Báo Đồng Nai dẫn thông tin từ Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ngô Thế Ân, trong năm 2021, địa phương có 9 dự án giao cho Ban Quản lý làm chủ đầu tư phải đề xuất UBND tỉnh giảm kế hoạch vốn năm với số tiền khoảng 390 tỷ đồng.
Nguyên nhân do vướng công tác giải phóng mặt bằng, chủ đầu tư không có đất sạch để thi công dự án nên không thể giải ngân kịp tiến độ.
Đây đều là những dự án trọng điểm của tỉnh, chuyển tiếp từ những năm trước sang và được ưu tiên vốn để triển khai.
Trong đó, có 6 dự án vướng mặt bằng do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng kéo dài với số vốn đề xuất giảm hơn 149 tỷ đồng.
TP Biên Hòa có 4 dự án gồm xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên hương lộ 2 nối dài; dự án Đầu tư xây dựng hương lộ 2 nối dài; dự án Chống ngập suối Chùa, suối bà Lúa, suối Cầu Quan; dự án mở rộng trùng tu và tôn tạo di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.
Đối với dự án cầu Vàm Cái Sứt, trong năm 2021, nguồn vốn được bố trí hơn 86 tỷ đồng, giải ngân gần 74 tỷ đồng, đạt hơn 85% kế hoạch vốn được giao.
Đến nay, dự án đã thực hiện giải ngân được khoảng 43 tỷ đồng, đạt khoảng 18,5% so với khối lượng gói thầu.
Để có thể giải ngân được số vốn theo dự kiến, dự án cần được bàn giao phần mặt bằng còn lại của một hộ dân trong tháng 7.
Trong 9 dự án đề xuất giảm vốn, huyện Vĩnh Cửu có một dự án là cải tạo nâng cấp đường tỉnh 769 đoạn từ cầu vượt Thủ Biên đến giao với đường tỉnh 767 (huyện Vĩnh Cửu).
Dự án hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong tại huyện Long Thành.
Bên cạnh đó, có hai dự án là nâng cấp đường Tà Lài - Trà Cổ (huyện Định Quán) và xây dựng tuyến đường Cao Cang (huyện Định Quán) đề xuất được chuyển kế hoạch vốn về huyện, vì huyện được giao làm chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng, số vốn trên 137 tỷ đồng.
Một dự án phải giảm vốn không thể giải ngân là hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Biên Hòa giai đoạn 1, sử dụng vốn nước ngoài hơn 104 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tạm thời chưa đồng ý cho triển khai các bước tiếp theo của dự án này.