Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: 'Tòa cưỡng ép li hôn, không cho gia đình tôi đoàn tụ'

Cho rằng HĐXX sơ thẩm "cưỡng ép" li hôn, không cho gia đình mình đoàn tụ và có phần thiên vị ông Vũ, bà Thảo kháng cáo đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 18/4, TAND Cấp cao tại TP HCM cho biết cơ quan này đã nhận toàn bộ hồ sơ vụ "li hôn nghìn tỉ" giữa nguyên đơn là Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên).

Trước đó, ngày 5/4, bà Thảo đã gửi đơn kháng cáo, xin được đoàn tụ với ông Vũ. Người phụ nữ cho rằng bản án sơ thẩm đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Cụ thể, theo bà Thảo, tại phiên tòa sơ thẩm, bà đã quyết định rút đơn li hôn. "Thế nhưng, tòa sơ thẩm bất chấp pháp luật thực hiện thủ đoạn để cưỡng ép li hôn, không cho gia đình tôi đoàn tụ", bà Thảo nêu trong đơn kháng cáo.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Tòa cưỡng ép li hôn, không cho gia đình tôi đoàn tụ - Ảnh 1.

Bà Thảo và ông Vũ cùng kháng cáo bản án sơ thẩm.

Ngoài ra, bà này cho rằng tòa đã "cố ý làm trái" qui định tại Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình về việc chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh: vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ khi pháp luật về kinh doanh có qui định khác. 

"Tòa đã tước đoạt quyền luật định của tôi để đẩy tôi ra khỏi Trung Nguyên, tước bỏ quyền của một cổ đông có tỉ lệ cổ phần lớn trong Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty trực thuộc", bà nêu.

Ngoài ra, bà Thảo còn chỉ ra điểm bất cập khi tòa sơ thẩm cho rằng số ngoại tệ cùng tiền mặt tương đương hơn 1.764 tỉ đồng là tài sản chung nhưng không thu thập các chứng cứ về thời điểm, căn cứ tạo lập. Đồng thời, tòa cũng không tổ chức hòa giải về yêu cầu phản tố đòi chia khoản tiền này của ông Vũ.

Từ đó, bà Thảo cho rằng việc tòa đứng ra giải quyết yêu cầu chia khoản tiền hơn 1.764 tỉ đồng là bất chấp qui định.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Tòa cưỡng ép li hôn, không cho gia đình tôi đoàn tụ - Ảnh 2.

Bà Thảo cho rằng tòa vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Bà còn cho rằng HĐXX đã đánh giá "sai lệch" và "thiên vị" cho ông Vũ về quá trình tạo lập Trung Nguyên và phủ nhận công sức đóng góp của bà. Bản án sơ thẩm không khách quan khi đánh giá vai trò của bà và ông Vũ trong thời gian 5 năm ông Vũ lên núi thiền định.

Ngoài ra, bà Thảo cũng cho rằng tòa còn nhiều vi phạm tố tụng và nhận định nội dung vụ án mang tính suy diễn thiếu căn cứ nên bà sẽ trình bày trong đơn kháng cáo bổ sung. Từ đó, nguyên đơn đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm của TAND TP HCM.

Cũng có đơn kháng cáo, nhưng ông Vũ yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo như ông đề xuất, với tỉ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30%.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Tòa cưỡng ép li hôn, không cho gia đình tôi đoàn tụ - Ảnh 3.

Ông Vũ muốn được chia 70% cổ phần chung tại Trung Nguyên.

Đồng thời, VKS cũng có kháng nghị theo hướng hủy toàn bộ bản án. Bởi cơ quan công tố cho rằng tòa không giải quyết đúng thủ tục như không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải trước khi mở phiên toà, mà lồng ghép việc này trong quá trình xét xử, không được sự chấp nhận của bà Thảo là vi phạm nghiêm trọng Điều 48, 202, 203, 208 và 210 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 .

VKS còn chỉ ra việc tòa sơ thẩm phân chia khối tài sản chung của hai vợ chồng nhà sáng lập "đế chế Trung Nguyên" là 7 công ty thuộc tập đoàn này theo tỉ lệ 6-4 là không phù hợp với khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình.

Đặc biệt, việc tòa giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ số cổ phần tại các công ty và thanh toán khoản chênh lệch cho bà Thảo là không công bằng, đã tước mất các quyền của bà này theo quy định tại điều 110 Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2014.

Bởi, cổ phần chưa được tính giá trị, giá trị thương hiệu, ngoài ra cổ đông còn có các quyền quản trị công ty, quyền tài sản đối với cổ phần, quyền được chia cổ tức, quyền về thông tin kiểm soát trong công ty.

Bà Thảo và ông Vũ có 4 người con. Năm 2015, bà Thảo đơn phương xin li hôn vì cả hai đã phát sinh mâu thuẫn trầm trọng.

Sau nhiều lần hòa giải không thành, TAND TP HCM đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Ngày 27/3, HĐXX đã chấp nhận cho ông Vũ và bà Thảo li hôn.

Tòa giao 4 con chung cho bà Thảo chăm sóc; ông Vũ có trách nhiệm cấp dưỡng 10 tỉ đồng/năm nuôi 4 người con. Thời gian cấp dưỡng từ năm 2013 cho đến khi 4 người con trưởng thành, tự làm ra tiền để nuôi mình.

Về tài sản là cổ phần tại Trung Nguyên và các công ty thuộc tập đoàn này, tòa quyết định cho ông Vũ hưởng 60%, bà Thảo 40%. Theo đó, ông Vũ được quyền nắm giữ toàn bộ cổ phần và thanh toán cho người vợ số tiền tương đương cổ phần bà này được chia.

Đối với hàng chục bất động sản, tòa tuyên chia đôi, giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỉ đồng. Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỉ đồng. Bà Thảo có nghĩa vụ trả lại cho ông Vũ phần chênh lệch 12,5 tỉ đồng.

Đối với số tiền 1.764 tỉ đồng tại các ngân hàng mà bà Thảo đang đứng tên, HĐXX tuyên chia đôi và giao bà Thảo tiếp tục quản lí tài sản này. Số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.