Nhiều ví điện tử Việt Nam vào nhóm công ty công nghệ tài chính phát triển nhanh nhất khu vực

Báo cáo của IDC Financial Insights liệt kê 101 công ty công nghệ tài chính phát triển nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2020, trong đó có 5 đại diện cho Việt Nam, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực ví điện tử.

Theo báo cáo của IDC Financial Insights về lĩnh vực công nghệ tài chính ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam có 5 đại diện trong nhóm Fintech Fast 101 năm nay (101 công ty công nghệ tài chính có tốc độ tăng trưởng tốt nhất trong năm 2020). 

Báo cáo đã tổng hợp dữ liệu thị trường công nghệ tài chính từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Hong Kong, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Hàn Quốc và Australia để chọn ra những doanh nghiệp nổi bật. Điều đáng chú ý là báo cáo không bao gồm các công ty fintech đến từ Nhật Bản.

5 doanh nghiệp của Việt Nam trong danh sách gồm Payoo, Moca, Momo, Tima và ZaloPay. 4 trong số 5 công ty sở hữu ví điện tử. Trong số họ, Moca, Momo và ZaloPay chiếm tới hơn 90% thị phần ví điện tử tại thị trường Việt Nam.

Momo, Moca, ZaloPay, Payoo, Tima lọt top các công ty fintech phát triển nhanh nhất khu vực - Ảnh 1.

Việt Nam có 5 đại diện trong danh sách các công ty fintech phát triển nhanh nhất 2020. Ảnh: IDC Financial Insights.

Tima, cái tên còn lại là một startup trong lĩnh vực vay ngang hàng, kết nối giữa người vay và người cho vay. Công nghệ giúp công ty thẩm định hồ sơ từ các bên, tạo ra tính kết nối phù hợp nhất giữa người có nhu cầu vay và người có nhu cầu cho vay.

Dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy 32% số lượt thanh toán qua Moca nhằm phục vụ việc thanh toán xe công nghệ và các dịch vụ liên quan. Sự tăng trưởng của Moca gắn liên với việc trở thành đối tác của Grab (khách hàng Grab lựa chọn thanh toán phi tiền mặt sẽ phải sử dụng Moca).

Trong thời gian dịch bệnh, người dân hạn chế tiếp xúc và thanh toán tiền mặt, tỉ lệ khách hàng thanh toán qua Moca trên tổng số đơn hàng/cuốc xe Grab lên đến 43%.

ZaloPay thuộc sở hữu của VNG, một trong những công ty tỉ USD hiếm hoi ở ở Việt Nam. Với ưu thế là lượng người dùng ứng dụng chat Zalo đông đảo, ZaloPay đang là một trong những ví điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam. Hiện tại, 27% số giao dịch của ZaloPay phục vụ nhu cầu nạp tiền điện thoại.

Momo, Moca, ZaloPay, Payoo, Tima lọt top các công ty fintech phát triển nhanh nhất khu vực - Ảnh 2.

Các loại giao dịch phổ biến nhất với 3 ví điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Cimigo

28% số lượt thanh toán (tỉ lệ cao nhất) qua ví điện tử MoMo phục vụ các giao dịch nạp thẻ điện thoại. Năm 2019, công ty chủ quản của Momo cũng đã gọi vốn thành công 120 triệu USD và đây là động lực để công ty bứt phá, đưa Momo lọt vào top 101 startup Fintech phát triển nhanh nhất trong năm 2020.

Cũng trong báo cáo của IDC Financial Insights, trong vài năm qua, thị trường Fintech châu Á - Thái Bình Dương đã thay đổi lớn về mô hình hoạt động, dần hướng theo xu thế "phi truyền thống" nhiều hơn. 

Ngoài ra, các cơ quan chức năng tại các quốc gia trong khu vực đã bắt đầu tăng cường hỗ trợ hệ sinh thái fintech. Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) tỏ ra năng nổ nhất trong nỗ lực này. 

Gần một nửa (41) công ty trong số 101 công ty công nghệ tài chính được vinh danh trong danh sách đến từ Trung Quốc đại lục.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.