Từ sau Tết Nguyên đán, toàn bộ trường học các cấp và khối đại học/cao đẳng đều cho phép học sinh, sinh viên không phải đến lớp.
Sau đó, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều trường lựa chọn hình thức đào tạo trực tuyến. Zoom là ứng dụng được nhiều trường học/giáo viên lựa chọn để kết nối giữa những người tham dự.
So với các ứng dụng kết nối nhóm, Zoom có lợi thế hơn vì bản chất Zoom là một ứng dụng dành cho các thành viên công ty trao đổi công việc, có thể kết nối lên đến 50 người trong cùng một nhóm chat.
Mãi đến tháng 4, Facebook mới thử nghiệm tăng số lượng người tối đa trong một nhóm chat lên 50 nhằm cạnh tranh với Zoom.
Chính vì rất phù hợp với nhiều tiêu chí, trên thế giới, lượng người dùng hàng ngày của Zoom đã tăng vọt từ 10 triệu ở thời điểm tháng 12/2019 lên 200 triệu vào tháng 4. Tăng 20 lần trong vòng 5 tháng là tốc độ cực kì ấn tượng đối với Zoom.
Mặc dù vậy, tại Việt Nam trong thời gian dịch bệnh, Zoom không phải là ứng dụng có sức tăng trưởng tốt nhất.
Theo báo cáo của Adsota, trong các công cụ giao tiếp bằng video có mức tăng trưởng trong mùa COVID-19, Zoom chỉ xếp thứ hai với 33%, còn Skype đứng đầu với tốc độ tăng 53%.
Ở nhóm các công cụ giao tiếp chung, Zalo thể hiện sự độc tôn với tốc độ tăng trưởng 83%. Xếp sau Zalo lần lượt là Messenger (46%), Skype (không tính mảng video, 35%) và Viber (18%).
Không đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong nhóm các công cụ giao tiếp, nhưng Zoom cũng lọt top các ứng dụng miễn phí được tải nhiều nhất tại Việt Nam ở cả Google Play lẫn App Store.
Ngoài Zoom, các ứng dụng có mặt trên top tải về ở cả 2 nền tảng là Messenger, Tik Tok, Zalo, Microsoft Teams và Save The Girl.
"Trong đợt dịch COVID-19, các hạng mục ứng dụng phổ biến và được tải xuống nhiều nhất là Game, Giao tiếp và Xã hội do hiện nay, một số thói quen mới của người tiêu dùng đã hình thành trong mùa dịch", báo cáo kết luận.