'Ai mất GPLX phải thi lại': Đừng đánh đồng người ngay, kẻ gian!

Về đề xuất "ai mất GPLX đều phải thi lại" của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, các chuyên gia giao thông cho rằng đừng đánh đồng người ngay, kẻ gian và cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm.
Ai mất GPLX phải thi lại: Đừng đánh đồng người ngay, kẻ gian! - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Tạp chí Kiểm sát).

Đừng đánh đồng người mất GPLX thực sự với kẻ gian dối

Mới đây, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề nghị "ai mất GPLX đều phải thi lại" gây xôn xao dư luận.

Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng việc mất GPLX là điều đáng tiếc với người dân.

"Người dân mất GPLX do sơ ý, mất trộm, hỏa hoạn, thiên tai... thì đáng lẽ phải tạo điều kiện cho họ được cấp lại để tiếp tục hành nghề, lưu thông. Trong khi đó, nếu như cứ mất GPLX là bắt người dân thi lại là rất vô lí, đánh đồng người mất thực sự với kẻ gian đối", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, trên thực tế, có người bị CSGT tước GPLX do vi phạm. Sau đó, những người này báo mất và được cấp lại.

"Tuy nhiên, tại sao cơ quan nhà nước không xác minh được mất GPLX thực sự hay bị tước bằng? Đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Điều này cho thấy Bộ GTVT và Bộ Công an đang không có sự phối hợp với nhau", ông Thanh phân tích.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, việc người dân mất GPLX xử lí rất đơn giản: "Nếu Bộ Công an không chủ động thông tin, Bộ GTVT chủ động thông báo và đề nghị xác minh trong một khoảng thời gian nhất định.

Sau khoảng thời gian này, nếu như người dân mất thật mà không phải bị giữ bằng thì cần cấp lại. Còn nếu phía CSGT thông tin là đang giữ GPLX thì cần có hình thức xử lí thật nặng với người báo mất giả để xin cấp lại".

Đồng quan điểm với chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM cũng cho rằng việc mất GPLX có "người ngay, kẻ gian".

Ai mất GPLX phải thi lại: Đừng đánh đồng người ngay, kẻ gian! - Ảnh 2.

Nếu mất bằng lái xe mà phải đi thi lại sẽ gây rất nhiều phiền hà cho giới tài xế, nhất là đối với bằng lái hạng cao.

"Chúng ta không thể đánh đồng hai trường hợp này. Nhà nước phải có biện pháp quản lí như thế nào với trường hợp mất GPLX, xin cấp lại... Thời buổi công nghệ 4.0, rõ ràng các cơ quan quản lí nhà nước có nhiều biện pháp. Nếu người dân bị mất thực sự mà bắt đi thi lại thì... oan quá.

Trong khi đó, chúng ta đang có chủ trương giảm, cải cách thủ tục hành chính. Việc bắt tất cả người dân mất GPLX thi lại là tăng phiên hà", ông Quản cho biết thêm.

Quản lý kém nhưng đẩy khó cho người dân

Chia sẻ vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử- Tin học EEI, thẳng thắn nhìn nhìn đề xuất của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể về việc "mất bằng lái phải thi lại" không hợp tình và lý.

Theo ông Phúc, mỗi người sinh ra và lớn lên có nhiều bằng cấp. Việc mất bằng cũng là chuyện thường tình với nhiều nguyên nhân bất khả kháng.

"Quan điểm của tôi thấy đề nghị này quá vô lý. Thử nghĩ đi, rất nhiều anh em lái xe bỏ rất nhiều thời gian, công sức đi học rồi, giờ mất bằng lái tự nhiên phải thi lại thì sẽ gây lãng phí về tiền bạc, thời gian, nhất là đối với những bằng lái xe hạng cao", ông Phúc nói.

Ông chỉ rõ, các cơ quan chức năng đã bỏ rất nhiều chi phí để xây dựng kho dữ liệu, phần mềm để quản lý những người được cấp bằng lái xe rồi. Tại sao không sử dụng các phần mềm để có thể giám sát việc sử dụng bằng lái và các vi phạm nếu có?

"Tôi chưa bao giờ nghe nói việc mất bằng phải đi thi lại. Tại sao người đứng đầu ngành giao thông cả nước lại đưa ra đề xuất máy móc như vậy? Như tôi mất bằng cấp 3, giờ đi làm người ta đòi bằng thì phải quay lại trưởng để học sao?", ông bức xúc.

Đồng quan điểm, ông Võ Quốc Bình - TGĐ Tập đoàn Bình Minh cho rằng: "Điều Bộ trưởng nói thuộc về quản lý nhà nước. Anh quản lý yếu kém hay có kẽ hở mới có gian lận, nghĩa là anh chưa làm tròn trách nhiệm quản lý của mình thì sao lại đẩy hậu quả cho người dân chịu", ông Bình nói.

Ông Bình đặt câu hỏi trường hợp những đối tượng gian lận đó chiếm bao nhiêu phần trăm so với những trường hợp mất thật sự? Rồi lại đẻ ra bao nhiêu chi phí, học phí, lệ phí... thi lại, chưa kể tốn thời gian của người dân.

Chia sẻ thêm vấn đề này, đại diện một doanh nghiệp vận tải lớn ở Sài Gòn cũng không đồng tình với đề xuất của lãnh đạo Bộ GTVT.

"Cá nhân tôi cho rằng đề xuất này gây phiền hà cho người dân. Theo đề xuất thì tài xế họ phải đi học và thi lại mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chén cơm gia đình và hoạt động của doanh nghiệp"- vị đại diện thắng thắn nói.

Trong quá trình hoạt động, anh em tài xế lỡ mất bằng lái là việc không ai muốn. Nếu theo đề xuất thì tự nhiên không công nhân tay nghề của họ nữa thì không thực tế, máy móc"- vị đại diện nhấn mạnh.

Bộ GTVT yêu cầu xử lí hành vi gian dối, cố tình báo mất GPLX

Trong một diễn biến liên quan đến đề nghị "ai mất giấy phép lái xe đều phải thi lại", Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể vừa kí ban hành Văn bản số 2067/BGTVT-TCCB yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN khẩn trương đề xuất giải pháp siết chặt quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

Văn bản do Bộ trưởng Thể kí, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX trong cả nước.

Đáng chú ý, Bộ trưởng GTVT yêu cầu tổ chức rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng GPLX nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại GPLX, hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX với mục đích sở hữu đồng thời nhiều GPLX.

"Đối với những trường hợp nghi ngờ như xin cấp lại GPLX nhiều lần, cần kịp thời kiểm tra, xác minh để xử lý theo đúng quy định của pháp luật", Bộ GTVT yêu cầu.

Ngoài ra, Bộ trưởng GTVT cũng yêu cầu phối hợp với Cục CSGT để kết nối, cập nhật thông tin vi phạm của các lái xe vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung trên toàn quốc, nhằm xác định nhanh và xử lý kịp thời đối với lái xe bị cơ quan chức năng thu giữ GPLX do vi phạm.

"Đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm siết chặt công tác cấp lại GPLX đã mất theo đúng quy định của pháp luật, nhằm ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách để xin cấp lại GPLX không đúng quy định.

Đề xuất các các giải pháp xử lý vi phạm đối với hành vi gian dối, cố tình báo mất để xin cấp lại GPLX, trong đó có giải pháp sát hạch trước khi cấp lại GPLX", văn bản nêu rõ.

Mất giấy phép lái xe có phải thi lại không?Mất giấy phép lái xe có phải thi lại không? "Ai mất giấy phép lái xe đều phải thi lại" là đề nghị xâm phạm quyền, lợi ích người dân 'Ai mất giấy phép lái xe đều phải thi lại' là đề nghị xâm phạm quyền, lợi ích người dân Mất giấy phép lái xe phải thi lại: Vô lýMất giấy phép lái xe phải thi lại: Vô lý
chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.