Ám ảnh vì sinh mổ

Con gái mình hiện giờ đã 2 tuổi, nhưng mỗi khi nghĩ lại thời điểm sau khi sinh mổ, mình vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh vì sợ.

Hí hửng lựa chọn sinh mổ

Khi bắt đầu mang thai bé Bông, mình đã tham khảo hết các phương pháp sinh đẻ từ các bà, các mẹ và các diễn đàn của các chị em phụ nữ trên mạng Internet xem phương pháp sinh nào an toàn nhất. Tham khảo từ nhiều luồng ý kiến thì mình thấy sinh mổ có nhiều ưu điểm và bắt đầu nhen nhóm ý định sinh Bông theo cách này.

Thứ nhất: Sinh mổ sẽ lựa chọn được ngày giờ sinh đẹp cho bé (hai bên nội ngoại nhà mình khá quan tâm đến vấn đề này, âu cũng là quan niệm tâm linh của người Việt nói chung).

Thứ hai: Sinh mổ sẽ bớt đau hơn sinh thường (vì được gây tê tủy sống nên không có cảm giác đau trong lúc phẫu thuật)

Thứ ba: Sinh mổ nhằm…giữ gìn hạnh phúc gia đình, mình nghe khá nhiều bạn sau khi sinh thường phàn nàn về vấn đề “gần gũi” của vợ chồng kém mặn nồng, do “cơ quan” của vợ bị giãn ra và khó phục hồi nguyên trạng.

Vì những nguyên do khá hợp lý trên, cộng với việc sức khỏe của mình không được tốt, khung xương chậu hẹp, người thấp nhỏ nên mình đã đề nghị bác sỹ chỉ định sinh mổ để giữ an toàn cho hai mẹ con.

am anh vi sinh mo
Quả thực lúc ấy mình đã rất hí hửng khi nghĩ đến chuyện sinh mổ.

Hãi hùng sau khi lên bàn mổ

Cho đến giờ mình vẫn chưa hết hoảng sợ khi nghĩ đến quá trình sinh mổ của mình tại bệnh viện. Sau khi làm các thủ tục xét nghiệm cần thiết và vệ sinh sạch sẽ cơ thể. Mình được đưa vào phòng mổ.

Mọi việc trước và trong khi mổ khá ổn, mình được gây tê tủy sống và các bác sỹ tiến hành mổ để lấy em bé ra. Mọi thao tác rạch của bác sỹ mình vẫn cảm nhận được, tuy không đau và có một chiếc khung vải che trước mặt nhưng vẫn có cảm giác toát mồ hôi hột, lạnh tứ chi và tim đập nhanh hơn bình thường. Sau hơn mười phút em bé được “sinh” ra trong miền hạnh phúc vỡ òa của người lần đầu được làm mẹ. Lúc ấy, mình rất bình tĩnh và vẫn chưa cảm nhận được thế nào là “đau đẻ”.

Thế nhưng chỉ khoảng hơn một tiếng sau, khi đã hết thuốc tê thì mình mới cảm nhận được cơn đau kinh khủng khiếp do vết mổ và cơn cơ dạ con gây ra. Trong cuộc đời, chưa bao giờ mình có cảm giác đau đớn tột cùng về thể xác như vậy. Có thể mỗi người có một sức chịu đựng hoặc “ngưỡng” chịu đau riêng, với mình thì thực sự tưởng như…sắp chết.

Mình nằm bất động, chịu đựng cơn đau do vết mổ 15cm phía dưới bụng, cộng với cơn co dạ con, và ngực căng cứng vì sữa non về con không bú được vì tắc tuyến sữa do tiêm và truyền quá nhiều kháng sinh. Mình sốt cao đến gần 39,5 độ, người nóng bừng và khô hết miệng, cơn đau cứ dồn đến liên tục làm mình tái hết mặt, tay chân run rẩy, miệng cứ ú ớ rên rỉ vì không chịu nổi (mặc dù bác sỹ đã tiêm cho 1 mũi giảm đau). Trong khoảng thời gian kinh hoàng đó, nhìn các mẹ sinh thường đã hồi phục và bế con trên tay cho bé bú, mình thực sự đã ân hận vì lựa chọn sinh mổ.

Nên lựa chọn theo lời khuyên của bác sỹ

Cơn đau rồi cũng qua đi, mình phải tập đi lại từng bước, mỗi lần bước vết mổ lại nhói lên đau khủng khiếp, rồi chuyện vệ sinh cá nhân cũng không thể tự làm được mà phải nhờ người thân. Ba ngày sau, tuyến sữa mới hết tắc sau bao nhiêu phương pháp kích thích mà đến giờ mình nghĩ lại vẫn thấy ám ảnh.

Sau gần một tháng thì vết mổ của mình cũng lành, tuy vậy do cơ địa sẹo lồi nên mặc dù đã ăn kiêng nhưng vẫn để lại một vết sẹo lồi rất xấu xí. Đến tân bây giờ thi thoảng mình vẫn còn cảm thấy ngứa nơi vết mổ. Và bác sỹ khuyên nếu muốn sinh con thứ hai thì nên đợi từ 3-5 năm cho cơ thể ổn định, và nếu có sinh bé thứ hai thì bắt buộc vẫn phải sinh mổ.

Tuy vậy chỉ nghĩ đến lúc hậu... sinh mổ lần đầu, mình vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.