Theo Nikkei, Công ty GoerTek đến từ Trung Quốc, một trong những nhà sản xuất theo hợp đồng quan trọng của Apple, sẽ bắt đầu thử nghiệm quy trình sản xuất thế hệ AirPods mới nhất tại nhà máy ở Việt Nam trong thời gian tới.
Điều này đánh dấu cột mốc đặc biệt, lần đầu tiên chiếc tai nghe không dây đến từ thương hiệu "quả táo" được sản xuất bên ngoài xứ tỉ dân.
AirPods thế hệ mới sẽ được sản xuất thử nghiệm tại Việt Nam. (Ảnh: Nikkei).
Theo thông tin được cung cấp bởi Nikkei Asian Review, Apple đã gửi thư cho các nhà cung cấp linh kiện, để yêu cầu hỗ trợ Goertek, mặc dù khối lượng ban đầu rất nhỏ.
"Các nhà cung cấp được yêu cầu giữ giá không đổi cho giai đoạn sản xuất thử nghiệm, nhưng điều này có thể được xem xét sau khi khối lượng tăng lên. Sản lượng ban đầu sẽ bị hạn chế, nhưng khi các quy trình hoạt động đã đi vào ổn định, việc tăng công suất không có gì là khó khăn", đại diện của hãng cho biết.
Những chiếc Earpods có dây trước đây của Apple - tiền thân của AirPods ngày nay, vốn được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, AirPods hiện lại chỉ được sản xuất tại Trung Quốc bởi các nhà cung cấp Inventec, Luxshare-ICT và GoerTek.
Nguyên nhân khiến gã khổng lồ về công nghệ đến từ California chuyển hướng được Nikkei giải thích: Những lợi thế về chi phí và nhân lực tại Trung Quốc bắt đầu giảm dần.
AirPods là tai nghe không dây bán chạy nhất thế giới, chiếm 60% thị trường và mở ra một danh mục điện tử tiêu dùng mới, ra mắt vào cuối năm 2016.
Đây được đánh giá là sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất của Apple, đạt 35 triệu lô hàng vào năm ngoái so với 20 triệu trong năm 2017.
Samsung, Huawei và các thương hiệu truyền thống khác như Jabra và Bose đều đã chạy đua để cạnh tranh trong phân khúc tai nghe không dây.
Sản lượng bán ra của tai nghe không dây trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 48 triệu đôi trong năm 2018 lên 129 triệu đôi vào năm 2020, theo Counterpoint.
Táo khuyết đang tìm kiếm thêm nguồn cung ứng 15-30% sản lượng tai nghe không dây bên ngoài xứ tỉ dân. Tuy nhiên, Apple không cắt giảm khối lượng sản xuất ở đất nước có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, mà chỉ đa dạng hóa sang những quốc gia khác.
Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng tại Viện nghiên cứu kinh tế Đài Loan, cho rằng: "Apple sẽ chỉ tăng sản lượng ở các nước bên ngoài. Việc giảm sản lượng tại Trung Quốc là quá nhạy cảm và mạo hiểm đối với Apple, cũng như đối với các nhà cung cấp khác".
"Hơn nữa, đa dạng hóa ban đầu sẽ liên quan đến việc vận chuyển một số hàng hóa bán thành phẩm sang một quốc gia thứ ba để lắp ráp, chứ không làm tất cả mọi thứ từ đầu đến cuối", ông Chiu nói thêm.
Apple rất nhạy cảm với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, bởi đây là đất nước được coi là trụ cột cho thành công của họ trong nhiều thập kỉ gần đây. Bắc Kinh đã có sự ủng hộ mạnh mẽ cho các cơ sở sản xuất của Apple, hỗ trợ "một cách hào phóng" cho các nhà máy, từ cơ sở hạ tầng cho đến chi phí năng lượng và nhân lực.
Tuy nhiên, khi tỉ lệ sinh của Trung Quốc thấp đi, chi phí lao động ngày một tăng, kết hợp với căng thẳng thương mại kéo dài giữa Washington và Bắc Kinh đã khiến Apple phải xem xét lại sự phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc.
Việt Nam nổi lên như một "sự thay thế mạnh mẽ", nhờ sự gần gũi về địa lí với Trung Quốc, có lợi cho logistics, chi phí thấp hơn, nhưng lao động có tay nghề cao.
Tuy nhiên, Nikkei đánh giá lực lượng lao động của Việt Nam bị hạn chế khi chỉ bằng 1/10 so với Trung Quốc, và đã có dấu hiệu thiếu hụt lao động tiềm năng. Chi phí lương tại đây cũng đang có chiều hướng tăng, khi nhiều công ty chuyển tới để thoát khỏi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Karen Ma, một nhà phân tích chuyên về các thị trường mới nổi tại Viện nghiên cứu công nghệ công nghiệp, cho biết: "Nhiều tập đoàn công nghệ đang chuyển hướng tăng sản xuất tại Việt Nam để tránh thuế quan, vì gần với Trung Quốc và có chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh so với các nước Đông Nam Á khác. Song, nhiều công ty đang lo ngại thị trường Việt Nam có thể phát triển nóng, và sẽ sớm thiếu lao động, cũng như chi phí sản xuất ngày càng cao".