'Bà tiên' giữa đời thường: Người trẻ nên có ước mơ thực tế!

“Tôi nghĩ bất cứ người trẻ nào cũng nên có một niềm ước mơ và hãy cố gắng xây dựng ước mơ đó trên thực tế để làm một người có ích cho xã hội”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc bệnh viện Từ Dũ chia sẻ.

Phải chi mình gặp người ta sớm hơn

ba tien giua doi thuong nguoi tre nen co mot uoc mo thuc te
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng luôn nhận những điều mình đã làm là bình thường, không có gì đáng kể.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc bệnh viện Từ Dũ - người mang lại hạnh phúc cho hàng vạn cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng luôn nhận những điều mình đã làm “là bình thường, là không có gì đáng kể”.

Với quan niệm, con đường mình đi do chính mình tự đổ đá, trên con đường đó, bác sĩ Phượng đã thấy nhiều bệnh nhân của mình phải chịu rất nhiều nỗi khổ. Ở Việt Nam lúc trước cứ nghĩ không sinh đẻ được là lỗi của người vợ, cặp vợ chồng nào không có con thì y như rằng nhà chồng xúi giục phải ly dị, bỏ vợ đi cưới người khác.

Bác Phượng kể, năm 1977 khi về Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang) gặp mấy cặp vợ chồng mà người vợ có u xơ to. Lúc đó, người vợ đã 45 - 46 tuổi, ông chồng phải lấy vợ bé để có con. Có đứa con người chồng cũng đem về sống cùng vợ lớn. Nhưng dù sao đó cũng là sự đau khổ, day dứt của người phụ nữ.

“Tôi nghĩ mà ân hận lắm, phải chi mình đi về nông thôn gặp người ta sớm hơn để bóc mấy u xơ đó thì có thể là người ta đã không mất hạnh phúc như vậy”, bác sĩ Ngọc Phượng tiếc nuối khi nghĩ đến nỗi đau của những người mất quyền làm mẹ.

Tại các tỉnh Tây Nguyên, bác sĩ Ngọc Phượng đã thấy nhiều cái chết tức tưởi, bởi đau bụng thì kêu thầy mo, không đẻ được thì cúng, qua ngày hôm sau mới đưa về xã, xã không được mới chuyển về huyện, lên tới tỉnh thường vỡ tử cung, cứu được mạng người mẹ đã là may.

“Tôi thấy mình làm bao nhiêu cũng không hết nếu như chỉ ngồi ở trong bệnh viện chờ bệnh nhân đến, nhiều khi người ta cũng không biết để đến với mình. Vấn đề phải giáo dục sức khỏe sâu rộng cho đồng bào dân tộc hiểu”, bác Phượng nói lý do ra đời của mô hình cô đỡ thôn bản.

Theo bác sĩ Phượng, câu nói lương y như từ mẫu thì mẹ hiền ở đây không chỉ ngồi dỗ dành, vỗ về đứa con. Mẹ hiền phải biết chăm sóc con, con thiếu thốn phải tần tảo để lo cho con đầy đủ, con đau ốm người mẹ phải chạy để có thầy có thuốc đủ cứu sống con mình. Không thể nói thương bệnh nhân mà không làm gì hiệu quả, không cố gắng vượt qua mọi khó khăn để bệnh nhân nặng dần, đưa đến kết quả không tốt.

Dự án cuối cùng của cuộc đời

ba tien giua doi thuong nguoi tre nen co mot uoc mo thuc te
Hạnh phúc của bác sĩ Ngọc Phượng là chứng kiến hạnh phúc làm cha mẹ của các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Trong những câu chuyện nghề của mình, bác sĩ Ngọc Phượng luôn lấy niềm hạnh phúc của các cặp vợ chồng làm động lực để vượt qua khó khăn. Bác kể, có người sau khi tôi đỡ đẻ cho cô vợ xong, ông chồng chạy vô nói: “Cô, má con nói ngày trước cô mổ cho má con đem con ra. Giờ cô mổ cho vợ con, lấy con của con ra’.

Chưa hết, một cặp vợ chồng lấy nhau mười mấy năm chưa có con, trước khi đi điều trị hiếm muộn anh chồng để tóc dài ngang vai. Biết vợ mang song thai đã lập tức thay đổi cuộc sống theo hướng tích cực. Lúc nhìn thấy hai đứa con, một trai một gái trên tay cô hộ lý, anh chồng chạy thang bộ từ lầu 2 xuống sân bệnh viện. Vừa chạy vừa hét đúng một câu “Có con rồi. Có con rồi”. Bảo vệ sợ anh này khùng điên, lật đật chặn đầu này thì anh chồng chạy đầu kia. Đến khi chặn lại được lại cũng chỉ nói “mừng lắm có con rồi”.

Trường hợp khác, một cặp vợ chồng Việt Kiều thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, người vợ có thai 3. Khi các bác sĩ thuyết phục giảm bớt một thai nhi để an toàn cho mẹ và bé, anh chồng nhất định không chịu. Lý do là ở bên Mỹ tốn rất nhiều tiền nhưng không có con được, về Việt Nam không tốn bao nhiêu mà được ba đứa.

Tuần nào người chồng cũng nhờ bác sĩ cũng chụp mặt và bụng vợ gửi về bên Mỹ. Hỏi để làm gì, anh chồng bảo để cho bà con bên đó biết vợ tôi mang thai, không có mai mốt đem mấy đứa nhỏ về họ tưởng tôi đi xin con nuôi.

Bác sĩ Ngọc Phượng vẫn nhớ cảm giác lo lắng khi ấy, đến tuần thứ 34 sản phụ này vỡ ối phải mổ, hai đứa 1.6kg, một đứa 1.5kg. Tôi lo lắm mà ổng nhảy tưng tưng mừng rỡ. Tôi sợ không nuôi được. Ông chồng dứt khoát “Được, thế nào cũng nuôi được”. Hỏi sao anh biết? Trả lời - Ở bên Mỹ, trẻ sơ sinh 1.2kg là đã nuôi được mà mình giỏi hơn Mỹ, mấy đứa này ở đây nuôi thế nào cũng xong. Đến khi đầy tháng ba đứa nhỏ được hơn 2kg, tôi mới dám thở mạnh.

Đến bây giờ khi đã về hưu nhiều năm, bác sĩ Ngọc Phượng vẫn còn trăn trở với nỗi đau của bệnh nhân. Tôi đang cố gắng vận động xây trung tâm tẩy độc cho nạn nhân chất độc da cam. Ngoài tẩy độc chất đioxin còn có thể tẩy độc nhiều chất khác trong cơ thể khác cho người dân thành phố. Có lẽ đây là dự án cuối cùng của cuộc đời tôi, bác sĩ Phượng trầm ngâm nói.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là người mang công trình "thụ tinh trong ống nghiệm" ở nước ngoài về về Việt Nam áp dụng tại BV Từ Dũ. Bà cũng là người đầu tiên mang kỹ thuật nội soi trong phụ khoa về Việt Nam. Ngoài ra, bà còn có những công trình nghiên cứu khác như: Đào tạo cô đỡ thông bản người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, miền núi và dân tộc thiểu số. Ảnh hưởng của chất độc hóa học trên sức khỏe phụ nữ và các biện pháp khắc phục; Phát hiện sớm điều trị ung thư cổ tử cung; Áp dụng phương pháp miễn dịch me TBG để chẩn đoán và theo dõi sự phát triển của thai nhi; Đặc điểm sinh lý của phụ nữ tuổi mãn kinh…

Kỳ tới: "Nói đến phụ nữ Việt Nam là nói đến sức mạnh..."

chọn
Hình ảnh cầu Liêm Chính giai đoạn 2 ở TP Phủ Lý đang xây dựng
Theo kế hoạch đến tháng 7/2025, dự án cầu Liêm Chính giai đoạn II ở TP Phủ Lý, Hà Nam sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.