Sàn Bitconnect phải ngừng hoạt động cho vay (lending) và giao dịch (exchange) là vì những lời cảnh báo từ chính quyền hai bang Texas và North Carolina (Mỹ). Hơn 6,6 triệu đồng BBC đang lưu thông, chỉ trong vòng 24 giờ đã rơi vào vòng xoáy sụt giảm tan nát.
Tại Việt Nam, việc đồng kỹ thuật số Bitconnect (BBC) rơi tự do về giá, sụt đến trên 90%, sang ngày hôm qua dù có khôi phục lại nhưng cũng sụt giảm trên 80% đã khiến cộng đồng người chơi BBC tại Việt Nam chao đảo. 50.000 thành viên của cộng đồng BBC Việt Nam có nguy cơ trắng tay với tổng tiền đầu tư hàng nghìn tỉ.
Theo các chuyên gia về tiền kỹ thuật số thì ở Việt Nam, bitconnect là một đồng tiền được rất nhiều người đầu tư dù bản chất bitconnect là nền tảng cho vay đa cấp khác với những đồng tiền kỹ thuật số khác như bitcoin.
Để thu hút người chơi, BBC đã đưa ra những chiêu thu hút cực… thơm. Cụ thể người tham gia mô hình này có thể nhận được mức lãi suất 30-40%/tháng (trung bình trên dưới 1%/ngày), cao hơn rất nhiều so với bất kỳ loại hình đầu tư nào. Chỉ trong vòng 2-3 tháng, người đầu tư vào bitconnect đã có thể thu hồi toàn bộ số vốn của mình.
Điều này cũng lý giải, trên mạng xã hội, group riêng về đồng tiền này có tới hơn 50.000 thành viên đang hoạt động. Trong hai tháng gần đây đã tăng khoảng 30.000 thành viên đã khẳng định sức hút khó cưỡng của BBC. Tất nhiên, nhà đầu tư nào cũng biết tiềm ẩn rủi ro từ BBC tương tự như các mô hình đa cấp và đã được dự báo từ rất lâu. Tiền không tự nhiên sinh ra, nên khi không tìm được những nhà đầu tư mới thì những nhà đầu tư cũ sẽ không nhận được tiền lãi và bong bóng sẽ vỡ. Tuy nhiên, vì lợi nhuận lên tới 40% mà người tham gia sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Một ngày 17.1 thảm họa của thị trường tiền ảo.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, chủ sàn lấy tiền đâu ra để trả cho các nhà đầu tư khi mỗi tháng phải trả lãi từ 30%-40%. Và điều mà người ta đã đề cập lâu nay là, khi nào đủ những “con cừu”, thì các sàn có nguy cơ “sập”. Việc tạm đóng cửa sàn bitconnect khiến cho thị trường tiền ảo cũng ảnh hưởng theo, rớt cả chục cho đến vài chục phần trăm. Thêm vào đó, những tuyên bố sẽ có giải pháp mạnh tay của chính quyền Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ kiểm soát mạnh hoạt động giao dịch tiền ảo, cũng đã khiến cho giá tiền ảo trên thị trường gặp lao đao. Bởi Trung Quốc và Hàn Quốc hiện nay là hai quốc gia có thị trường giao dịch tiền ảo nói chung và bitcoin nói riêng hàng đầu thế giới.
Trong suốt năm 2017, tiền ảo trong xu hướng tăng mà bitcoin là một điển hình, từ vài nghìn USD mỗi đồng đã có lúc tăng vượt ngưỡng 15.000USD, kéo theo làn sóng bầy đàn lướt sóng khá sôi động trong suốt năm 2017. Tuy nhiên, càng về cuối năm 2017, chính quyền một số quốc gia đã có những động thái mạnh mẽ kiểm soát thị trường này, khiến cho hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo càng gần với bất ổn. Và ngay cả một số người sáng lập tiền ảo, sàn giao dịch tiền ảo, cũng đã tung ra bán hết số lượng đang có mà không còn găm giữ. Điều đó cho thấy, ngay đối với những người “sừng sỏ” trong lĩnh vực này, cũng đã không nhiều thì ít mất niềm tin vào tương lai của tiền ảo.
Chỉ một động thái ở Mỹ, sàn bitconnect đóng cửa, dẫn đến dân đầu tư, lướt sóng ở bất cứ đâu - trong đó có ở Việt Nam - với đồng BBC, phải gánh chịu hậu quả là mất đi hơn 90% giá trị. Đây không chỉ là vấn đề quá rủi ro của một cách đầu tư lướt sóng, mà sự bất ổn chơi tiền ảo còn cho thấy thị trường này thiếu sự bảo đảm và các quy luật dựa trên những cơ sở về kinh tế xã hội. Người chơi cứ thế mà chơi, mong muốn kiếm lời, chứ cũng không thể trả lời được câu hỏi cuộc chơi của họ và những đồng tiền ảo họ đang sở hữu, có gì bảo đảm hay không?
Bitconnect nhận được lệnh đình chỉ hoạt động khẩn cấp từ Ủy ban Chứng khoán Texas.
Mặc dù có nguy cơ trắng tay, nhưng giới đầu tư đang “động viên nhau” đừng bán BBC bởi giá trị đã quá thấp. “Không nên “cắt lỗ” vì giảm 90 hay 100% cũng giống nhau cả thôi”- tài khoản T.S chia sẻ. Trong khi đó nhiều tài khoản tỏ ra thất vọng chia sẻ tấm ảnh đôi dép nằm “bơ vơ trên thành cầu” ý nói đã quá bế tắc khi bỗng nhiên mất cả trăm triệu đồng.
Nhưng cơn địa chấn tiền ảo dường như mới chỉ bắt đầu, bởi chính quyền một số nước tập trung các sàn giao dịch tiền ảo lớn cũng mới chỉ có động thái bắt đầu kiểm soát và ngăn chặn hoạt động cho vay, đầu tư và giao dịch tiền ảo mà thôi. Thế nhưng tại Việt Nam, ngay trong ngày 17.1, vẫn có không ít người chơi “hè” nhau bắt đáy để chở giá tiền ảo phục hồi. Trên thực tế, canh bạc này trong ngắn hạn có thể thắng, nhưng về lâu dài và đặc biệt với sự bất ổn và vô định của thị trường tiền ảo mà đa phần không được luật pháp các quốc gia công nhận, thì cũng sẽ đồng hành những diễn biến cũng như hệ quả khó lường.
Sàn bitconnect bị “sập”, có lẽ cũng mới chỉ là cảnh báo mạnh mẽ nhất trong chuỗi những cảnh báo thiệt hại sẽ còn tiếp diễn đối với người chơi theo phong trào tại Việt Nam.
Nguyên Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho rằng không nên xem tiền điện tử là phương tiện thanh toán. Cũng không nên coi tiền điện tử, tiền ảo là tài sản, bởi như chúng ta đã thấy, 95% người chơi thua và chỉ có 5% là thắng.
Còn mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan, trong đó, khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số nước (Mỹ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Kinh doanh 13:56 | 09/03/2020
Kinh doanh 21:56 | 31/12/2019
Kinh doanh 05:59 | 12/03/2019
Kinh doanh 06:00 | 11/03/2019
Kinh doanh 06:01 | 10/03/2019
Kinh doanh 06:00 | 09/03/2019
Kinh doanh 06:00 | 07/03/2019
Kinh doanh 06:00 | 06/03/2019