủ, bởi bức thư được cô viết từ trái tim chứa đựng những gửi gắm, dặn dò trong những ngày sắp phải chia xa học trò của mình.
Con là một người bình thường tử tế
Hiểu những áp lực mà học trò đang trải qua khi ngày thi THPT quốc gia đang đến gần, cô Minh Ngọc chia sẻ: “Trừ một số ít người sinh ra với sứ mệnh làm vĩ nhân đổi thay thế giới, còn lại đa số chúng ta là những người bình thường. Con nhớ đừng quên điều này để con không bị áp lực với bản thân.
Con không đặt ra cho mình những điều to tát mà bỏ qua đi bao khoảnh khắc đáng trân quý mà một người bình thường cần trải nghiệm. Như ánh nắng lấp lánh sau cơn mưa, như nụ cười rạng rỡ của ai đó, như bữa tối quây quần bên ba mẹ, như một ngày mắt mẹ cười đã xuất hiện nếp nhăn. Con nhớ đừng quên điều này để con biết xây cuộc đời mình từ những điều nhỏ nhặt.
Những cái nhỏ sẽ dần tích lũy theo tháng năm và tạo nên những cái lớn hơn. Kỳ tích không tự nhiên xuất hiện, nó là phần nổi của tảng băng trôi mà phần chìm là bao nỗ lực, khó khăn, bao thất bại, sai lầm ta phải trả, cho một thành công nào đó. Hãy nhớ, con là một người bình thường nhưng con là một người bình thường tử tế”.
Thêm vào đó, cô giáo còn lấy dẫn chứng từ bi kịch sống khác mình trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ mà học sinh đã từng học để nhắc nhở học trò “sống khác mình, sống không được là mình thật đau đớn, giằng xé phải không con?. Hãy nhớ, luôn là chính mình vì con luôn riêng biệt và có giá trị”.
Sai để trưởng thành
Không chỉ dặn dò trong tâm thế của một giáo viên mà cô Minh Ngọc còn trở thành người bạn của học trò khi chia sẻ: “Ai trong chúng ta chẳng từng nghĩ sai, làm sai, quyết định sai. Ai trong chúng ta mà chẳng có những lúc nghĩ đến các từ: giá như, nếu như, ước gì, biết thế…
Nhưng chính những cái sai đó dạy ta về cái đúng, cái sai giúp ta lớn lên, trưởng thành và điềm tĩnh hơn. Vậy đó, đừng dằn vặt nếu con sai, nếu con làm điều không đúng.
Thay vì hướng tâm vào quá khứ và nhân lên nhiều lần cảm giác chán ngán, thất vọng vì con đã sai, hãy học cách nhìn thẳng vào nó, chấp nhận nó và vượt lên nó. Tất nhiên, có cái sai không sửa được. Chỉ có thể sửa bằng cách buông bỏ nó ra khỏi tâm trí con để bù vào bằng một việc làm đúng đắn khác. Hãy nhớ, tuổi trẻ, con có thể sai để con trưởng thành trong những cái sai”.
Lời dặn của người mẹ
Trở lại vị trí của một cô giáo “như mẹ hiền”, cô Minh Ngọc “chuyện trò riêng với con trai, con gái” của mình qua những dòng thư: “Thế hệ phụ nữ như mẹ con, như các cô được dạy nhiều về sự hy sinh, sự quên mình đi cho gia đình và người khác nhưng lại ít được dạy phải yêu thương và chăm sóc tốt cho bản thân mình. Khi con yêu thương bản thân con, con sẽ yêu thương cả thế giới.
Khi con trân trọng thân thể con, cái thân thể ba mẹ đã trao cho con, con sẽ học cách bảo vệ bản thân, học cách không để cho bất cứ ai làm điều tổn hại đến mình. Khi con thương con, con có thể vẫn hy sinh vì người khác, nhưng con không hy sinh mù quáng, không mải miết chạy theo những cảm xúc của người khác đến quên cả bản thân".
Với riêng học trò nam, cô giáo không quên nhắc nhở: sức mạnh của một người đàn ông không nằm ở cơ bắp, ở khả năng đổi núi dời non nữa, con trai ạ. Sức mạnh thực sự của một người đàn ông nằm ở khả năng con tư duy, con phán đoán, con đưa quyết định, nằm ở hành động, khả năng thích ứng với sự đổi thay, với áp lực của con.
Để có được sức mạnh này, con cần Trí, con cần Dũng, con cần một tầm nhìn trông xa thấy rộng. Đừng bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào học tập, trưởng thành, cọ xát để nâng tư duy và hành động của con lên. Mỗi lần định mở máy cày game, buôn điện thoại, hãy nghĩ về điều thầy đã nói, con nhé. Cuộc sống cần con tinh thần đối mặt, chịu đựng nghịch cảnh.
Ngay sau khi bức thư được cô giáo Minh Ngọc đăng trên trang Facebook của mình đã nhận được nhiều lời cám ơn và mong bức thư được lan tỏa thật nhiều. Phụ huynh học sinh tên Lê Hồng Phương (Q.3, TP.HCM) nói rằng: “Thật xúc động. Bức thư này cần được lan tỏa để các thế hệ học trò hiểu và nhận ra được cái cần”.
Còn phụ huynh Nguyễn Thị Thơm (Q.5, TP.HCM) xúc động nói: “Đọc những dòng tâm tư mà thầy cô gửi gắm cho học sinh thật xúc động. Thế mới biết cái tâm sâu xa của các thầy cô, giá trị của nhân văn trong môn văn và làm sao để các em học sinh thấm được từng lời tâm huyết này của các thầy cô”.
Chia sẻ với về bức thư dài hơn 2.000 chữ này, cô Minh Ngọc cho biết đã viết trong một buổi tối, song những ý tưởng trong đó đã được ấp ủ nhiều năm. Đó là những trải nghiệm của chính mình, "từ lúc tôi còn là học trò. Khi đó, tôi cũng có nhiều mơ ước, sự hồn nhiên và cả những sai lầm như những học trò mình bây giờ. Tôi viết thư, nhắn nhủ với các em như một người bạn".
Được biết, bức thư này đã được cô Minh Ngọc in ra, kẹp vào các cuốn sách để tặng kèm học sinh như một món quà cho các em trong ngày trưởng thành.
'Muôn sắc thái' của học trò Trường THPT Việt Đức trong ngày chia tay
Giây phút kết thúc năm học bằng những tiếng trống trường réo rắt cũng là lúc, những giọt nước mắt, những cái ôm thật chặt ... |
Những ca khúc khiến học sinh cuối cấp phải bật khóc mỗi dịp hè
Mùa hè là mùa chia tay của học trò, sẽ có những giọt nước mắt, những dòng lưu bút khi rời xa nhau, nhất là những ... |