Người dân Nhật Bản tham gia cuộc diễn tập ứng phó với một cuộc tấn công từ Triều Tiên hồi tháng ba. Ảnh: Kyodo |
Trong bối cảnh lo ngại Triều Tiên có thể thử tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân, các địa phương của Nhật Bản đang thực hiện yêu cầu của chính phủ nhằm cung cấp thông tin cho người dân về phương án ứng phó khi nước này trở thành mục tiêu.
Động thái trên được thực hiện khi chỉ trong tháng này, cổng thông tin bảo vệ công dân đón 2,6 triệu lượt xem, tăng mạnh so với con số 450.000 lượt trong tháng ba. Trang này chuyên cung cấp thông tin cho công chúng về nguy cơ tấn công tên lửa và các biện pháp ứng phó cần thiết.
Nhật Bản có hệ thống cảnh báo được gọi là J-Alert. Khi có mối đe dọa tấn công tên lửa, thông tin sẽ được phát đi qua vệ tinh, điện thoại và không gian ảo tới các quan chức quản lý thảm họa địa phương. Từ đây, chính quyền địa phương sẽ phát cảnh báo qua hệ thống loa phát thanh, kênh truyền hình, radio, điện thoại cá nhân.
Trong trường hợp đang ở ngoài vùng nhận được cảnh báo, lời khuyên của chính phủ là bình tĩnh tìm nơi trú ẩn trong các tòa nhà vững chắc hay hầm ngầm. Các gia đình được khuyến cáo nên nằm úp xuống sàn, nấp dưới bàn và tránh xa cửa sổ bằng kính.
Tại cuộc họp ở thủ đô Tokyo tuần trước, 70 quan chức quản lý thảm họa và khủng hoảng địa phương đã nhóm họp nhằm kêu gọi triển khai các kế hoạch ứng phó trong trường hợp cần thiết.
Hirofumi Yoshimur, Thị trưởng Osaka, thông báo rằng thành phố này sẽ thành lập nhóm ứng phó trong trường hợp Triều Tiên phóng tên lửa, hạt nhân hay các vụ tấn công khác. Trang web của thành phố khuyến cáo nếu trường học vẫn hoạt động vào thời điểm đó, học sinh cần ở trong lớp học và nấp dưới bàn.
"Nhóm ứng phó, bao gồm các quan chức quản lý khủng hoảng và giáo dục, sẽ thảo luận về khả năng đóng cửa trường học và cung cấp thông tin đến cư dân thành phố", Yoshimura nói.
Tuy nhiên, khi khoảng thời gian cảnh báo và tên lửa bay tới Nhật Bản chỉ khoảng 10 giây, người dân ở khu vực tấn công hoặc gần đó sẽ không có nhiều thời gian để chạy trốn đến nơi an toàn, theo Japan Times.
Yoshimura cũng cho rằng không có nhiều thời gian để sơ tán trong trường hợp tên lửa được phóng đi.
"Một tên lửa có thể không bị phát hiện khi rời bệ phóng. Có thể mất vài phút. Tùy từng trường hợp, hệ thống cảnh báo có thể báo 4-5 phút trước khi tên lửa tới mục tiêu", Yoshimura lo ngại.
Ngoài việc thực hiện yêu cầu của chính quyền địa phương về việc triển khai hệ thống cảnh báo J-Alert, chính quyền các địa phương đồng thời kêu gọi thay đổi luật nhằm giúp việc sơ tán được triển khai dễ dàng hơn. Tháng trước, cuộc diễn tập sơ tán tránh tên lửa Triều Tiên được thực hiện ở Oga, tỉnh Akita. Đây là lần đầu tiên cuộc diễn tập kiểu này được tổ chức tại Nhật Bản.
Nhu cầu xây hầm trú ẩn hạt nhân và mua máy lọc không khí phóng xạ ở Nhật Bản tăng cao những tuần gần đây, đề phòng việc Triều Tiên có thể phóng tên lửa mang đầu đạn chứa chất độc thần kinh sarin.
Chỉ trong tháng 4, công ty Oribe Seiki Seisakusho ở thành phố Kobe, Nhật Bản đã nhận được 8 đơn đặt hàng xây hầm và bán 50 thiết bị lọc phóng xạ, loại do Thụy Sỹ sản xuất. Con số này cao hơn mọi năm trước đây khi công ty chỉ nhận được có 6 đơn đặt hàng xây hầm trú ẩn hạt nhân.
Lo ngại của người dân Nhật về khả năng xảy ra tấn công ở quốc gia này gia tăng sau khi Thủ tướng Shinzo Abe cho biết Triều Tiên có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn chứa chất độc thần kinh sarin. Giới quan sát nhận định, Triều Tiên sẽ thử tên lửa hoặc hạt nhân vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập quân đội nước này (25/4).
Pháp luật 23:00 | 21/10/2018
Pháp luật 00:24 | 11/10/2018
Pháp luật 12:03 | 10/10/2018
Pháp luật 09:11 | 10/10/2018
Pháp luật 05:07 | 10/10/2018
Pháp luật 02:44 | 10/10/2018
Thời sự 13:00 | 09/10/2018
Pháp luật 12:15 | 09/10/2018