Theo Quyết định số 568 về Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, mạng lưới đường sắt TP HCM có 8 tuyến với tổng chiều dài 172,6 km. Các tuyến đi hướng xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô.
Tuyến số 1 có tên thương mại là Bến Thành - Suối Tiên, chiều dài khoảng 19,7 km với tổng mức đầu tư 43.757 tỷ đồng do JICA tài trợ và vốn đối ứng của TP HCM. Tuyến đường sắt số 1 đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức và TP Dĩ An. Bên cạnh đó, tuyến Metro số 1 cũng được nghiên cứu kéo dài tới TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) và tỉnh Bình Dương.
Đến nay, đã có 7 đoàn tàu trên tổng số 17 đoàn của Metro số 1 đã được nhập khẩu về nước, dự án hoàn thành 87% tổng khối lượng và dự kiến chạy thương mại vào năm 2022. Trước đó, theo kế hoạch công trình dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác cuối năm nay.
Trong quá trình xây dựng, Metro số 1 gặp vấn đề liên quan đến gối cầu cao su.
Cụ thể, hồi cuối tháng 10/2020, gối cao su dầm cầu cạn tại trụ P14-10 (đoạn ga Công nghệ cao, TP Thủ Đức) của gói CP2 thuộc dự án Metro số 1 bị rơi ra ngoài. Việc này đã khiến đường ray đã lắp phía trên bị hỏng và mất liên kết với hệ thống đỡ phía dưới, bê tông đệm đường ray ở vị trí này cũng bị nứt.
Sau đó, cuối tháng 12/2020 thêm hai gối cầu khác bị lệch khỏi vị trí tại trụ P12-34 (đoạn cầu cạn nằm giữa ngã tư Thủ Đức và Bình Thái). Vào hồi tháng 4 năm nay, MAUR tiếp tục phát hiện thêm 4 gối cao su trên gói thầu CP2 bị xê dịch khỏi đá kê gối 7mm và 11mm không rõ nguyên nhân.
Toàn bộ gói thầu CP2 có khoảng 1.168 gối cao su. Nhà sản xuất gối cầu được phê duyệt là tập đoàn Mageba (Hàn Quốc) và Kawakin (Nhật Bản).
Cuối tháng 6/2021, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh thuê tư vấn độc lập nhằm điều tra sự cố gối cầu tuyến Metro số 1, sau 8 tháng chưa rõ nguyên nhân.
Gần đây, Liên danh NJPT đã thông báo, từ ngày 2/7, tạm dừng làm việc tại văn phòng, ngoại trừ các nhân viên thực hiện quy trình nội bộ và ngưng trao đổi thông tin qua văn bản hoặc thư điện tử với chủ đầu tư cùng các nhà thầu dự án. Giám đốc và quản lý dự án của NJPT cũng từ chối ký các hồ sơ liên quan dự án.
Tư vấn NJPT là đơn vị đại diện và chủ đầu tư là MAUR rà soát vật liệu, đề xuất biện pháp thi công, phê duyệt hồ sơ thanh toán... cho dự án Metro số 1. Hiện, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đang hoàn tất các thủ tục để ký kết Phụ lục Hợp đồng số 19.
Hôm qua 17/7, tư vấn chung NJPT ra thông báo tạm ngưng công việc do chưa đáp ứng được yêu cầu phòng dịch "3 tại chỗ" của UBND TP HCM.
Theo quy hoạch, tuyến đường sắt số 2 có tên thương mại là Bến Thành - Tham Lương chiều dài khoảng 48 km, được chia làm ba giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2 và giai đoạn 3 vẫn chưa được xây dựng và đang trong quá trình hoàn thiện lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi toàn tuyến.
Đường sắt Metro số 2 giai đoạn 1 đi qua các quận: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú với tổng chiều dài khoảng 11,3 km (9,3 km đi ngầm và 2 km đi trên cao), hiện đang trong quá trình giải phóng mặt bằng.
Tuyến có có tổng 10 nhà ga, trong đó 9 nhà ga ngầm và một nhà ga trên cao. Dự án đã hoàn thành xây dựng tòa nhà văn phòng và các công trình phụ trợ tại depot Tham Lương.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP HCM (MAUR), đến tháng 6/2021, các quận huyện đã cơ bản bàn giao mặt bằng, hoàn tất thủ tục bồi thường mặt bằng liên quan đến tuyến Metro số 2 giai đoạn 1. Cụ thể, có 601/603 trường hợp nhận quyết định bồi thường, đạt 99,67%, trong đó các quận 1, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú đã đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng toàn dự án đạt khối lượng 78,61% (474/603 trường hợp).
MAUR cho biết trong năm 2021, tuyến Metro Bến Thành - Tham Lương sẽ có đủ mặt bằng toàn dự án và tiến tới khởi công vào năm 2022.
Metro số 2 còn hai đoạn nữa gồm tuyến đến bến xe An Sương và Tây Bắc Củ Chi.
Cụ thể, Metro số 2 giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương - Bến xe Tây Ninh có tổng chiều dài khoảng 9,1 km (4,2 km đi ngầm và 4,9 km đi trên cao); có 9 ga (6 ga ngầm và 3 ga trên cao); tổng mức đầu tư (ước tính) khoảng 1,482 tỷ USD.
Giai đoạn 3 của Metro số 2 là đoạn Bến xe Tây Ninh – Khu Tây Bắc Củ Chi với chiều dài khoảng 28 km (đi trên cao), gồm 22 ga trên cao và có tổng mức đầu tư (ước tính) khoảng 2,714 tỷ USD.
Như vậy, tuyến Metro Bến Thành - Tham Lương (dài 11,3 km) sau khi nối tuyến đến bến xe An Sương (dài khoảng 9,1 km) và Tây Bắc Củ Chi (khoảng 28 km) sẽ có chiều dài 48km - là tuyến metro xuyên tâm dài nhất TP HCM.
Tuyến Metro số 3A có tên thương mại là Bến Thành - Tân Kiên với tổng chiều dài khoảng 19,8 km. Tuyến này sẽ đi qua Bến Thành – Phạm Ngũ Lão – Ngã 6 Cộng Hòa – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – depot Tân Kiên – ga Tân Kiên. Tuyến được chia làm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư 68.000 tỷ đồng.
Cụ thể, giai đoạn 1 (Bến Thành - Bến xe Miền Tây) có chiều dài khoảng 10 km, trong đó 8,3 km đi ngầm và 1,7 km đi trên cao. Đoạn từ Bến Thành - Bến xe Miền Tây sẽ sử dụng chung depot Long Bình với tuyến Metro số 1.
Đối với giai đoạn 2 (Bến xe Miền Tây - ga Tân Kiên) có chiều dài là 9,8 km đi trên cao. Depot Tân Kiên dự kiến được đặt tại huyện Bình Chánh với diện tích 20,15 ha.
Theo thiết kế quy hoạch, tuyến Metro số 3A sẽ kết nối với các tuyến Metro số 1, số 2 và số 4 tại ga Bến Thành. Ngoài ra, dự án đang được đề xuất kéo dài tới TP Tân An, tỉnh Long An đi dọc Quốc lộ 1 và dự kiến xây dựng sau năm 2030.
Tuyến Metro số 3B có hướng tuyến đi từ Ngã 6 Cộng Hòa - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 - Hiệp Bình Phước với chiều dài khoảng 12,1 km. Tuyến được nghiên cứu kết nối với thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc quốc lộ 13, kết nối với tuyến Metro số 1 của tỉnh Bình Dương.
Tuyến số 3B có chiều dài khoảng 12,1 km, trong đó 9 km đi ngầm và 3,1 km đi trên cao. Số lượng ga toàn tuyến là 10 ga, gồm 8 ga ngầm và 2 ga trên cao. Depot đặt tại Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức với diện tích khoảng 20 ha.
Tuyến Metro số 4 là tuyến đường sắt đô thị dài thứ hai trong số 8 tuyến đường sắt đô thị thành phố. Tuyến vận chuyển hành khách xuyên tâm dọc theo các khu dân cư đông đúc nhất của thành phố, qua khu vực Bến Thành theo trục Bắc Nam. Tuyến có chiều dài 36,2 km, trong đó 19,9 km đi trên cao và 16,3 km đi ngầm.
Tuyến Metro số 4 có hướng tuyến đi từ Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trung - Bến Thành - Nguyễn Thái Học -Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước. Hai Depor được đặt tại Thanh Xuân và Hiệp Phước với diện tích lần lượt 27 ha và 20 ha.
Dự án Metro số 4 đã lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình, lập hồ sơ cắm mốc giới và bàn giao cho địa phương để quản lý quy hoạch.
Đối với tuyến Metro số 4B, đây là nhánh kết nối tuyến Metro số 4 và số 5, có chiều dài khoảng 3,2 km. Tuyến có điểm đầu là ga Công viên Gia định (tuyến số 4) đi theo Nguyễn Thái Sơn - Hồng Hà - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Công viên Hoàng Văn Thụ - Ga Lăng Cha Cả (tuyến số 5).
Hiện, cả hai tuyến số 4 và 4B đều đang trong giai đoạn hoàn thành nghiên cứu xây dựng và kêu gọi đầu tư.
Tuyến đường sắt số 5 có chiều dài khoảng 26 km, đi từ bến xe cần Giuộc mới - quốc lộ 50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn. Dự án được chia làm hai giai đoạn thực hiện:
Giai đoạn 1 (Cầu Gài Gòn - Ngã tư Bảy Hiền) có chiều dài khoảng 8,9 km với 7,46 km đi ngầm và 1,43 km trên cao). Depot mini được đặt tại công viên Hoàng Văn Thụ rộng 2 ha. Hiện, giai đoạn 1 đang được thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Giai đoạn 2 (Ngã 4 Bảy Hiền - Bến xe Cần Giuộc mới) có chiều dài 14,5 km với 7,46 km đi ngầm và 1,43 km trên cao, depot đặt tại Đa Phước rộng 20 ha. Hiện tuyến Metro số 5 giai đoạn 2 đang được nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thay vì vốn ODA.
Tuyến Metro số 5 giai đoạn 2 cùng với tuyến Metro số 5 - giai đoạn 1 sẽ kết nối với tuyến Metro số 1 và tuyến Metro số 2 tạo thành một hệ thống vận chuyển hành khách trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao nhất thành phố và kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo quy hoạch, tuyến Metro số 6 có hướng tuyến đi từ Bà Quẹo tới Âu Cơ - Lũy Bán Bích - Tân Hòa Đông - Vòng xoay Phú Lâm, chiều dài khoảng 5,6 km. Tuyến có tổng 7 ga ngầm và dùng chung depot Tham Lương với tuyến số 2.
Tuyến Metro số 6 sẽ kết nối tuyến số 2 và tuyến số 3A để vận chuyển hành khách từ cửa ngõ các tỉnh miền Tây đi khi Tây Bắc thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất. Việc lập dự án xây dựng của tuyến Metro số 6 đã hoàn thành và chuẩn bị kêu gọi đầu tư trong giai đoạn tới.