4 điểm nổi bật về quy hoạch huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế

Huyện Phong Điền được quy hoạch lên thị xã vào 2025 cùng với tiến trình lên thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng điểm qua những thông tin quy hoạch nổi bật tại huyện Long Điền.

Huyện Phong Điền nằm ở phía bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, có vị trí địa lý phía đông giáp thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền; phía nam giáp huyện A Lưới; phía tây giáp huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị; phía tây bắc giáp huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị bà phía bắc giáp Biển Đông.

Huyện Phong Điền có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Phong Điền (huyện lỵ) và 15 xã: Điền Hải, Điền Hòa, Điền Hương, Điền Lộc, Điền Môn, Phong An, Phong Bình, Phong Chương, Phong Hải, Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Thu, Phong Xuân. Tổng diện tích của huyện khoảng 946 km2.

 Huyện Phong Điền hiện nay. (Ảnh: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam).

Quy hoạch lên thị xã vào năm 2025

Theo Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2030 là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam; một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu...

Cụ thể, đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm hai quận (trong đó TP Huế chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương), ba thị xã (TX Hương Thủy, TX Hương Trà và thành lập TX Phong Điền) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông).

Trong đó, TX Phong Điền được quy hoạch là trung tâm tổng hợp về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch.

Về cơ cấu sử dụng đất, theo Quy hoạch sử dụng đất huyện Phong Điền thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện tích đất nông nghiệp của huyện đến năm 2030 là 77.670 ha, chiếm hơn 82%; đất phi nông nghiệp chiếm 16.276 ha, chiếm 17,2%; đất chưa sử dụng là 620 ha, chiếm 0,66%.

Bên cạnh đó, đối vơi diện tích chuyển mục đích sử dụng đất, đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp 3.190 ha; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất trong nội bộ đất nông nghiệp là 907 ha; đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở là 31,5 ha.

Như vậy, cùng với tiến trình lên thành phố trực thuộc Trung ương của tỉnh Thừa Thiên Huế, huyện Phong Điền cũng sẽ được nâng cấp lên thị xã vào năm 2025.

 Phong Điền dự kiến lên thị xã vào năm 2025. (Ảnh: Kinh tế Chứng khoán).

Là đô thị vùng Tây Bắc, nằm trên 3 hành lang kinh tế của tỉnh

Theo Quy hoạch, huyện Phong Điền là đô thị vùng Tây Bắc tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm thị xã Phong Điền - Quảng Điền - A Lưới, trong đó khu vực đô thị trung tâm là đô thị Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía bắc của tỉnh; là cửa ngõ phía Bắc kết nối với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong.

Cùng với đó, huyện còn nằm trên ba hành lang kinh tế của tỉnh Thừa Thiên Huế, bao gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với quốc lộ 1 là trục chính, cao tốc Bắc Nam (Cam Lộ - La Sơn - Túy Loan), quốc lộ 49 B và đường ven biển gắn với hành lang kinh tế ven biển.

Hành lang kinh tế Đông - Tây kết nối liên thông 3 cụm Cảng biển phía Đông gồm Chân Mây, Thuận An, Phong Điền với hai cặp cửa khẩu biên giới Việt Lào ở phía Tây (gồm: A Đớt/Tà Vàng và Hồng Vân/Cô Tài) thông qua các quốc lộ (49, 49D, 49E, 49F).

Bên cạnh đó, gắn đường Hồ Chí Minh (kết nối các tỉnh vùng động lực miền Trung và Tây Nguyên) kết nối các nước Lào, Myanma, Thái Lan. Trong đó, ưu tiên đầu tư đường 71 từ cảng Phong Điền đến Cửa khẩu Hồng Vân thông qua QL 49F.

Hành lang kinh tế đô thị hướng biển và thúc đẩy liên kết vùng với Quảng Trị và TP Đà Nẵng với trục chính là đường ven biển, phát triển các tuyến đường tỉnh, các tuyến giao thông hiện đại (tàu điện, đường sắt tốc độ cao) hướng đô thị biển; kết nối TP Huế, thị xã Hương Thủy, Hương Trà và các đô thị ven biển. 

Ngoài ra, khu công nghiệp Phong Điền còn là một trong 3  trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh, khu công nghiệp sẽ phát triển khu công nghiệp, hình thành đô thị công nghiệp phía Bắc kết nối với tỉnh Quảng Trị.

 Huyện Phong Điền đầu nằm trên các trục giao thông quan trọng của tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế).

Hệ thống giao thông của huyện được quy hoạch ra sao?

Đối với hệ thống hạ tầng giao thông của huyện Phong Điền, đầu tiên phải kể đến đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là tuyến Cam Lộ - La Sơn.

Tuyến cao tốc này có điểm đầu tại Km 0+00 trùng với Km 10+380 quốc lộ thuộc địa phận xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị; điểm cuối tại Km 102+200 kết nối dự án La Sơn - Túy Loan thuộc địa phận xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Giai đoạn đầu khai thác, tuyến đường có 2 làn xe với mặt cắt ngang rộng 12 m, bề rộng nền 23 m, các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 23 m. Tuyến cao tốc qua TP Huế chạy song song với tuyến đường tránh thành phố.

Tuyến Cam Lộ - La Sơn hiện đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 mở rộng tuyến cao tốc để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí vốn triển khai.

Hai tuyến quốc lộ cũng đi qua địa bàn huyện Phong Điền là QL 1A và QL 49D. Theo Quy hoạch sử dụng đất huyện Phong Điền, huyện sẽ phát triển các hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ xã hội như các tuyến giao thông tầm quốc gia như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường ven biển, mở rộng QL 1A, và các tuyến hệ thống giao thông huyết mạch QL 49B, C, TL 6, 9, 11, 17,… sẽ được tiếp tục mở rộng theo lộ giới quy định.

 

 Cao tốc Cam Lộ - La Sơn. (Ảnh: Báo Thanh niên).

Một số dự án hạ tầng đáng chú ý như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt này  có quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm với chiều dài khoảng 1.545 km, lộ trình đầu tư trước năm 2030, trong đó, đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế có chiều dài khoảng 105 km.

Tuyến đường ven biển từ huyện Phong Điền - huyện Phú Lộc có tổng chiều dài 127 km, trong đó có một số đoạn trùng với tuyến QL 49B nên tổng chiều dài toàn tuyến hiện còn 85 km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.480 tỷ đồng.

Trong đó, riêng cầu mới xây dựng vượt cửa biển Thuận An (nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An) có chiều dài 1,5 km với kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng.

Danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề cập đến một số dự án hạ tầng của huyện Phong Điền như tuyến đường kết nối huyện Quảng Điền - thị xã Hương Tràtuyến đường huyện Quảng Điền kết nối với TP Huế.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tập trung phát triển cảng biển Điền Lộc trở thành một trong cảng biển lớn của tỉnh trong giai đoạn 2030 - 2050.

Loạt dự án bất động sản được quy hoạch tại huyện Phong Điền

Theo Danh mục dự án ưu tiên đầu tư của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Phong Điền của sự xuất hiện của hàng loạt dự án bất động sản thương mại - dịch vụ và du lịch như khu phức hợp du lịch, nghỉ dưỡng kết hợp khu dân cư Điền Hòa; trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp phía Bắc (Bàu Co).

Khu du lịch sinh thái và sân golf Thanh Tân; khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Quảng Công; khu du lịch nghỉ dưỡng, sân gôn cao cấp; khu du lịch nghỉ dưỡng, bảo tàng thiên nhiên và sân golf Ngũ Hồ; tổ hợp khu du lịch nghỉ dưỡng đô thị, sân golf Phong Điền.

Cùng với đó là loạt khu đô thị như khu dân cư - dịch vụ Khu công nghiệp Phong Điền; khu phức hợp du lịch, đô thị Điền Lộc; nhà ở xã hội Phong Hiền; khu nhà ở sinh thái khu vực Ngũ Hồ; khu đô thị du lịch ven biển Điền Lộc; khu dân cư Thương mại Hạ Cảng; khu đô thị sinh thái hồ cây Mang; khu dân cư sinh thái phía Tây thị trấn Phong Điền; khu dân cư thương mại khu vực An Lỗ; khu nhà ở mật độ thấp tại thị trấn Phong Điền.

Cũng theo Quy hoạch huyện Phong Điền thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về đất ở đô thị, thị trấn Phong Điền tập trung phát triển khu dân cư Trạch Thượng 2 khoảng 7 ha, khu dân cư Trạch Tả khoảng 6 ha, khu dân cư Tân Lập 4 ha và các khu xen ghép khoảng 4 ha; xã Phong An phát triển khu dân cư Thượng An khoảng 8 ha, khu dân cư Bàu Co khoảng 2,5 ha, khu dân cư Đông Lâm khoảng 7 ha.

Xã Phong Hiền phát triển thêm Khu dân cư khoảng 5 ha, Khu dân cư Bắc Thạnh khoảng 2 ha, Khu dân cư đường UBND xã đi Gia viên khoảng 6 ha; xã Phong Thu phát triển khu dân cư Đông Lái - Trạch Hữu khoảng 5 ha, khu dân cư Ưu Thượng khoảng 3 ha, khu dân cư Đông Lái đối diện Quế Lâm khoảng 2 ha.

Xã Phong Hòa phát triển khu dân cư Ba Bàu chợ khoảng 4 ha, các khu dân cư xen ghép khoảng 3 ha; xã Điền Hòa phát triển khu dân cư các thôn khoảng 10 ha; xã Điền Lộc phát triển Khu dân cư Nhì Đông khoảng 2 ha, khu dân cư trung tâm 2 ha, khu dân cư xen ghép các thôn khoảng 4 ha.

Xã Điền Hải phát triển khu dân cư xen ghép hai bên tuyến đường từ thôn 4 xã Điền Hải đi Thôn Hải Đông xã Phong Hải khoảng 2 ha, Khu dân cư xen ghép từ nhà Văn hóa thôn 8 đến kênh tưới Điền Hòa - Điền Hải khoảng 2 ha, khu dân cư xen ghép các thôn khoảng 3 ha; xã Phong Hải phát triển các khu dân cư xen ghép các thôn Hải Thành, Hải Thế, Hải Phú, Hải Đông, Hải Nhuận khoảng 7 ha.

Về đất ở nông thôn,  xã Phong Chương phát triển khu dân cư xen ghép các thôn khoảng 4 ha; xã Phong Bình phát triển khu dân cư thôn Hòa Viện khoảng 3 ha, khu dân cư thôn Vĩnh An khoảng 3 ha, khu dân cư thôn Siêu Quần 6 ha.

Xã Điền Hương phát triển khu dân cư trung tâm xã 2 ha, khu dân cư xen ghép các thôn 4 ha; xã Điền Môn phát triển khu dân cư thôn 2 Kế Môn 3 ha, Khu dân cư trên đường đi biển Trung Hải 2 ha, khu dân cư xen ghép các thôn 3 ha; xã Phong Sơn phát triển khu dân cư trung tâm xã 3 ha, khu dân cư Hiền sỹ 1 ha và khu dân cư xen ghép các thôn 3 ha.

Xã Phong Xuân phát triển khu dân cư đồi Lồng Bông 5 ha và khu dân cư xen ghép các thôn 3 ha; xã Phong Mỹ phát triển khu dân cư khu trung tâm 3 ha, khu dân cư xen ghép trong khu trung tâm 2 ha, khu dân cư Bản Hạ Long 5 ha.