Những điều cần biết về 'ví điện tử dành cho người nghèo' Mobile Money

Thủ tướng đã yêu cầu cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money đối với những giao dịch có giá trị nhỏ, tiến tới phủ sóng dịch vụ thanh toán điện tử đến 100% thuê bao di động tại Việt Nam.

Thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ thực chất là dịch vụ Mobile Money được Ngân hàng Nhà nước đề xuất vào tháng 5/2019. Mobile Money được kì vọng sẽ đem đến những bước tiến cho nền kinh tế trong thời đại công nghệ, thúc đẩy tăng trưởng sau dịch Covid - 19.

Tuy nhiên, Mobile Money là gì, ứng dụng ra sao, có an toàn không là những câu hỏi đang được người tiêu dùng và doanh nghiệp quan tâm.

Mobile Money - 'ví điện tử' dành cho người nghèo - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu cấp phép thí điểm dịch vụ Mobile Money đối với những giao dịch có giá trị nhỏ. (Ảnh: Thiên Trường).

Mobile Money là gì?

Hiện chưa có bất kì định nghĩa về Mobile Money nào chính thức ở Việt Nam. Hiểu một cách sát nhất, Mobile Money là ví điện tử được xây dựng dựa trên tài khoản di động, và không liên kết với tài khoản ngân hàng.

Về bản chất, Mobile Money là hình thức sử dụng tài khoản điện thoại để thanh toán các dịch vụ, hàng hoá có giá trị nhỏ. Ngườidùng chỉ cần mua thẻ, nạp tiền vào điện thoại, sau đó dùng tài khoản này để mua sắm trực tuyến. Thanh toán như vậy được gọi là Mobile Money.

Về nguyên tắc, Mobile Money không được làm phát sinh lượng tiền tệ. Số tiền nhà mạng nhận được phải được nạp tương ứng theo tỉ lệ 1:1. Ví dụ, mua 100 đồng thẻ cào sẽ có 100 đồng trong ví, không thể mua 90 đồng được khuyến mại 100 đồng như hiện nay.

Khi trở thành hiện thực, Mobile Money sẽ giúp người dân có thể sử dụng tài khoản di động để chuyển nhận tiền và thanh toán hàng hoá có giá trị nhỏ nhanh chóng.

Mobile Money mang lại lợi ích gì?

Hiện tại, muốn sử dụng ví điện tử để thanh toán giao dịch, người dùng buộc phải liên kết ví với tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng sở hữu một tài khoản ngân hàng, đặc biệt là người dùng ở khu vực nông thôn và người nghèo.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2019, 37% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng. Đồng nghĩa những người này không có cơ hội tiếp cận với các loại hình thanh toán không dùng tiền mặt như ví điện tử, mobile banking,…

Với Mobile Money, người tiêu dùng không cần thông qua tài khoản ngân hàng. Việc nạp tiền được thực hiện một cách dễ dàng, bất cứ đâu có bán thẻ điện thoại. Vì Mobile Money dùng tài khoản là tài khoản nhà mạng.

Đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt những nơi hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển, người dân chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng cũng có thể sử dụng Mobile Money.

Mobile Money - 'ví điện tử' dành cho người nghèo - Ảnh 2.

Mobile Money giúp quá trình thanh toán, mua bán trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn. (Ảnh: Thiên Trường).

Mobile Money giúp quá trình thanh toán, mua bán trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn. Có thể thanh toán, mua sắm mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động, mà không cần tiền mặt, quẹt thẻ hay chuyển tiền.

Ngoài ra, Mobile Money còn được kì vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại tất cả các quốc gia triển khai Mobile Money đều tạo ra tăng trưởng kinh tế tới 0,5%.

Loại hình này có độ phủ cao, bởi gần như 100% người trưởng thành tại Việt Nam đều sử dụng điện thoại di động, giúp thúc thúc đẩy thương mại điện tử, các sàn giao dịch hàng hoá nông nghiệp, thúc đẩy dịch vụ trực tuyến công và các doanh nghiệp fintech…

Mobile Money hoạt động ra sao?

Sau khi được Thủ tướng đồng ý cấp phép thí điểm dịch vụ này, các nhà mạng sẽ xây dựng đề án thí điểm gửi tới Ngân hàng Nhà nước xin cấp phép. Đồng thời hoàn thiện, xây dựng quy trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng, quản trị rủi ro, chăm sóc khách hàng,…

Người tiêu dùng là khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông được cấp phép cung cấp Mobile Money đều có thể tham gia sử dụng dịch vụ. 

Mobile Money cung cấp các dịch vụ như chuyển/nhận tiền giữa các thuê bao trong cùng mạng hoặc khác mạng, thanh toán hoá đơn sản phẩm, dịch vụ có giá trị nhỏ, bao gồm cả dịch vụ nội dung số hợp pháp và các hàng hoá khác.

Ba doanh nghiệp viễn thông lớn gồm Viettel, VNPT và MobiFone đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử). Do đó, có thể nói Mobile Money sẽ hỗ trợ gần như toàn bộ tất cả các thuê bao di động hiện có.

Để được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ ví Mobile Money, các nhà mạng phải đáp ứng điều kiện số tiền người dùng nạp vào chỉ được sử dụng với mục đích của ví. Nhà mạng có thể làm ăn thua lỗ, nhưng số tiền trong tài khoản người dùng vẫn phải đảm bảo trong ngân hàng.

Điều này cũng có nghĩa, nếu đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money của 10 khách hàng với tổng số dư là 10 tỉ đồng, thì nhà mạng đó phải có 10 tỉ gửi ở ngân hàng, thay vì mang đi kinh doanh ở đâu đó.

Hiện Việt Nam chưa có kế hoạch sử dụng Mobile Money để chuyển tiền quốc tế, liên kết giữa các ví và liên kết chéo giữa các nhà cung cấp dịch vụ Mobile Money với nhau.

Có rủi ro khi sử dụng Mobile Money không?

Ở mức độ nào đó, các hình thức giao dịch đều ẩn chứa rủi ro. Và với Mobile Money cũng vậy.

Thứ nhất là rủi ro về định danh tài khoản. Với ví điện tử, người dùng phải định danh bằng hình ảnh cá nhân và CMND. Hơn nữa, người dùng còn phải định danh tài khoản tại ngân hàng mở tài khoản.

Do đó, khi mất điện thoại, tiền vẫn có thể an toàn nằm trong ví, hoặc tài khoản của người dùng tại ngân hàng. Trong khi đó, với Mobile Money thì thông tin này là không cần thiết. Một câu hỏi đặt ra là liệu khi mất điện thoại, khách hàng có bị mất luôn tiền trong đó?

Thứ hai, về các điểm giao dịch rút tiền. Khi rút tiền khỏi ví điện tử, tiền đó sẽ về lại tài khoản ngân hàng. Đến giờ chưa có thông tin nào về việc rút tiền đối với loại hình Mobile Money. Liệu đây có phải là hình thức một chiều, tức chỉ có nạp vào để sử dụng và không thể rút ra. Hoặc nếu có, thì người dùng sẽ rút tiền tại đâu khi cần? Phí rút là bao nhiêu?

Cuối cùng là vấn đề hạn chế các đơn vị chấp nhận thanh toán qua Mobile Money. Hiện chưa có doanh nghiệp, dịch vụ nào chấp nhận hình thức thanh toán này. Ở phía ngược lại, ví điện tử có rất nhiều đối tác lớn, từ quán nhỏ đến các dịch vụ tiện ích công.

Có thể thấy, Mobile Money là một loại hình dịch vụ tài chính tiên tiến, trước đó đã được áp dụng thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới. 

Tuy nhiên, tại Việt Nam vẫn cần thêm rất nhiều quy định, chế tài để đưa loại hình này vào thực tiễn. Và hơn hết, cần thêm thời gian để người tiêu dùng có thể thấy được lợi ích của Mobile Money và thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của mình.

Trên thế giới, đến nay gần 100 quốc gia đã phát triển nền tảng thanh toán qua điện thoại di động. Số người sử dụng dịch vụ này là 900 triệu người, chiếm khoảng 1/7 dân số thế giới. Tổng giá trị giao dịch mỗi ngày thông qua Mobile Money khoảng 1,3 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.