Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến quy hoạch ba tuyến đường sắt đô thị

Ba tuyến đường sắt đô thị dự kiến được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch gồm tuyến trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của TP Vũng Tàu; tuyến nội - ngoại ô giữa TP Vũng Tàu và thị trấn Long Hải của huyện Long Điền và tuyến Metro kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ - Long Thành.

Một góc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Theo Dự thảo quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này đề xuất đầu tư xây dựng ba tuyến đường sắt đô thị gồm hai tuyến monorail và một tuyến metro. 

Tuyến số 1 sẽ hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của TP Vũng Tàu. Tuyến bắt đầu từ ngã ba đường Trần Phú - Lê Lợi - Nguyễn An Ninh theo đường Nguyễn An Ninh - Thùy Vân - Hạ Long - Quang Trung - Trần Phú - ngã ba đường Trần Phú - Lê Lợi khép kín tuyến. Tổng chiều dài khoảng 20 km.

Đây là tuyến phục vụ nhu cầu đi lại nhiều nhất của khách du lịch đến tắm biển, dạo chơi bên bờ biển. Địa hình dọc theo chiều dài tuyến, một cách cơ bản, là thuận lợi để bố trí ray do cao độ không chênh lệch nhiều, trừ hai điểm đổ dốc lớn giữa đường Thùy Vân và đường Hạ Long. Depot bố trí ở khu vực ngã tư đường Trần Phú - Lê Lợi - Nguyễn An Ninh, rộng 3.700 m2 ; depot thứ hai dung chung với tuyến số 2 ở khu vực ngã tư đường 2/9, rộng 6.000 m2.

Tuyến số 2 là tuyến nội - ngoại ô giữa TP Vũng Tàu và thị trấn Long Hải của huyện Long Điền. Tuyến bắt đầu Vòng Xoay Lê Hồng Phong, theo đường 3/2 (đường 51C) - ngã tư giao đường 2/9 (đường 51B) - qua cầu Cửa Lấp - đường ven biển ĐT 994 - Bình Châu.

Chiều dài tuyến là khoảng 65 km. Đây là tuyến phục đi lại chủ yếu cho khách du lịch giữa thành phố Vũng Tàu và thị trấn Long Hải của huyện Long Điền.

Khi du lịch phát triển mạnh, có thể tiếp tục kéo dài tuyến số 2 thêm khoảng 25 km bám theo đường ven biển (ĐT 994) qua khu du lịch Phước Hải của huyện Đất Đỏ, đến tận khu vui chơi - nghỉ dưỡng - du lịch Hồ Tràm ở huyện Xuyên Mộc. Depot ở đầu tuyến (dung chung với tuyến số 1) tại khu vực ngã tư đường 2/9, rộng 6.000 m2; một depot ở cuối tuyến tại thị trấn Phước Hải, rộng 4.000 m2.

Tuyến số 3 là tuyến metro kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ - Long Thành. Theo định hướng phát triển vùng Phú Mỹ, Bà Rịa, Vũng Tàu, Long Điền sẽ trở thành vùng động lực của tỉnh và kết nối thành trục đô thị phía tây.

Trong tương lai khi cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, vành đai 4, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu hoàn thiện có thể xem xét mở rộng dải phân cách để phát triển đường sắt đô thị dọc QL 51.

Do kinh phí xây dựng khá lớn, giai đoạn đầu để phát triển du lịch ở Vũng Tàu và phục vụ các KCN, đô thị dọc QL 51, cần xem xét đầu tư các đoàn tàu khách chất lượng cao, với vận tốc lớn, trên tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu trước, nhằm kết nối tỉnh với sân bay Long Thành, TP HCM,… thông qua tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành (tuyến đường sắt chuyên dùng vận chuyển hành khách) và đường sắt cao tốc Thủ Thiêm - Nha Trang.

Bên cạnh ba tuyến đường sắt đô thị, đối với quy hoạch đường sắt quốc gia trên địa bàn tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu là một trong những hạng mục giao thông huyết mạch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng chiều dài tuyến là 84 km đường đôi lưu thông hai chiều, kết nối tại ga Trảng Bom thông qua tuyến tránh Biên Hòa - Vũng Tàu (Trảng Bom - Dĩ An).

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu là đường sắt quốc gia đi qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có khổ đường 1.435 mm, trong đó đoạn Biên Hòa - Thị Vải là đường đôi; đoạn Thị Vải - Vũng Tàu là đường đơn.

Ngoài ra, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia trên địa bàn vùng còn có tuyến đường sắt từ Tây Ninh, Bình Phước qua Bình Dương, Đồng Nai kết nối vào tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu tạo điều kiện kết nối liên thông giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh phía tây của vùng Đông Nam Bộ.

chọn
Đất Xanh: Gem Riverside đã xong pháp lý và sắp mở bán
Đại diện Đất Xanh cho biết dự án Gem Riverside đã cơ bản hoàn thiện pháp lý, doanh nghiệp có kế hoạch bán hàng từ quý III/2024.